Nông Dân Giật Mình Vì Phân Bón Giả
Tại Phú Yên và Bình Định, cơ quan chức năng đang vào cuộc về vụ phát hiện 48 bao phân giả nhãn hiệu Bình Điền. Sau đó, nhiều hộ dân khác mới tá hỏa: Thời gian qua đã sử dụng phân bón… tào lao.
Đến chiều 21.2, có thêm ít nhất 20 người dân ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đến cơ quan chức năng nhờ cứu xét vì đã mua phải phân giả, tương tự 48 bao phân giả nhãn hiệu đầu trâu NPK vừa phát hiện tại 5 trại trồng dưa ở thôn Suối Cối 1 (Xuân Quang 1).
Chủ một trại dưa ở đây, ông Võ Trung Trực (đến từ TX.An Nhơn, Bình Định) bức xúc: “Tất cả mọi người đều mua phân, thuốc trừ sâu từ các đại lý ở Bình Định, mỗi hộ không dưới 30 triệu đồng. Mong cơ quan chức năng điều tra làm rõ bộ mặt của những kẻ sản xuất, bán phân giả cho nông dân”.
Đại diện UBND xã Xuân Quang 1 cho hay, đã tiếp nhận đơn của 5 hộ trồng dưa ở thôn Suối Cối 1 (chủ yếu là người Bình Định đến thuê đất làm) nhờ chính quyền can thiệp vấn đề phân giả. Các hộ này đều mua phân của đại lý phân bón A.T. (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Chính quyền xã đang tích cực phối hợp với cơ quan công an để thu thập chứng cứ, xử lý vụ việc, bảo vệ quyền lợi cho bà con.
Theo ông Lê Bá Cung - cán bộ marketing thuộc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, trước Tết Giáp Ngọ, công ty đã báo cáo bằng văn bản đến Công an Bình Định về việc nghi ngờ 3 đại lý có hành vi sản xuất phân bón giả nhãn hiệu của đơn vị, đó là đại lý phân bón A.T (Quy Nhơn), đại lý phân bón K và đại lý phân bón T (Phù Mỹ, Bình Định).
Công ty Bình Điền đang phối hợp với các ngành chức năng để sớm phanh phui vụ việc, bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu đã được bảo hộ. Riêng loại phân “trà trộn” nhãn hiệu Đầu Trâu của Bình Điền, bị phát hiện tại Đồng Xuân, đích thị là phân giả mạo.
Phóng viên tìm cách liên lạc với đại diện đại lý phân bón A.T, thì được thừa nhận đã bán 48 bao phân cho 5 hộ trồng dưa tại Đồng Xuân. Khi sự việc “bại lộ”, đại lý này đã đem 48 bao phân chính hiệu Bình Điền đến các trại dưa để bồi hoàn. Thế nhưng người của đại lý này nói là “không biết nguồn gốc lô phân rởm, vì mua lại từ một số đại lý khác ở Bình Định, rồi bán lại”.
Related news
Xen giữa màu nâu của đất bãi phù sa, màu xanh của ngô xuân là những ruộng bí đỏ hạt đậu đang cho thu hoạch lứa quả cuối cùng. Những ruộng bí quả hình nậm rượu, vàng ruộm, sai trĩu đã cho thấy hiệu quả của một loại giống cây trồng mới mà người nông dân ở xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) quen gọi với tên “bí siêu quả”.
Khát vọng làm giàu, anh Lê Văn Hào (sinh năm 1971) ở xóm Thái Minh, Tiên Kỳ, Tân Kỳ, Nghệ An đã mạnh dạn vay vốn mở trang trại chăn nuôi. Những năm qua đã gặt hái nhiều thành công, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
HTX Thành Lợi còn khoảng 80 tấn lúa Một bụi đỏ ruột hồng, nhưng không thương lái, công ty nào chịu mua.
Làng nghề chiếu Hới (xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình) đã có tuổi đời nghìn năm. Giờ đây, những nghệ nhân và người dân đang nỗ lực giữ nghề dệt chiếu và sản phẩm chiếu Hới.
Bước sang vụ nuôi tôm 2012, nông dân Cà Mau hy vọng có một mùa tôm thắng lợi để bù lỗ cho vụ tôm trắng tay năm trước. Thế nhưng, ở 3 tháng đầu mùa vụ nhiều nông dân đã ngán ngẩm thở dài.