Nỗi Lo Từ Vụ Đông Xuân Ấm
Vụ Đông Xuân 2014 - 2015 đang thể hiện rõ rệt là vụ Đông Xuân ấm, thậm chí tiệm cận ngưỡng "quá ấm" và hạn.
Điều này gây ra nhiều nguy cơ về lúa trỗ sớm và có thể gặp rét cuối vụ, rồi sâu bệnh gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa.
Nhiều thách thức
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong những tháng vừa qua, nền nhiệt độ vụ Đông Xuân 2014 - 2015 các tỉnh phía Bắc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,50C. Dự báo, nền nhiệt này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tiếp theo và khả năng khô hạn, thiếu nước cục bộ có thể xảy ra.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đánh giá trên góc độ nền nhiệt, vụ Đông Xuân năm nay cận kề ngưỡng "quá ấm". Điều này dẫn tới nguy cơ lúa sau cấy bén rễ, hồi xanh nhanh và đẻ nhánh ngay. Do đó, nhìn cây lúa rất đẹp nhưng có khả năng trỗ sớm, lệch khỏi ngưỡng an toàn, ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Trên thực tế, trong lịch sử, khu vực Đồng bằng sông Hồng từng trải qua 3 vụ Đông Xuân ấm là vụ Đông Xuân năm 1986 - 1987, vụ Đông Xuân 1990 - 1991 và gần đây nhất là vụ Đông Xuân 2006 - 2007 làm giảm năng suất lúa từ 6 - 22 tạ/ha. Nguyên nhân là do lúa trỗ sớm, gặp đợt rét vào giai đoạn phân hóa đòng, trỗ cao nên tỷ lệ kết hạt kém.
Thống kê của Cục Trồng trọt đến thời điểm này, toàn miền Bắc đã gieo cấy được trên 95% diện tích trong tổng số 1.140ha lúa Đông Xuân 2014 - 2015. Diện tích còn lại sẽ tiếp tục gieo cấy xong trước ngày 10/3. Đáng chú ý, tại Đồng bằng sông Hồng có khoảng 14.000ha lúa trà Xuân muộn nhưng lại gieo cấy trước lập Xuân (4/2) nên có nguy cơ trỗ sớm.
Một trong những nguy cơ đến từ vụ Đông Xuân ấm là tình hình sâu bệnh sẽ có diễn biến phức tạp do vòng đời của sâu ngắn. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thành phần dịch hại lúa có thể không thay đổi so với cùng vụ năm trước nhưng phát sinh sớm hơn và một số dịch hại chính phát sinh cao hơn trung bình nhiều năm. Ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thực tế tại các tỉnh phía Bắc, diện tích lúa bị sâu bệnh đã tăng so với năm trước. Cụ thể, diện tích nhiễm rầy nâu khoảng 260.000ha (trong đó, nhiễm nặng 55.000ha), diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ là 330.000ha.
Bám sát đồng ruộng
Trong bối cảnh vụ Đông Xuân ấm, các tỉnh phía Bắc đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ. Theo đó, các giống dài ngày chỉ còn gieo cấy với tỷ lệ thấp, còn lại trên 90% là giống ngắn ngày. Mặc dù vậy, đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, khả năng phần lớn lúa Đông Xuân 2014 - 2015 trỗ tập trung đầu tháng 5 với vùng Đồng bằng sông Hồng. Thời điểm này vẫn nằm trong ngưỡng có tần suất an toàn, song khó đạt năng suất tối đa. Bên cạnh đó, một bộ phận lúa gieo cấy sớm có nguy cơ sụt giảm năng suất.
Trước bối cảnh trên, ngày 2/3, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp chăm sóc lúa Đông Xuân 2014 - 2015 trong điều kiện thời tiết ấm tại các tỉnh phía Bắc. Tại hội nghị, Cục Trồng trọt đề nghị, để hạn chế tối đa ảnh hưởng của vụ Đông Xuân ấm, các địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá mức độ sinh trưởng của lúa, phân loại các trà, giống lúa để hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc.
Đối với diện tích cấy trước lập Xuân, cần giữ nước trên mặt ruộng, tăng lượng đạm 10 - 15% và bón rải rác nhằm kéo dài thời gian đẻ nhánh của lúa. Đối với diện tích cấy sau Tết Nguyên đán phải duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2 - 3cm và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, các địa phương cần bám sát và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh để kịp thời phòng trừ. Từ đó, xử lý nhanh và kịp thời những phát sinh đột xuất, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, đảm bảo năng suất lúa Xuân.
Tính đến ngày 2/3, Hà Nội đã gieo cấy được 97% diện tích lúa Xuân, số còn lại hơn 2.000ha tập trung chủ yếu ở các vùng cao chưa lấy nước được của Ba Vì, Thạch Thất... Dù cơ cấu chủ yếu là trà Xuân muộn, song toàn TP vẫn có khoảng 80ha cấy sớm trước khung thời vụ
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), vụ Đông Xuân năm nay, 3 đợt xả nước từ các hồ thủy điện xuống hạ du đã được rút ngắn xuống còn 15,5 ngày (giảm 3,5 ngày theo kế hoạch) với tổng lưu lượng 5,07 tỷ mét khối nước. Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc... đề nghị tiếp tục xả nước thêm một đợt để phục vụ tưới dưỡng.
Related news
Trước đó, ngày 19/10, Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam Bộ đã thông báo: kiểm tra 10 mẫu kiểm tra sò lông, sò điệp của tỉnh Bình Thuận có nhiễm Lipophilic - một loại độc tố gây tiêu chảy, không đạt tiêu chuẩn chế biến thực phẩm xuất khẩu vào châu Âu.
Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, 9 tháng đầu năm, Việt Nam XK khoảng 40.000 tấn mật ong với giá trị đạt trên 100 triệu USD. Dự kiến cả năm, sản lượng XK sẽ chạm mức 45.000 tấn. Trong khi nhiều sản phẩm của Việt Nam chật vật để “lọt” được vào các thị trường “khó tính” thì mật ong đi tiên phong, là sản phẩm từ động vật duy nhất của Việt Nam “thoải mái” XK vào Mỹ và EU.
Nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/ NĐ-CP mở rộng ưu đãi cho các lĩnh vực nông nghiệp. Đồng Nai cũng đang xây dựng đề án hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015-2020.
Dịp này, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã chọn 10 thí sinh có thành tích cao để lập đội tuyển dự hội thi tay nghề thợ giỏi khai thác mủ cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 12.
Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng(Đồng Văn) là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Sở NN&PTNT; với chức năng, nhiệm vụ được giao mà theo như lời đồng chí Giám đốc Trung tâm Giang Lộc Thăng khẳng định: “Trong những năm qua, Trung tâm đã luôn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm những giống cây, con mới, có năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả cao nhất trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần vào sự nghiệp xóa, đói giảm nghèo của tỉnh...”.