Nuôi Cá Chình Trên Sông Trà
Mô hình nuôi cá chình trong lồng tre tuy rất mới nhưng đã mang lại thu nhập khá cao. Cách làm này đã giúp nhiều hộ gia đình tìm được hướng đi mới để xoay sở trong cuộc sống.
Từ nhiều năm qua, các hộ dân vốn sống bằng nghề sông nước với thu nhập bấp bênh ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) đã tự mày mò, tìm con đường đi cho riêng mình bằng mô hình nuôi cá chình trong lồng. Dù còn khá mới, nhưng mô hình này đã giúp hàng chục hộ dân nơi đây thoát khỏi cảnh nghèo.
Hiệu quả kinh tế cao
Sáng 4.11, đang thả tôm, tép cho cá chình ăn bên trong những chiếc lồng tre được thả chìm sát mép dòng sông Trà Khúc, ông Trần Kim Sanh vui vẻ nói: “Nhờ nuôi cá chình mấy năm nay được giá, được mùa nên bà con chúng tôi mới có cái ăn cái mặc, mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, thoát khỏi cảnh lặn mò trên sông bắt tôm, bắt cá hàng ngày”.
Ông Sanh kể, trước kia, gia đình ông cùng hàng chục hộ dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt cá trên dòng sông Trà. Nhưng cá tôm lúc đánh được nhiều, lúc đánh ít, không đủ mua gạo, mua muối. Sau đó, cũng có gia đình chuyển qua nuôi cá trắm cỏ nhưng vì nguồn nước bị ô nhiễm, nên cá chết hàng loạt.
“Đến năm 2005, thấy con cá chình rất dễ nuôi, lại có giá thu mua cao nên tôi quyết định nuôi thử. Lúc đầu nuôi cá chình trong nhà, rồi đem ra vườn nhưng cá không lớn. Nuôi một năm, con cá lớn tối đa chỉ đạt khoảng 1kg. Sau đó, tôi mới đem ra bờ sông nuôi thử thì thấy cá lớn rất nhanh. Mỗi năm nuôi từ cá con đến khi cá trưởng thành xuất bán đạt từ 4-7kg/con. Thấy vậy, tôi mới đóng lồng, dùng tôn thông lỗ, đóng xung quanh lồng, không cho cá ra, nhân rộng mô hình nuôi. Dần dần bà con ở đây cũng học theo mô hình này, rồi nuôi cá”, ông Sanh nói.
Hiện toàn thôn Phú Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) có trên 30 hộ với hàng chục lồng nuôi cá chình, được thả dọc theo bờ sông Trà Khúc. Mỗi lồng nuôi cá tùy theo số lượng con giống thu mua được, có thể từ 100-150 cá giống. Thời gian nuôi từ 1-2 năm, tùy khẩu phần cho ăn.
“Cá con mua từ khoảng 1 lạng đến 2 lạng. Nếu nuôi tốt, một năm sau cá trưởng thành khoảng 6-7kg/con. Với mức giá hiện nay 450.000 đồng/kg thì mỗi năm xuất bán khoảng 2 tạ cá, kiếm thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng”, ông Sanh cho biết.
Theo ông Sanh, việc nuôi cá chình khá đơn giản, bởi ngoài việc tận dụng nguồn nước tự nhiên, nguồn thức ăn của cá chình dễ kiếm như cá con, thịt, giun, cám… Mỗi ngày có thể cho cá ăn một lần hoặc đôi ba ngày cho cá ăn cũng không sao.
Khó khăn đầu ra, con giống
Dù hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, tuy nhiên nhiều hộ dân ở đây cho biết, việc nuôi cá chình theo mô hình lồng hiện nay lại gặp hai khó khăn cơ bản đó là đầu ra cho cá và con giống.
“Hiện nay việc thu mua cá chình của bà con chúng tôi chỉ phụ thuộc vào một thương lái chính. Ngoài ra, không có thương lái thứ hai nên thường hay bị ép giá. Trong khi đó, giá cả thị trường của con cá chình khá cao”, ông Trần Khánh, một hộ nuôi cá chình ở thôn Phước Lộc Tây cho biết.
Cũng theo ông Khánh, con giống cá chình cũng là một vấn đề nan giải. Bởi hiện nay, bà con chúng tôi chọn con giống từ tự nhiên bằng cách tự đi đánh bắt cá giống trên sông, hoặc mua lại của những người đánh bắt, bày bán khắp nơi chứ chưa có một trại giống nào bán cá chình giống.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Sơn cho biết, thấy được khó khăn trên của bà con nên Hội Nông dân xã Tịnh Sơn đã kiến nghị các ngành chức năng tìm hiểu việc nhân giống, đáp ứng nhu cầu nuôi cá chình của người dân. Tuy nhiên, việc nhân giống cá chình hết sức khó khăn, khó thực hiện nhân tạo… “Mô hình nuôi cá chình trong lồng, trước mắt giúp nhiều hộ dân ở thôn Phước Lộc Tây thoát khỏi cảnh bấp bênh từ việc kiếm sống theo con nước bao lâu nay. Nếu được nhân rộng sẽ là mô hình giúp xóa nghèo hiệu quả cho địa phương”, ông Tâm nhận định.
Related news
Quê ở Bến Tre - vùng đất có nhiều loại trái cây nổi tiếng, đến vùng đất mới xã Thuận Phú (Đồng Phú - Bình Phước) lập nghiệp, bốn anh em nhà ông Võ Xuân Sơn đem theo hành trang quý giá là 2 cây bưởi da xanh. Để rồi hôm nay, anh em ông Sơn trở thành triệu phú từ 2 cây bưởi da xanh ấy.
Hồi 7h sáng 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía bắc đảo Palawan (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) liên tiếp sụt giảm về sản lượng và diện tích thả nuôi. Tại cuộc hội thảo tổ chức vào ngày 1.11, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ tập trung các điều kiện cần thiết để “cứu” nghề nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới. Hiệu quả thấp
Mấy năm gần đây, tận dụng nước lũ đầu nguồn về sớm và chất lượng tốt, nhiều nông dân ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nuôi tôm càng xanh trong đê bao lửng vào mùa nước nổi đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đi đầu trong việc sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ phi vi phẩu tại Việt Nam, Trung tâm Giống Thủy sản An Giang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu về con giống chất lượng cao cho các hộ nuôi, một trong các yếu tố đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho nghề nuôi tôm càng xanh tại ĐBSCL.