Nông Dân Cần Chủ Động Phòng Trừ Muỗi Hành Hại Lúa
Trong vụ đông xuân 2013-2014, tỉnh Đồng Tháp bị ảnh hưởng khá nặng nề do muỗi hành gây hại với tổng diện tích trên 11.600ha. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự. Mức gây hại của muỗi hành cao nhất lên đến 70-80% diện tích, còn lại phổ biến ở mức 30-40%.
Sang vụ hè thu 2014, toàn tỉnh có trên 1.800ha diện tích bị ảnh hưởng của muỗi hành. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh, muỗi hành phát sinh do 5 nguyên nhân chính là: mùa vụ và thời gian gieo sạ chồng nhau; giống; mật độ gieo sạ; việc lạm dụng thuốc BVTV làm các loài thiên địch chết không thể bảo vệ cây lúa; thông tin, kiến thức nông dân về muỗi hành còn hạn chế.
Muỗi hành dài 3-5mm, màu đỏ da cam; trứng hình bầu dục (mới đẻ trứng màu trắng bóng về sau chuyển thành màu xanh đậm). Trứng nở thành sâu dưới dạng dòi, đây là lúc ấu trùng muỗi hành gây hại cho cây lúa. Nhộng của sâu non màu đỏ da cam có nhiều gai trên thân. Về ban đêm, muỗi hành dễ bị thu hút với ánh sáng đèn, ban ngày thích gần nơi có nước. Muỗi hành non có thể sống trong mặt nước hoặc trên bùn 6-8 ngày, nhưng không sống được trên đất khô.
Khi phá hại lúa, sâu non lách qua các bẹ lá chui dần vào bên trong và tiến đến các đỉnh sinh trưởng của cây lúa. 7 ngày sau khi cây lúa bị muỗi hành tấn công, ống lúa mọc dài ra có màu xanh nhạt rất dễ phát hiện. Muỗi hành thường tấn công lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, làm lúa bị thấp cây và giảm năng suất.
Bà Ánh cho biết thêm: “Thời điểm tấn công của muỗi hành là vào khoảng lúa 15-30 ngày tuổi. Theo đó, ấu trùng tấn công vào đỉnh sinh trưởng của cây lúa, phát triển trong đó tiết ra một loại tiết tố làm bẹ lá non phình to ra, kéo lên phía trên, đồng thời 2 mép lá dính lại tạo thành ống hành rồi hóa nhộng.
Ống hành có màu xanh nhạt hoặc trắng bạc rộng khoảng 1mm, dài khoảng 10-30cm. Thông thường, ống hành sẽ xuất hiện 1 tuần sau khi ấu trùng xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng của lúa. Những chồi lúa trở thành ống hành thì không có khả năng tạo bông.”
Để quản lý chặt chẽ diện tích nhiễm muỗi hành, hạn chế thấp nhất thiệt hại trên lúa và cắt đứt sự lây lan của muỗi hành sang những diện tích lúa vụ hè thu, theo bà Ánh, nông dân nên thăm đồng thường xuyên, đặc biệt giai đoạn lúa đẻ nhánh, nếu phát hiện mật số con trưởng thành cao và điều kiện thời tiết thích hợp để muỗi phát triển, có thể sử dụng các loại thuốc hạt để rải; tuân thủ nguyên tác 4 đúng khi xử lý thuốc.
Bên cạnh đó, cần bón phân cân đối, đặc biệt tăng lượng lân và kali trong thời kỳ mạ - đẻ nhánh; những ruộng nhiễm muỗi hành cần kịp thời tháo nước phơi ruộng để hạn chế sự phát triển; tiêu diệt cỏ dại, lúa hoang, lúa chét, nguồn của muỗi hành trong thời gian chuyển vụ; cày ải đất sau thu hoạch, có thời gian cách ly hoặc luân canh với cây trồng khác không phải ký chủ của muỗi hành.
Ngoài ra, nông dân các vùng bị ảnh hưởng của muỗi hành nên liên kết lại thử nghiệm mô hình trồng hoa trên các ruộng lúa trước khi gieo sạ, nhằm dẫn dụ các loài thiên địch để khống chế các loài dịch hại.
Related news
Mặc dù nuôi lươn không bùn không phải là mô hình mới với người dân Hà Tĩnh, nhiều người đã thử nghiệm nhưng không duy trì được lâu dài và phải bỏ cuộc.
Theo lời hẹn vào một ngày tháng 3 nắng đẹp, chúng tôi ghé thăm vườn ổi của gia đình anh Nguyễn Hữu Trường – thành viên Hợp tác xã (HTX) trái cây Mỹ Đức.
Dám nghĩ dám làm, mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Vũ Thị Dân, xã Thăng Long (Đông Hưng)
Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ vừa phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An, HTX Nam Thịnh tổ chức hội thảo đánh giá giống lạc đen.
Anh Nguyễn Văn Hạnh (32 tuổi), ở xóm Đông Giai, xã Diễn Hoàng, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã biến lá dứa thành tơ sợi xuất khẩu đi châu Âu, mang về tiền tỉ.