Nông Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long Gặp Khó Khi Vào Vụ Nuôi Tôm Mới

Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm mới.
Người dân nuôi trồng thủy sản tại các địa phương này đang tập trung cải tạo ao nuôi và theo dõi chất lượng nước để thả giống theo lịch thời vụ của từng tỉnh.
Các chuyên gia ngành thủy sản cho biết do bắt đầu vào vụ nuôi mới, nên tình hình con giống không đủ cung ứng cho thị trường và giá cả tăng cũng làm người nuôi gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là hiện nay đang vào vụ nuôi chính trong năm, nếu lượng tôm, cá giống không đủ, sản lượng cá thịt năm nay sẽ giảm, trong khi nguồn tôm, cá tự nhiên ở ĐBSCL đã dần cạn kiệt. Một nghịch lý nữa là khi giá tôm, cá giống tăng cao, nhiều trại sản xuất giống lại rục rịch cho cá bố mẹ đẻ, nuôi cá giống trở lại và tung ra thị trường và khả năng lại xảy ra khủng hoảng thừa.
Để ổn định sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản, ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất; phòng chống hạn hán, biến đổi môi trường và dịch bệnh; chỉ đạo kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật và thời gian thu hoạch; thường xuyên theo dõi diễn biến của chất lượng môi trường nước ao nuôi, nguồn nước cấp, mầm bệnh để có những biện pháp xử lý thích hợp.
Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức các hộ nuôi nhỏ, lẻ thành các tổ đội sản xuất; tạo mối liên kết giữa người sản xuất, nhà chế biến và tiêu thụ; thực hiện nhà chế biến có vùng nguyên liệu, người nuôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tuân thủ các quy định điều kiện sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn khuyến cáo các hộ nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng ngừa; người nuôi phải tẩy dọn ao triệt để, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xử lý ao nuôi, diệt giáp xác; thả nuôi đúng thời vụ, mật độ theo khuyến cáo của ngành.
Bên cạnh đó, tôm giống phải sạch bệnh, được kiểm dịch, không mang các tác nhân gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, nhiễm khuẩn Vibrio. Trong quá trình nuôi, người nuôi phải định kỳ diệt khuẩn ao nuôi, không để dư thừa thức ăn trong ao nuôi. Tổng cục khuyến khích mô hình nuôi tôm có thả cá rô phi đơn tính để làm sạch môi trường.
Tháng Hai vừa qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước ước đạt 139.000 tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hai tháng đầu năm ước đạt trên 308 tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng giảm chủ yếu do sản xuất cá tra xuất khẩu gặp khó khăn nên giá cá tra nguyên liệu thấp, trong khi đó giá thức ăn, giá thuốc thú y lại tăng.
Related news

Hiện gia đình chỉ mới thu bói một ít và đã bán với giá 7.500 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn thời điểm này năm trước 2.000 đồng/kg. Ông Ki chia sẻ thêm, cũng như mọi năm vì quỹ đất của gia đình đã hết, không có đất làm sân phơi nên thường thu hoạch đến đâu thì sẽ bán ngay cho đại lý và cũng không ký gửi tại đại lý.

Hiện giá lúa khô tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động 5.600 - 5.700 đồng/kg, lúa dài 5.750 - 5.850 đồng/kg. Dự báo hết năm 2014, sản lượng lúa thu hoạch của cả nước ước khoảng 25,48 triệu tấn, trong đó lượng lúa hàng hóa hơn 17 triệu tấn, tương đương hơn 8,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu...

Hầu hết các hộ dân trong thôn đều phun thuốc diệt trừ sâu từ 2 - 3 đợt (mỗi đợt tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng/ha), nhưng hễ lá non mọc lên thì sâu lại ồ ạt xuất hiện và ăn tiếp đến trơ trụi. Hiện chưa có biện pháp cứu hàng trăm hécta rừng thông còn lại đang khiến người dân ngày mỗi điêu đứng.

Trên địa bàn huyện hiện có 110 máy GĐLH, chiếm 50% tổng số máy toàn tỉnh; đảm bảo thu hoạch 65% diện tích lúa Đông xuân, 67% vụ Hè thu, 83% vụ Thu đông, giảm 3% lượng lúa thất thoát trong năm so cắt thủ công (tương đương gần 41 tỉ đồng). Lợi nhuận tính trên 1ha khi thu hoạch bằng máy GĐLH so với thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng.

Thông tin hai loại quả vải và nhãn của Việt Nam sẽ được xuất sang thị trường Mỹ những tháng cuối năm đã mở hướng mới cho sản xuất trái cây trong nước và xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với trái cây Việt Nam không phải ở số lượng hay tính đặc sản mà là chất lượng.