Nông dân Đắk Nông sản xuất tiêu sạch
Điển hình như gia đình bà Lê Thị Kim Liên ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) hiện có trang trại rộng đến 15 ha, với đủ loại cây trồng như cà phê, cao su, tiêu, cây ăn trái và nuôi cá, bò lai.
Theo lời bà Liên thì trong quá trình sản xuất, bản thân bà luôn trăn trở, suy nghĩ và tự hỏi mình phải làm gì để đạt hiệu quả kinh tế cao. Để phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, bà đã tham gia vào chương trình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chí 4C của Công ty Nestle. Vì vậy, sản phẩm cà phê của trang trại theo tiêu chí này đạt hiệu quả kinh tế cao so với các hộ trồng theo phương pháp truyền thống bình thường.
Từ việc trồng cà phê, bà đã học hỏi, chuyển đổi trồng cây hồ tiêu cũng theo hướng sinh học, bền vững (chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu được sâu bệnh hại). Trong quá trình sản xuất, vườn hồ tiêu được bón phân cân đối, đào rãnh thoát nước để cây không bị úng, tránh làm tổn thương bộ rễ để hạn chế bệnh tuyến trùng và thường xuyên dùng phân bón hữu cơ và thảo mộc.
Nhờ trồng tiêu theo hướng sinh học bền vững, sản phẩm làm ra an toàn, sạch nên đã được Công ty Sơn Hà ở Bắc Ninh-chuyên sản xuất gia vị thu mua hàng năm khoảng 10 tấn tiêu.
Năm 2014, sản phẩm tiêu của trang trại được gửi đi kiểm định tại châu Âu và được cấp chứng chỉ tiêu sinh thái theo tiêu chuẩn GlobalGap, nên giá tiêu bán ra tăng từ 20 - 30% so với giá thị trường. Hiện nay, gia đình bà đã phát triển được 10 ha tiêu theo hướng bền vững và sinh thái.
Không những vậy, bà đang dự kiến xin các cấp chính quyền thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất tiêu sinh học để tập hợp những hội viên nông dân trồng tiêu trên địa bàn.
Tương tự, ông Đinh Xuân Thu, chủ trang trại Thu Thủy Đắk Song ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) hiện cũng có hơn 40 ha đất với đủ loại cây trồng, vật nuôi; trong đó có đến 20 ha hồ tiêu, với sản lượng vài chục tấn tiêu mỗi năm.
Thời gian qua, với việc sản xuất tiêu theo hướng sinh học, có các mặt hàng chất lượng cao như tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ, trang trại đã cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm hồ tiêu luôn được nâng cao, cải tiến về mặt chất lượng và đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh việc thường xuyên giao lưu trong nước, ông cũng đã xây dựng được mối liên kết kinh tế với các công ty nước ngoài như Công ty Sơn Hà Spice của Mỹ, Ned Spice của Hà Lan nhằm kết nối thị trường trực tiếp cho nông dân và mở rộng tầm giao thương quốc tế trong tương lai.
Với cách làm này, gia đình ông đã làm tăng giá trị hàng hóa và tạo ra giá trị gia tăng hơn 500 triệu đồng hàng năm. Thu nhập của trang trại hiện nay vào khoảng 5 tỷ đồng. Năm 2013, sản phẩm hồ tiêu Thu Thủy được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông; năm 2014, đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn cấp huyện, cấp tỉnh và đạt tiêu chuẩn sạch sinh thái (tiêu chuẩn FDA của Mỹ) và năm 2015 đạt tiêu chuẩn GlobalGap.
Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, không ít nông dân đã đổi mới tư duy làm ăn, không ngừng học tập, nghiên cứu, trao đổi thông tin, với mong ước là làm sao phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học, mang tính bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, an toàn để thâm nhập vào những thị trường khó tính. Chỉ có như vậy, sản phẩm nông nghiệp của nông dân làm ra mới có giá trị kinh tế cao, không bị thua thiệt trên thị trường thế giới.
Related news
Hằng năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hàng ngàn ha rơm phải bỏ tại ruộng hoặc rải rác tại các cặp bờ kênh. Lũ về, những hạt lúa còn sót lại trôi theo dòng nước tứ tán rơi đều trên mặt ruộng, nằm im trong lòng đất chờ cơ hội phát triển thành lúa von. Còn những đống rơm, trôi lênh đênh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm cản trở giao thông đường thủy. Có không ít nông dân cũng đã tận dụng nguồn rơm dư thừa này để trồng nấm.
Sóc Trăng là một trong 5 tỉnh ở ĐBSCL (gồm Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau) triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên dịch bệnh tôm vẫn diễn biến phức tạp, tôm chết nhiều, dẫn tới thủ tục đền bù thiệt hại gặp rắc rối.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GAP tại phường Đông Lễ - TP. Đông Hà, xã Hải Lệ - TX. Quảng Trị, xã Hải Thượng – huyện Hải Lăng. Quy mô của mô hình là 01 ha với 3 hộ tham gia, mật độ thả nuôi 2,5 con/m2. Tổng kinh phí của mô hình là hơn 80 triệu đồng, trong đó TTKNKN hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn.
Bất chấp những cảnh báo, nông dân trồng khoai ở Vĩnh Long vẫn đang hồ hởi đầu tư, mở rộng diện tích khi mấy ngày qua, giá khoai lang bắt đầu tăng trở lại.
"Dăm năm trước, cây lúa đã giải quyết việc thiếu ăn thì cây khoai lang tụt xuống làm lương thực phụ. Nhưng giờ đây khoai lang trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình trên vùng biển bãi ngang này".