Nông Dân U Minh Trúng Mùa Khoai Môn

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên tuyến bờ bao thuộc ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) tận dụng diện tích bờ bao lâm phần để trồng khoai môn. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích khoai môn của người dân đều phát triển tốt. Hiện bà con đang bước vào vụ thu hoạch, trúng mùa nên ai nấy đều phấn khởi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Út là một trong những hộ trồng khoai môn đầu tiên ở ấp 12, xã Khánh Tiến. Bà hiểu rất rõ từng đặc tính của cây khoai môn, nhờ vậy mà diện tích môn của gia đình bà năm nào cũng cho năng suất khá cao.
Bà Út vui mừng chia sẻ: “Môn là một trong những loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất nơi đây. Chỉ cần chọn giống tốt, bón phân, vô đất chân phù hợp là môn cho củ tốt. Tuy nhiên, hơn 7 năm trồng, chưa năm nào gia đình tôi trúng khoai môn như năm nay.
Mấy bữa rày thu hoạch cũng được hơn 1 tấn. Ước thu hết diện tích bờ bao ngang 5 m, dài 1.000 m chắc cũng được từ 5-7 tấn khoai môn, thu về khoảng 50 - 70 triệu đồng”.
Hiện có hơn 20 hộ dân nơi đây tham gia trồng khoai môn. Với gia đình bà Phạm Thuý Hằng thì việc trồng môn có phần năng động hơn. Thay vì chỉ trồng duy nhất 1 loại môn tàu, gia đình bà Hằng còn trồng môn sáp. Theo bà, môn sáp ít bệnh và cho năng suất cao, đồng thời cũng được người tiêu dùng chọn lựa nhiều hơn nên giá bán cũng cao hơn môn tàu.
Bà Hằng vui mừng cho biết: “Những ngày qua, gia đình tôi đang bắt đầu thu hoạch khoai mẫu cho các thương lái ở huyện và một vài thương lái ở Cà Mau. Sau khi lấy mẫu bán thử, các thương lái đã đồng ý mua liếp khoai của gia đình. Từ đây tới cuối tháng 9 âm lịch gia đình tôi sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích, ước đạt từ 6 tấn trở lên”.
Tuy nhiên, hiện giá khoai môn còn ở mức thấp, thương lái đến tận nơi thu mua chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg thay vì 12.000 - 15.000 đồng/kg như năm trước. Bà con đang chờ đợi giá khoai tăng lên chút ít mới thu hoạch rộ.
Mô hình trồng môn là một trong những mô hình được người dân ấp 12, xã Khánh Tiến duy trì trong nhiều năm qua, giúp người dân khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tăng thu nhập gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Ðã có không ít hộ nhờ trồng khoai môn mà điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện, gia đình bà Út, bà Hằng hay ông Toàn là những điển hình như thế.
Chị Lê Ngọc Ngân, Bí thư Chi bộ ấp 12, xã Khánh Tiến, cho biết: “Mô hình trồng môn là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Ban đầu chỉ có một vài hộ thực hiện, nhưng với hiệu quả mà nó mang lại đến nay trong ấp đã có nhiều người tham gia thực hiện.
Ðây cũng là một trong những mô hình được ấp chọn thực hiện mô hình “Dân vận khéo”. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể ấp tiếp tục vận động bà con mở rộng mô hình, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống".
Related news

Phát huy lợi thế 127km chiều dài của hệ thống sông ngòi chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, những năm qua mô hình nuôi cá lồng trên sông đã từng bước được hình thành và phát triển. Do được nuôi trong môi trường nước lưu thông tự nhiên, hàm lượng ô-xi cao nên cá lớn nhanh, cho chất lượng thịt thơm ngon và rất được thị trường ưa chuộng.

Khi được hỏi về những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Lường Văn Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) phấn khởi cho biết: Mô hình kinh tế trang trại VACR của gia đình anh Nguyễn Xuân Tuyến, bản Co Củ là một trong số điển hình của xã.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, trong LLVT tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu không chỉ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà ngay trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu tại mảnh đất quê hương.

Sự “ăn rã”, thiếu liên kết từ khâu sản xuất, đến tiêu thụ, chế biến khiến nghề nuôi cá tra vẫn bấp bênh. Người nông dân vừa nuôi cá vừa lo âu, luôn đối mặt những rủi ro lớn!

Nông dân xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) nhiều năm qua không chỉ có thu nhập khá cao từ nghề trồng hoa, mà sản xuất rau xanh theo hình thức luân canh gối vụ cũng đem lại nguồn thu ổn định.