Nỗ lực cứu chè
Với tổng diện tích vùng trồng lên tới hơn 4.500ha, cây chè được xem là thế mạnh của Thanh Chương trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã gây thiệt hại hơn 1.200ha chè, trong đó Thanh Mai, Thanh Tùng, Thanh An, Thanh Thịnh… là những xã có nhiều vùng chè bị chết cháy trên 70%, nâng tổng số diện tích phải trồng mới lên tới 585ha. Ông Lê Đình Thanh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Trước mắt, huyện đang vận động bà con tận dụng nguồn nước tại 7 hồ đập lớn và hơn 200 hồ đập lớn nhỏ trong huyện để bơm nước tưới chè. Đồng thời, hạn chế khai thác chè khi nắng hạn. Trong vụ tiếp theo, sẽ khuyến khích người dân trồng xen các cây họ đậu để tái tạo đất cũng như tránh nắng cho cây chè.
Tại xã Thanh Hương, bà con đang sử dụng hệ thống tưới bep có hiệu quả chống hạn cao cho cây chè. Do nước được dẫn trực tiếp đến hệ thống vòi phun qua đường ống nên đã giảm thiểu tối đa việc thất thoát nước, duy trì được độ ẩm thường xuyên cho cây chè phát triển. Hiện các xóm trong xã đều có từ 4 đến 6 hộ sử dụng hệ thống này.
Chưa có điều kiện để lắp đặt hệ thống tưới tự động như một số gia đình ở xã Thanh Hương, nhiều bà con ở Thanh Thủy lại có những cách làm sáng tạo khác để đưa cây chè vượt hạn. Gia đình anh Lê Văn Chiến đã lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn để cung nước cho 3 điểm trồng chè với tổng diện tích 1ha. Anh chia sẻ: “Nếu chè chết mà phải trồng lại thì phải bỏ ra hơn 70 triệu đồng mỗi ha, vậy nên chủ động đối phó vẫn hơn là khắc phục hậu quả nặng nề”.
Anh Trần Trọng Hào (xóm 3, Thanh Thủy) chặn suối dẫn nước về tưới cho diện tích chè của gia đình.
Xã Thanh Thủy có 485ha chè, trong đó diện tích chè ít năm tuổi lên tới hơn 100ha. Ông Hà Văn Thái – Phó chủ tịch xã chia sẻ: “Hiện toàn xã có 82ha chè bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Xã đã vận động bà con đầu tư hệ thống máy bơm nước để tận dụng nguồn nước từ 2 đập lớn Sông Rộ, Lai Lò và 4 đập nhỏ khác. Đặc biệt, cuối năm nay Hiệp hội trồng chè Việt Nam đã đồng ý hỗ trợ cây Cốt Khỉ để đưa vào trồng xen trong diện tích chè để chống hạn”.
Người dân Thanh Thủy sắm máy bơm công suất lớn để bơm nước tưới chè
Tại Anh Sơn, đã có hơn 300ha chè bị ảnh hưởng do hạn hán. Tại xã Hùng Sơn nhiều diện tích chè nơi đây đã bị khô cháy nặng. Theo tính toán, những diện tích này sẽ được trồng mới và trồng dặm sau vào tháng 9 âm lịch, lúc này thời tiết đã dịu mát, phù hợp cho sự phát triển của cây con.
Chè chết cháy tại vùng Khe Lông, Hùng Sơn, Anh Sơn
Ông Nguyễn Đình Hương (phó phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện tỉnh đã chỉ đạo các địa phương: Đối với những diện tích chè cháy lá, thiệt hại từ 30 - 70%, sẽ tiến hành chăm sóc, chuẩn bị cây giống khi mưa xuống sẽ trồng dặm thêm để đảm bảo mật độ với diện tích chè trồng mới; với chè kinh doanh, chờ mưa xuống sẽ làm cỏ, bón phân để chè hồi phục và phát triển. Riêng với gần 850 ha chè cháy trên 70%, sẽ buộc phải phá hủy để trồng lại. Tỉnh đang đề xuất Chính phủ hỗ trợ theo hình thức hỗ trợ thiên tai.
Related news
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Giá cây giống mắc ca trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh từ 60.000 đồng/cây tăng lên 90.000-100.000 đồng/cây giống. Việc cây giống mắc ca tăng giá diễn ra từ đầu tháng 4 đến nay và hiện nay rất khó quản lý hoạt động mua bán loại cây giống này.
Ngày 27 tháng 02 năm 2015 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND về việc ban hành Tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung như sau:
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, giá rau, hoa trong một tuần qua (từ ngày 8/4 - 15/4) có nhiều biến động. Cụ thể, 4 sản phẩm giảm giá bán tại cổng trại sản xuất là: 9.000 đồng/chục hoa hồng (giảm 3.000 đồng/chục), 3.000 đồng/kg cà chua (giảm 2.000 đồng/kg), 15.000 đồng/chục hoa cúc (giảm 1.000 đồng/chục) và 15.000 đồng/kg bắp cải (giảm l.000 đồng/kg).
Công nghệ phù hợp địa hình đồi dốc ở Tây Nguyên, dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng, tăng được năng suất cà phê từ 15% - 20%.
Với chiêu bài trữ hàng giá rẻ, đặt hàng giá cao, một số thương lái Trung Quốc khiến thị trường hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên rối loạn.