Nông sản miền Tây khó vào kênh bán lẻ
Cung một đường, cầu một nẻo
Tại hội thảo về giải pháp nâng cao giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn “Mekong Connect Ceo Forum 2015” ở Cần Thơ cuối tuần rồi, một số diễn giả khẳng định không còn cách nào khác là phải làm mới lại đối với lĩnh vực sản xuất nông sản.
Các hệ thống bán lẻ ngày càng đòi hỏi hàng hóa chất lượng hơn, theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc ngành thực phẩm Công ty TNHH ADC, cho biết sản phẩm gạo của đơn vị ông được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có chứng nhận, nhưng không thể đưa vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị được. “Liệu siêu thị có nên đưa ra các quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, và khi đơn vị nào đáp ứng được thì sản phẩm của họ sẽ vào được?”, ông Bình đặt vấn đề.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì siêu thị từ chối đã đành, đằng này đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu nhưng cũng không được nhận. Ông Toại cho biết, có một số trường hợp nông dân ở Cần Thơ sản xuất được 1 tấn rau sạch/ngày nhưng siêu thị mua được chỉ 50 kg/ngày. Đó là con số quá ít để kích thích nông dân phát triển. “Chưa kể, một số trường hợp xảy ra tiêu cực, cán bộ tiếp nhận của siêu thị cố tình gây khó dễ”, ông Toại nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM (nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM – Saigon Co.op), nói rằng với điều kiện đời sống của người dân đã được nâng lên, theo khảo sát của Saigon Co.op, họ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua những sản phẩm họ tin tưởng, có cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là một trong những lý do các kênh bán lẻ ngày càng nâng cao chuẩn hàng hóa.
Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh hàng nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng thực trạng sản xuất manh mún hiện nay ở ĐBSCL xuất phát từ tư duy, văn hóa tiểu nông, làm ra sản phẩm để cung cấp cho thương lái hoặc bán ở các chợ, cho nên thửa ruộng của họ đã bé lại càng manh mún hơn. “Vì vậy, muốn thay đổi phải phá bỏ tư duy, văn hóa tiểu nông và làm theo tiêu chuẩn mới. Có như vậy, khi tìm đến siêu thị, chắc chắn sẽ được đón nhận”, ông Viên nhận định.
Làm mới cách nào?
Giải pháp được một số diễn giả đưa ra trong hội thảo là yêu cầu phải làm mới lại tất cả các khâu, từ sản xuất cho đến phân phối. Ông Hòa cho rằng phải tập trung và có sự phân công, yêu cầu mỗi người phải làm tốt khâu của họ với một tư duy mới. Chẳng hạn, nông dân phải làm mới bằng cách sản xuất theo hướng an toàn, tập trung hàng hóa lớn; còn doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông sản thì đầu tư vào khâu gì, phải tính toán cho hợp lý.
Theo ông Hòa, trên cơ sở từng người làm tốt khâu của mình và họ phải ngồi lại bàn bạc, tìm hướng giải quyết đầu ra hợp lý, thì sẽ có tác dụng thay đổi được chuỗi cung ứng hiện nay. “Với cách làm mới như vậy, chúng ta cùng ngồi lại và những nhà phân phối có kinh nghiệm sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin với doanh nghiệp sản xuất để biết xem sản phẩm nào tiêu thụ ra sao, bao nhiêu, rồi cùng kết nối chắc chắn sẽ thành công”, ông Hòa nói.
Có cùng quan điểm trên, ông Viên của Vinamit đặt vấn đề: “Tại sao Vinmart lại đầu tư vào nông nghiệp?”, và ông Viên tự trả lời rằng vì họ muốn làm mới hoàn toàn, muốn làm mới theo ý của họ, bằng chứng là họ đang đổ vốn tìm đất đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ của họ.
Còn ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), cho rằng Nhà nước cần tính lại quy hoạch và điều này có thể tham khảo cách làm của Mexico. Theo ông Huy, ở Mexico, trước khi quy hoạch các nhà khoa học sẽ xác định lợi thế của một vùng đất nào đó thích hợp trồng được cây gì hoặc nuôi được con gì, sau đó mới bắt tay làm tiếp. “Ở đó, người ta quy hoạch tối thiểu một người phải có 10 ha đất, không được thấp hơn. Nếu trường hợp một nhà có hai người con thì chỉ một người được sử dụng đất, người còn lại sẽ nhận được tiền hoặc sản phẩm tương ứng”, ông cho biết.
Theo ông Huy, với diện tích lớn có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất hiệu quả, giúp giảm giá thành và như vậy mới tạo được sức cạnh tranh trong xuất khẩu của sản phẩm. “Muốn thành công, câu chuyện lưu ý bây giờ là phải có giá thành thấp để cạnh tranh chứ không phải giá cao mới là tốt”, ông Huy nói.
Related news
Mô hình canh tác mì xen canh trên đất đồi được chuyển giao cho nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) thông qua dự án khoa học - công nghệ giai đoạn 2013 - 2015 đã mang lại kết quả khả quan.
Hiện nay, những vườn tre trồng lấy măng trên Núi Cấm thuộc xã An Hảo huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang đang bước vào mùa thu hoạch rộ, cung cấp một sản lượng lớn măng tươi cho cả khu vực ĐBSCL, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Theo định hướng, diện tích sản xuất lúa vụ thu đông năm 2015 của tỉnh Đồng Tháp là 100.000ha. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của ngành chức năng, đến giữa tháng 7, toàn tỉnh đã xuống giống được 120.000ha, bằng 120% kế hoạch, nhiều hơn so với diện tích xuống giống vụ thu đông cùng kỳ năm trước gần 24.000ha (tăng 25%).
Ông Võ Văn Minh- Giám đốc Trung tâm giống Nông nghiệp Tây Ninh cho biết, trong năm 2015, Trung tâm tập trung phát triển mạng lưới nhân lúa giống và lai tạo heo để cung cấp nguồn giống đạt chất lượng cho người dân.
Trước đây, cây trồng bị bệnh chỉ có nước... chờ chết. Nhưng nay đã có đội ngũ bác sĩ thăm khám, cho toa, bốc thuốc cho cây trồng. Thậm chí có cả bác sĩ thăm khám tận vườn hoặc tư vấn từ xa hoàn toàn miễn phí. Đó là những hoạt động của Bệnh viện Cây trồng tỉnh Trà Vinh.