Nuôi Ốc Hương Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa)

Ốc hương thường hay bị dịch bệnh, gây tổn thất cho người nuôi nhưng nó vẫn được đánh giá là loài cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Trần Thanh Phong – xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) gắn bó với nghề nuôi trồng hải sản hàng chục năm nay. Trước đây gia đình ông đã từng nuôi các loài hải sản như tôm sú, tôm thẻ, cá chẽm… Sau một thời gian, ông nhận thấy hiệu quả của các đối tượng nuôi này mặc dù cao nhưng độ rủi ro cũng cao không kém. Cách đây 5 năm, qua tìm hiểu, ông Phong đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đìa của gia đình sang nuôi ốc hương thương phẩm.
Hiện tại gia đình ông nuôi hơn 4 sào ốc hương, chia làm 2 ao. Bình quân mỗi năm nuôi 2 vụ, mỗi vụ 6 tháng. Với sản lượng trên 20 tấn ốc hương thương phẩm, giá bán khoảng 160 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 2 tỷ đồng. Theo ông Phong: ốc hương là loài hải sản dễ nuôi nhưng yêu cầu kỹ thuật khá cao. Hàng ngày phải thay nước trong đìa nuôi và vệ sinh thường xuyên vì nguồn nước ô nhiễm sẽ gây ra dịch cho ốc. Thức ăn của ốc hương là các loài cá, cá con nhỏ nhưng phải tươi. Nuôi ốc hương đầu tư khá cao, mỗi sào khoảng 500 đến 700 triệu đồng tiền giống, công và thức ăn...
Xã Cam Thịnh Đông là xã có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Trong khoảng 3 năm nay, diện tích nuôi ốc hương của địa phương không ngừng tăng, từ 6ha ban đầu đến nay toàn xã đã nhân rộng lên gần 50ha. Ông Lê Hữu Ngạn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh cho biết hướng của chính quyền địa phương là vận động bà con mở rộng thêm diện tích nuôi ốc hương vì thu nhập rất cao. Việc nuôi ốc hương ổn định hơn các loài nuôi khác như cá mũ, cá chẽm, tôm thẻ, tôm sú vì dịch bệnh ít xảy ra.
Chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cũng đã hỗ trợ cho nông dân vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng ốc hương, hướng dẫn người dân tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá". Mặc dù ốc hương là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng hiện nay chưa thể khuyến khích phát triển đại trà. Các ngành chức năng đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi ốc hương và khuyến khích người dân nuôi tại vùng đã quy hoạch.
Related news

Ông Trần Phương là tấm gương nông dân sản xuất giỏi ở thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Từ trồng lúa và nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng.

Chuyện con bò tót “lạc đàn” về xã Phước Bình “gắn kết” với bò nhà sản sinh những con bê lai F1 “cường tráng” đang trở thành đề tài thời sự thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước.

Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau.

Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.