Nuôi Lợn Xây Nhà Khang Trang
Trước khi bén duyên với nuôi lợn, anh Trần Văn Lưu ở thôn Nam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã từng làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ vữa, rồi đi bẻ nhãn thuê…
Anh Lưu bảo, ngày trước gia đình anh nghèo lắm, nhà lại ít ruộng, nên cuộc sống rất khó khăn. Lúc đầu không có vốn, anh chỉ nuôi 2 con lợn gọi là nuôi cho vui, chứ tính ra kinh tế chẳng đáng là bao. Vốn cần cù chịu khó, năm 2000 anh thầu hơn 1ha đất bãi để trồng ngô, ngô tốt, bắp đều, vụ ngô năm đó anh thắng lớn. Có ngô cho lợn ăn, có vốn, anh đầu tư mua 20 con lợn về nuôi, lứa đầu chưa có kinh nghiệm, anh bị chết mất 2 con do bị bệnh tiêu chảy.
Anh Lưu cho biết: "Mình nuôi lợn lâu rồi, nhưng nuôi nhiều thì không dám vì còn non kinh nghiệm lắm. Sau lần thất bại đó, tôi tìm đến các trang trại lớn ở huyện để học hỏi và đọc thêm sách báo. Hóa ra nuôi lợn cũng cần có bài bản, kỹ thuật, chứ mình nuôi "bừa" là không ổn. Giờ chỉ cần nhìn thấy dáng đi, phân của lợn là tôi biết nó mắc bệnh gì và chỉ cần 2 mũi tiêm là khỏi đứt".
Cứ như vậy, mỗi lứa anh nuôi 20 - 30 con lợn, hơn 1ha ngô ngoài nghiền cho lợn ăn, anh bán bớt để mua cám và trang trải gia đình. Năm 2008, anh Lưu quyết định đầu tư chăn nuôi lớn. "Chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có lãi, nhưng không đáng kể. Muốn có lãi thì phải nuôi số lượng lớn, thế là mình đầu tư hệ thống chuồng trại, nước rửa, cũng như việc tiêm phòng dịch bệnh... Từ năm 2008 đến nay, mỗi lứa tôi nuôi từ 60 - 80 con lợn thịt, một năm 3 lứa và khoảng 6 con lợn đẻ. Trung bình mỗi lứa xuất khoảng 3 tấn lợn hơi, trừ chi phí lãi 70 - 80 triệu đồng" - anh cho biết.
Theo anh Lưu, năm nay giá lợn thất thường, giá cám lại tăng cao nên chăn nuôi không khéo là không có lãi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chăn nuôi của mình anh vẫn giữ mức 60 con/lứa và chủ yếu nuôi lợn siêu nạc. Sau hơn chục năm gắn bó với con lợn, anh đã xây được nhà cửa khang trang, điều mà trước kia anh nằm mơ cũng không thấy.
Thứ tài sản quý nữa là anh đã trở thành một "bác sĩ thú y" chuyên "bắt bệnh" cho lợn, vừa để chữa bệnh cho lợn nhà, vừa giúp bà con phòng chống dịch cho đàn lợn, cùng chăn nuôi làm giàu!
Related news
Mục tiêu của Dự án là cải tiến, nâng cao chất lượng đàn bò thịt tại Bến Tre nhằm đưa cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao từ 3% (năm 2010) lên 15% (năm 2015), góp phần làm thay đổi cơ cấu giống bò, hình thành ngành sản xuất chăn nuôi bò thịt.
Rời quê hương Bắc Giang với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Minh (khu phố Ba Đình, thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên - Bình Dương) đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), hàng năm ông Minh đã thu được tiền tỷ và là một trong những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền của tỉnh.
Thời gian qua, việc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng không chỉ làm đa dạng mô hình sản xuất mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Những ngày biển động, khi nhiều tàu đánh bắt nằm im gối bờ thì tàu đánh bắt cá chuồn, cá mập của ngư dân Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) bắt đầu vào "mùa làm ăn". Công việc nguy hiểm, thời tiết không được thuận lợi, nhưng bù lại cho những nhọc nhằn là phiên biển "trúng đậm".
Bên cạnh mô hình luân canh tôm – lúa ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã khẳng định tính hiệu quả của vùng canh tác bền vững, thì mô hình luân canh tôm nước lợ với tôm càng xanh đã cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể.