Nóng Nạn Bơm Tạp Chất Vào Tôm

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL.
Tại Hội nghị góp ý cho Đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, nhiều cơ quan chức năng đã đưa ra những thông tin đáng lo ngại về tình trạng này.
Bơm chích đã thành… nghề
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn thường xuyên xuất hiện và thường diễn ra vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.
Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong năm 2012 đã phát hiện và xử lý 80 vụ bơm chích tạp chất. Năm 2013 là 50 vụ và 6 tháng đầu năm 2014 là 20 vụ. Đáng lo ngại là không chỉ ở các tỉnh nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL, gần đây một số địa phương ngoài Bắc như Nam Định, Thái Bình, cũng đã xuất hiện nạn bơm chích tạp chất vào tôm.
Mặc dù Bộ NN-PTNT đã nhiều lần có văn bản đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tái khởi động Chương trình “DN nói không với tôm có tạp chất”, nhưng đến nay Hội đồng giám sát của VASEP vẫn gần như không hoạt động. Thậm chí trong số những DN vẫn thu mua tôm có tạp chất, có cả những DN là hội viên của VASEP.
Sở dĩ nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu kéo dài dai dẳng, bất chấp pháp luật, là vì lợi nhuận của nó quá lớn. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp – Nông thôn (Tổng cục An ninh II, Bộ Công an), cho biết sau khi bị bơm chích tạp chất, tôm nguyên liệu tăng 10-20% trọng lượng, kích cỡ. Chính vì vậy, hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang phổ biến rộng rãi.
Từ chỗ chỉ có một số đại lý, nậu vựa bơm chích, đến nay công việc này đã được coi như một nghề kiếm tiền của một bộ phận người dân.
Không chỉ bơm chích tôm sú, họ còn bắt đầu bơm chích sang cả tôm thẻ chân trắng. Những người làm nghề này đã có nhiều thủ đoạn tinh vi như pha loãng tạp chất gây khó khăn cho công tác phát hiện, dùng ống tiêm và hơi bình xịt nén sâu vào con tôm, tiến hành các hoạt động này vào ban đêm.
Nỗi lo từ Trung Quốc
Theo Cục An ninh Nông nghiệp - Nông thôn, gần đây, qua công tác nắm tình hình cho thấy nhiều nhà máy đang tiến hành bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc.
Khi đưa tôm có tạp chất về Trung Quốc, họ sẽ chế biến rồi XK sang nước thứ 3. Nếu bị khách hàng ở nước thứ 3 phát hiện có tạp chất, DN Trung Quốc sẽ bảo rằng nguồn nguyên liệu tôm tạp chất là từ Việt Nam. Và khi ấy, uy tín của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Đồng thời những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng sẽ coi như bị mất tác dụng.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế khẳng định những thông tin này là có cơ sở. Trên thực tế, nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc bị ách tắc ở các cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái, đều được xác định là có chứa tạp chất trong sản phẩm.
Related news

Mặc dù bị mù bẩm sinh cả hai mắt nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ cùng sự khéo léo của đôi tay và tính cần mẫn, ông Phan Ly ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong - Quảng Trị) đã vượt qua số phận, trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi.

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.

Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và hoàn thành cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) với tổng diện tích 830ha.

Với 15ha đồi rừng, 1ha ao thả cá cộng với 2 dãy chuồng nuôi lợn được áp dụng theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), gia đình chị Văn Thị Xuân ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.