Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngăn Chặn Nạn Trộm Cắp Lưới Của Ngư Dân Hải Hậu

Ngăn Chặn Nạn Trộm Cắp Lưới Của Ngư Dân Hải Hậu
Publish date: Monday. August 26th, 2013

Thời gian gần đây, nạn trộm cắp lưới đánh bắt hải sản của ngư dân vùng biển huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) xảy ra thường xuyên, khiến các chủ tàu cá thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Trộm cắp lưới hoành hành trên biển

Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch các Hiệp hội Nghề cá huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) cho biết: Nghề khai thác, đánh bắt hải sản phát triển mạnh ở bảy xã ven biển của huyện, với 101 tàu đánh bắt xa bờ (ÐBXB) có công suất 320 CV trở lên. Trước đây, việc ÐBXB khá thuận lợi vì an ninh - trật tự trên các vùng biển khá tốt. Do vậy, nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng, huy động vốn trong gia đình, dòng họ, để đầu tư đóng tàu công suất lớn và mua sắm lưới, ngư cụ, trị giá từ ba tỷ đến năm tỷ đồng. Sau mỗi chuyến đi biển, đời sống từng hộ dân làm nghề cá ở Hải Hậu lại khấm khá hơn.

Theo ông Tùng, ngoài số lao động (khoảng 1.000 người) tham gia đánh bắt hải sản trực tiếp trên biển, nghề cá Hải Hậu còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn trong bờ. Bác Nguyễn Văn Xuyến, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Hải Triều cho biết: Xã có khoảng 1.400 hộ thì 70% số hộ làm nghề cá, còn lại làm nghề muối. Do không có đất trồng lúa, cho nên từ bao đời nay, ngư dân trong xã kiên trì bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền vùng biển. ÐBXB, ngư dân ở đây quen gọi là nghề khơi, có 58 tàu công suất lớn, với hơn 300 hộ có người tham gia khai thác trực tiếp trên biển.

Nhưng từ năm 2012 đến nay, ngư dân xã Hải Triều cũng như ngư dân toàn huyện Hải Hậu luôn hoang mang, lo lắng vì nạn trộm cắp lưới hoành hành. Trộm cắp lưới diễn ra thường xuyên. Số lượng chủ tàu bị mất lưới rất nhiều. Ngư dân các xã Hải Triều, Hải Chính đã bị kẻ gian cắt trộm lưới 22 vụ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó, tàu NÐ-92756-TS của anh Phạm Văn Tu ở xã Hải Chính đánh bắt tại vùng biển Thái Bình giáp Hải Phòng bị cắt trộm 80 cheo lưới, trị giá 800 triệu đồng. Theo bác Xuyến, người dân Hải Hậu còn có nghề đan lưới truyền thống bằng tay.

Những cheo lưới (còn gọi là tấm lưới hoặc tay lưới) thường có đặc thù riêng biệt của vùng biển Hải Hậu, mà nơi khác khó có thể đan được lưới như vậy, cho nên sau khi mất lưới, anh Tu rủ một số ngư dân trong xã đi tìm và thấy 27 cheo lưới của mình bị bọn trộm cắt bỏ hết phao và thả chìm tại cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) để chờ cơ hội tẩu tán. Mất lưới khiến nhiều tháng nay, anh Tu không thể đi ÐBXB được nữa, kinh tế lâm vào cảnh khó khăn. Anh than thở: "Gia đình tôi còn nợ 1,5 tỷ đồng vay ngân hàng mua lưới từ trước.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nhiều nạn nhân khác trong huyện cũng bị mất lưới với số lượng lớn như: Chủ tàu NÐ-2779-TS là Vũ Mạnh Dương, mất 25 cheo lưới; anh Cao Thanh Tùng chủ tàu NÐ- 92772-TS mất 15 cheo lưới khi đánh bắt hải sản trên biển. Trung tuần tháng 6 vừa qua, tàu NÐ-92668-TS của anh Kim Ngọc Tế, xã Hải Chính, đánh bắt cách cửa biển Ninh Cơ (Hải Hậu) khoảng 50 hải lý về phía Thanh Hóa, bị cắt trộm 42 cheo lưới, trị giá hơn 400 triệu đồng.

Chủ tàu NÐ-9288-TS là anh Thảo ở thôn Tân Minh, xã Hải Triều, mất 67 cheo lưới, trị giá gần 500 triệu đồng. Ở xã Hải Xuân, nhiều chủ tàu mất lưới nhiều lần như anh Tung, anh Lân, anh Tự rơi vào cảnh nợ nần, không dám vay ngân hàng để đầu tư tiếp, đành phải bỏ đi các tỉnh phía nam làm nghề khác kiếm sống.

