Nước Mắm Phú Quốc Sẽ Tiêu Thụ Toàn Quốc Và Xuất Khẩu Vào EU

Sáng 22/7, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN với sự tài trợ của dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu phối hợp với Sở KH&CN Kiên Giang tổ chức hội thảo bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu.
Trước đó, từ ngày 15-22/7, các cơ quan chức năng cũng tổ chức Tuần lễ truyền thông chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hội thảo và tuần lễ truyền thông nhằm mục đích phổ biến về quy trình sản xuất và quy tắc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc; cung cấp thông tin cho các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng về các quy định của chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm để khuyến khích tuân thủ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
Thực tế, việc EU trao chứng nhận về tên gọi xuất xứ được bảo hộ đối với nước mắm Phú Quốc của Việt Nam (tháng 12/2012) là một sự kiện lịch sử vì đây không những là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á được EU trao chứng nhận này.
Đồng nghĩa với việc tên gọi “nước mắm Phú Quốc” sẽ được bảo hộ trên toàn lãnh thổ của 28 quốc gia thành viên hiện tại của EU. Đây là một thành công rất quan trọng cho các nhà sản xuất nước mắm tại Phú Quốc.
Theo ông Bryan Fornari, Phó Ban hợp tác phát riển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam: “Giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) có thể được xem như một công cụ tiếp thị quan trọng và giúp cho nước mắm Phú Quốc bán chạy hơn ở EU và các thị trường khác.
Nhưng đây chỉ là bước đầu để nước mắm Phú Quốc tiếp cận tốt hơn và sinh lợi tại thị trường EU. Cần phải nghiên cứu tìm ra cách làm sao cho chứng chỉ PDO có thể đem lại lợi nhuận thông qua một chiến lược tiếp thị hiệu quả cho phép thương hiệu sản phẩm trở nên nổi tiếng bởi chất lượng của chính sản phẩm đó. Đây là một thách thức còn đang ở phía trước. Tôi hy vọng nước mắm Phú Quốc nói riêng và các sản phẩm chất lượng cao ở Việt Nam có thể vượt qua được”.
Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cũng cho biết: Xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang EU tăng sau khi nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại EU. Có bốn doanh nghiệp nước mắm tại Phú Quốc xuất khẩu vào EU, tăng thêm hai doanh nghiệp so với trước, sản lượng xuất khẩu vào thị trường này cũng tăng mạnh so với trước, khoảng 10-12% tổng sản lượng nước mắm Phú Quốc.
Tuy nhiên, tình trạng một số nhà sản xuất của Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) lấy thương hiệu nước mắm Phú Quốc bán vào EU vẫn còn, Việt Nam cần có tác động để cơ quan chức năng EU tăng cường giám sát, loại bỏ những sản phẩm nhái nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc Việt Nam.
* Ngày 22/7, Bộ Công thương cũng tổ chức lễ ký kết thỏa thuận thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” giữa Hội nước mắm Phú Quốc và một số DN phân phối uy tín như chuỗi siêu thị Big C, Hapro, Fivi Mart, OCEAN Mart… để có thể phân phối rộng khắp sản phẩm nước mắm Phú Quốc chính hiệu đến người tiêu dùng cả nước.
Related news

Hội nhập nền kinh tế thế giới vừa là cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức với ngành chăn nuôi của mỗi quốc gia khi hàng rào thuế quan xóa bỏ, thuế xuất nhập khẩu các loại sản phẩm sẽ trở về “con số 0”.

Cam Tuyền là xã thuộc vùng gò đồi của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế chưa phát triển nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trước đây, hầu hết người dân trong xã đều chăn nuôi bò theo lối chăn thả tự nhiên, tổng đàn bò khá lớn nhưng hiệu quả thu được không cao do lượng thức ăn tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu (đàn bò mới được đáp ứng từ khoảng 50% đến 70% nhu cầu dinh dưỡng cần có); khả năng phát triển đồng cỏ hạn chế do không có đất dành riêng cho mục đích chăn nuôi.

Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa công bố top 50 món ăn đặc sản, ẩm thực Việt Nam lần thứ ba – 2015. Trong đó có 2 loại rau củ của Vĩnh Long là khoai lang và xà lách xoong.

Mô hình trồng rau rừng xen canh đã cho nhiều gia đình nguồn thu thường xuyên trong năm.

Đến thời điểm này, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã ươm được 4 triệu cây giống, đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng năm 2015.