Chủ Động Phòng Trừ Dịch Hại Lúa Mùa Sau Mưa Lũ
Sau những cơn mưa kéo dài vừa qua, nhiều diện tích lúa mùa ở các huyện, thành phố đã xuất hiện nhiều loại dịch hại. Để phòng trừ dịch hại sau mưa lũ, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ, hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra..
Chị Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Do ảnh hưởng của các cơn bão số 4, số 5 và số 6, từ giữa tháng 7 đến nay trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện mưa nhiều và có nơi mưa rất to, với lượng mưa trung bình từ 70 đến 100 mm đã làm ngập, úng nhiều diện tích lúa mùa tại một số vùng của các huyện, thành phố. Mưa lớn là điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại phát triển như: Bệnh thối nhũn, khô vằn, bệnh bạc lá, ốc bươu vàng...
Ngay khi nắm bắt được tình hình dịch hại Chi cục đã có công văn gửi đến các trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, yêu cầu các trạm tổ chức phân công cán bộ tăng cường bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh. Đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại.
Hiện tại trên một số cánh đồng của phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), các xã Thắng Quân, Kim Phú (Yên Sơn)... đã xuất hiện các bệnh: Thối nhũn, khô vằn, nghẹt rễ... Nguyên nhân đều do mưa nhiều, ngập úng gây ra. Dịch bệnh xuất hiện, gây hại trên trà lúa hồi xanh, đứng cái. Cùng với các bệnh là các loại dịch hại khác gây hại như sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng và chuột...
Tại cánh đồng Xướng Mạ, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), ngay sau khi ngớt những trận mưa, nhiều bà con nông dân đã ra đồng kiểm tra, chủ động những biện pháp phòng trừ dịch hại. Ông Nguyễn Thế Thảo, cho biết: Mưa to đã làm đất nén chặt, cây lúa cấy xuống bị bó rễ chậm phát triển, ruộng cao tháo được nước thì lại bị chuột gây hại. Ngoài việc bón phân, làm cỏ, làm tơi đất, ngày nào ông cũng bẫy được từ 7 đến 10 con chuột.
Tại một số trà lúa muộn ở xã Kim Phú, Trung Môn, Thắng Quân, Lang Quán (Yên Sơn), trong ngày vừa qua, ruộng lúa luôn đầy ăm ắp nước. Khi trời nắng ráo, bà con nông dân tháo nước trong ruộng, rải bột vôi để phòng chống bệnh thối nhũn cây lúa do vi khuẩn gây ra.
Bà Nguyễn Thị Lan, xã Lang Quán cho biết, là ruộng thấp nên trận mưa đầu tháng 8 vừa rồi 2 sào ruộng của gia đình đã úng ngập, một số khoảng lúa đã bị thối nhũn. Được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, bà mua 12 kg vôi bột để rắc. Qua 3 ngày rắc vôi, tỷ lệ lúa bị thối nhũn đã giảm đi đáng kể, cây lúa đã và đang phục hồi trở lại.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, ngoài các bệnh dịch thì mưa lũ còn làm lây lan ốc bươu vàng, nạn chuột phá hoại. Bởi sau ngập úng, ốc bươu vàng di chuyển từ ao, hồ, mương vào ruộng. Còn chuột, ngập úng chúng di chuyển lên các cánh đồng cao, cắn hại những trà lúa cấy sớm đã đứng cái, chuẩn bị làm đòng.
Đây cũng là thời điểm phát triển của sâu cuốn lá nhỏ. Để chủ động phòng chống sâu bệnh, dịch hại đối với lúa sau mưa lũ bà con nông dân cần tích cực, chủ động thường xuyên thăm đồng để nắm bắt kịp thời và có biện pháp phòng trừ dịch hại.
Related news
Nguyên nhân do người dân chưa hiểu biết về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ca cao, do đó trong quá trình chăm sóc người dân chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, nên năng suất thấp và sâu bệnh nhiều. Kể từ năm 2011, bằng nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ triển khai tại Đức Linh mô hình “Trồng thâm canh cây ca cao xen điều”.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) tại hội nghị ký kết và triển khai chương trình hợp tác giữa Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) vào ngày 12-11, tại TP.HCM. Chương trình nhằm thúc đẩy, xây dựng liên kết giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất, cung ứng và kinh doanh lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo thông báo, Công ty mía đường Trà Vinh sẽ mua mía nguyên liệu trồng tại Trà Vinh với giá 875.000 đồng/tấn mía sạch, đạt 10 CCS (chữ đường), giảm 55.000 đồng/tấn so với vụ trước; nếu tăng 0,1 CCS sẽ tăng thêm 10.000 đồng/tấn và ngược lại nếu giảm 0,1 CCS sẽ giảm 7.000 đồng/tấn.
Như vậy, tổng lượng thủy sản cao cấp Cần Thơ đã xuất khẩu sang các thị trường nói trên từ đầu năm đến nay được 55.000 tấn, chiếm 35% tổng sản lượng đã xuất, nhiều gần gấp đôi so với năm ngoái, góp phần nâng tổng kim ngạch thủy sản đạt gần 500 triệu USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ.
Với số lượng 400 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp-Thương mại Tây Nguyên năm 2014 với chủ đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững” do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa đã hội tụ nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của các tỉnh, làng nghề.