Chúng tôi tới khu vực cảng cá thuộc thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), khi hàng chục chiếc tàu của ngư dân Hải Hậu vừa được gọi về tránh cơn bão Utor ngày 13-8 vừa qua. Anh Nguyễn Văn Cung, chủ tàu NÐ-2762-TS, bức xúc nói: "Ngày 27-7-2013, tàu của anh đánh bắt vùng biển Thanh Hóa, bị kẻ gian cắt trộm mất 25 cheo lưới, trị giá 150 triệu đồng. Anh Cung đã gửi đơn tới Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị ngành chức năng kiểm tra, giải quyết vì việc mất cắp xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng kiến nghị của anh đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết: Trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An mà ngư dân huyện Hải Hậu đến khai thác, đánh bắt hải sản, không chỉ có nạn trộm cắp lưới hoành hành, mà tình trạng tận diệt nguồn hải sản do một số người dân dùng mìn, dùng thuốc nổ tự chế đánh bắt cũng liên tục tái diễn. Mặt khác, do một số chủ tàu sợ lưới bị trộm cắp, cho nên họ không dám thắp đèn ở khu vực thả lưới như trước đây, làm cho các tàu hoạt động trên biển dễ va chạm vào nhau, dẫn tới nhiều vụ tranh cãi, xô xát đã xảy ra.

Giúp ngư dân bám biển

Anh Phạm Thanh Hữu, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Hải Xuân cho biết: Lưới là công cụ chính để mưu sinh nơi biển cả. Một cheo lưới có chiều dài từ 40 m đến 50 m, chiều đứng khi thả trên biển tới 50 m, có giá từ tám triệu đến 10 triệu đồng/cheo.

Ðể ÐBXB, hầu hết các chủ tàu ở Hải Hậu phải trang bị từ 150 đến hơn 200 cheo lưới, rải trên biển với độ dài từ 10 km đến 20 km, mới đánh bắt được hải sản. Có đầu tư như vậy, thì sau một chuyến ÐBXB mất hơn một tuần mới đủ bù đắp chi phí và có lãi. Chủ tàu nào không may bị mất trộm lưới là coi như mất cơ nghiệp.

Anh Hữu cho biết: Nguyên nhân mất lưới là do đối tượng xấu trộm cắp chứ không phải do lưới bị sóng to, gió lớn ở biển đánh trôi dạt. Một số đối tượng trộm cắp thường tụ tập tại cửa biển Lạch Trường thuộc xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và vùng biển một số tỉnh bạn.

Các đối tượng này có nhiều tàu trang bị tời, cẩu, trên tàu có nhiều người và chuyên hành nghề trộm cắp lưới của ngư dân từ vùng biển Quảng Ninh đến Quảng Bình. Thủ đoạn trộm cắp lưới rất tinh vi. Chúng điều hành bằng bộ đàm và thường tổ chức từ ba đến bốn tàu cắt trộm lưới, có phân công tàu cảnh giới, tàu cắt thu lưới và tàu ngăn cản đường nếu bị truy đuổi.

Anh Cao Thanh Tùng, chủ tàu NÐ - 92772-TS ở xã Hải Chính cho biết: Qua sóng bộ đàm, các anh còn nghe rõ và ghi âm được nội dung thông tin mà các đối tượng xấu bàn nhau ăn cắp lưới của ngư dân Hải Hậu. Những băng ghi âm này các anh đã nộp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Nam Ðịnh.

Anh Tùng kể: Các đối tượng xấu biết rõ ngư dân Hải Hậu đầu tư nhiều cheo lưới có giá trị để ÐBXB, cho nên chúng thường đeo bám, rình các chủ tàu ngay từ khi xuất bến, nhằm xác định vị trí thả lưới, rồi tổ chức trộm cắp ngư cụ. Nhiều chủ tàu thả lưới phải tắt hết đèn chớp trên tàu, đèn phao báo hiệu an toàn dù biết là nguy hiểm, thế mà lưới vẫn bị trộm.

Có hôm bọn trộm lấy được lưới của ngư dân tỉnh bạn thì chúng lại gạ bán cho ngư dân Hải Hậu. Một số đối tượng còn hăm dọa nếu không lấy được gì trên biển, lúc quay về bờ sẽ lấy tất cả những gì có thể dùng được.

Theo anh Tùng, trong các đoàn tàu đánh cá của các Hiệp hội nghề cá Hải Hậu có sáu chiếc được gọi là tàu dân quân vì đã ký hợp đồng được quyền tham gia phối hợp cùng BÐBP tỉnh Nam Ðịnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân. Nhưng ngư trường đánh bắt hải sản quá rộng, các đối tượng trộm cắp lại có nhiều thủ đoạn: Hăm dọa công khai, dùng mìn chống trả khi bị truy đuổi, cho nên ngay cả tàu dân quân và một số ít dân quân biển của Hải Hậu trên tàu cũng phải "chào thua" bọn trộm.

