Khá Giả Nhờ Nuôi Chim Cút
Trong những năm gần đây xã Quảng Minh (Hải Hà - Quảng Ninh) đang có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, từ những mô hình kinh tế điển hình của các hộ dân trong xã mở ra hướng đi mới để thoát nghèo, trong đó có gia đình anh Đào Văn Thắm ở thôn 4.
Năm 2010, vợ chồng anh Đào Văn Thắm ra ở riêng, vợ chồng trẻ với hai bàn tay trắng chỉ có vài sào ruộng làm không đủ ăn, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Với ý chí vươn lên thoát nghèo, anh Đào Văn Thắm cùng gia đình đã nghiên cứu tính toán, tìm hiểu rất nhiều cách làm kinh tế của các hộ dân khác trong xã, từ đó quyết định lựa chọn mô hình nuôi chim cút để phát triển kinh tế gia đình. Để mô hình này thành công, anh Thắm rất tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi chim khác, từ cách làm chuồng, chăm sóc chim. Ban đầu do chưa có vốn và kinh nghiệm nên gia đình anh Thắm chỉ dám đầu tư nuôi 1.500 con chim cút. Anh Thắm cho biết: “Nuôi chim cút phải tuân thủ hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật, đặc biệt chuồng trại nuôi phải thật sạch, cách bố trí lồng cũng rất quan trọng phải phù hợp để tiện chăm sóc.
Tôi đã nghiên cứu, học hỏi, đúc rút được một số kinh nghiệm như: Kích thước chiều ngang của lồng nuôi phải là 95cm, cao 20cm, khoảng cách của mỗi lồng là 15cm, không gian thông thoáng, không ẩm thấp, lúc nào cũng sạch để tránh dịch bệnh. Thức ăn của chim cút có loại cám dành riêng không được pha trộn, nếu cho ăn cám khác là chim sẽ không đẻ, cho chim ăn đều và đúng giờ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chu kỳ đẻ trứng của chim. Đặc điểm của chim cút có chu kỳ rất ngắn từ khi sinh ra tới lúc đẻ trứng chỉ tầm 50 ngày và thời gian nuôi cho trứng chỉ khoảng 7 đến 8 tháng là thay đàn mới, vì lúc đó chim đẻ sẽ kém và không hiệu quả”.
Sau một thời gian nuôi thấy cho hiệu quả cao, anh Thắm đã quyết định mở rộng đàn, đến nay gia đình anh đang nuôi hơn 2.500 con chim cút cho trứng, trên diện tích chuồng trại 60m2, mỗi ngày cho khoảng 2.300 quả trứng, giá trứng trên thị trường hiện nay khoảng 5.000 đồng/một chục trứng. Ngoài nuôi chim lấy trứng, anh Thắm còn thu nhập từ bán chim cút thịt khi thay đàn với giá 17.000 đồng/con. Tính tổng thể mỗi năm gia đình anh cho thu nhập từ nuôi chim cút khoảng 120 triệu đồng. Anh Thắm cho biết thêm: Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi chim cút lớn hơn nữa, mong muốn có những chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để đầu tư và mở rộng thêm nhiều chuồng trại, phục vụ nhu cầu thị trường đang rất cần hiện nay.
Với khát khao làm giàu, anh Đào Văn Thắm đã có được kết quả bước đầu đáng khích lệ từ mô hình nuôi chim cút của mình, giờ anh trở thành một trong những hộ dân khá giả của thôn 4, xã Quảng Minh. Từ mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Thắm khẳng định thêm một cách làm hiệu quả, hướng đi mới cho nông dân vươn lên làm giàu.
Related news
Huyện Gio Linh (Quảng Trị) có tổng diện tích đất nông nghiệp là 38.207,38 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 14.866,44 ha và đất lâm nghiệp 22.838,33 ha.
Chăn nuôi gà vốn là một nghề truyền thống của người dân xã Quảng La (Hoành Bồ - Quảng Ninh). Những năm gần đây, được chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nhiều gia đình trong xã đã chủ động mở rộng quy môi nuôi thả gà theo hướng hàng hóa
Sản xuất nông nghiệp nói chung, cây cà phê nói riêng ở Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán diễn biến ngày càng phức tạp khiến nông sản mất mùa, đẩy người nông dân vào tình thế khó khăn
Những ngày đầu tháng 9, đi qua các vùng quê của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đặc biệt các xã trung du, gò đồi, chúng tôi đều thấy màu xanh bạt ngàn của cây sắn.
Công tác điều hành quá trình tiêu thụ sản phẩm cho người dân đã và đang được các ngành chuyên môn, doanh nghiệp, cùng phía địa phương trong vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp (Hậu Giang) vào cuộc thực hiện chu đáo để sẵn sàng bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch vụ mía mới.