Ðại tá Trần Ðình, Phó Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Nam Ðịnh cho biết: BÐBP tỉnh rất bức xúc trước nạn trộm cắp lưới trên biển. BÐBP tỉnh đã phân công cán bộ, chiến sĩ trinh sát, theo dõi chặt chẽ từng vụ kẻ gian trộm cắp lưới của ngư dân; phối hợp với BÐBP tỉnh Thanh Hóa, cùng nhiều chủ tàu bị mất lưới tìm mọi cách tiếp cận các đối tượng tình nghi là trộm cắp. Nhưng do không bắt được quả tang, đối tượng tình nghi lại nói là vớt được lưới trên biển, cho nên cũng chịu. Còn chủ tàu muốn lấy lại lưới thì phải bỏ ra từ 10 đến 50 triệu đồng để chuộc ngư cụ bị mất.

Ðại tá Vũ Ðức Thọ, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm BÐBP tỉnh Nam Ðịnh cho biết: Ngư dân Hải Hậu luôn đánh bắt hải sản ở vùng biển xa, các vụ trộm cắp lưới xảy ra trên địa bàn tỉnh bạn, không thuộc địa bàn BÐBP Nam Ðịnh quản lý, cho nên rất khó đấu tranh, làm rõ. Những trường hợp như thế, BÐBP Nam Ðịnh chỉ có báo cáo đề xuất cấp trên hướng xử lý mà thôi.

Từ nạn trộm cắp lưới đánh bắt hải sản và những bức xúc về an ninh, trật tự trên một số vùng biển, nhiều ngư dân và các Hiệp hội nghề cá ở Hải Hậu (Nam Ðịnh) đề nghị Bộ Tư lệnh BÐBP, Bộ Chỉ huy BÐBP và lãnh đạo các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sớm phối hợp chỉ đạo BÐBP các địa phương và ngành chức năng vào cuộc truy quét các đối tượng trộm cắp lưới của ngư dân trên biển; xử lý nghiêm các đối tượng trộm cắp lưới, đánh bắt hải sản bằng mìn hủy diệt nguồn lợi hải sản, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Mặt khác, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với BÐBP củng cố lực lượng dân quân, xây dựng các đội tự quản an ninh-trật tự trên bờ, trên từng tàu cá, góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ ngư dân.

Ngành chức năng các địa phương cần tăng cường cung cấp thông tin cho ngư dân về luồng cá, vị trí thả lưới, cách hỗ trợ nhau trông coi, bảo vệ để đánh bắt hải sản có hiệu quả, kịp thời ngăn ngừa những va chạm, xô xát phức tạp xảy ra trên biển, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng ven biển.


Related news

Vịt chạy đồng tăng đột biến khi thu hoạch lúa hè thu Vịt chạy đồng tăng đột biến khi thu hoạch lúa hè thu

Hiện nay trên địa bàn các xã Mỹ Thọ, Tân Hội Trung và Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khi thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2015, đã xuất hiện nhiều đàn vịt chạy đồng, làm số lượng đàn vịt ở đây tăng lên đột biến, trong đó có không ít đàn vịt đến từ địa phương khác.

Monday. May 11th, 2015
Phất lên nhờ nuôi dế Phất lên nhờ nuôi dế

Nuôi dế ít dịch bệnh, công chăm sóc và chi phí thức ăn thấp mà cho thu nhập khá cao so với nhiều nghề khác. Chỉ cần cho dế ăn sạch, ở sạch và uống sạch.

Monday. May 11th, 2015
Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi gà vườn đồi Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi gà vườn đồi

Theo lời giới thiệu của Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, chúng tôi đến gia đình anh Triệu Văn Hoan ở xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa - nơi đang triển khai mô hình nuôi gà đồi cho hiệu quả cao.

Monday. May 11th, 2015
Chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường với đệm lót sinh học Chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường với đệm lót sinh học

Ngày 7-5, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức xét duyệt, thông qua dự án “Chăn nuôi heo, gà tập trung trên nền đệm lót sinh học gắn với xây dựng công trình khí sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường”. Dự án do Phó Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nguyễn Hoàng Chiến làm chủ nhiệm.

Monday. May 11th, 2015
Nuôi ong mật Ý Nuôi ong mật Ý

Nắm bắt cơ hội, mạnh dạn chuyển đổi, ông Đặng Văn Thể (Chùa Hang - Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã từ bỏ hơn 300 thùng ong mật nội chuyển hướng sang nuôi ong mật ngoại cho thu nhập gấp nhiều lần.

Monday. May 11th, 2015