Niềm Vui Có Bò Giống Thoát Nghèo
Chương trình bò giống tặng đồng bào nghèo nơi biên giới do Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đến với đồng bào xã Tam Gia, huyện Lộc Bình đúng vào lúc nhân dân vừa thu hoạch lúa mùa. Cùng với niềm vui được mùa, niềm vui có bò giống như nhân lên lan tỏa khắp núi rừng biên giới. Ước mơ thoát nghèo sắp thành hiện thực.
Bò thoát nghèo, giấc mơ thành hiện thực
Mới sáng sớm, khi sương đêm còn quanh quất trên những rừng thông dài ngút tầm mắt của xã biên giới Tam Gia, chị Trần Thị Tựa, thôn Nà Căng đã vội lên đường. Hôm nay chị như một đứa trẻ bởi lúc thì đi như chạy, lúc lại chậm rãi từng bước một. Con đường rừng hơn 10 km vốn quen chân như ngắn lại và chỉ một loáng chị đã đến sân bóng của xã - nơi sẽ diễn ra lễ trao bò cho các hộ nghèo biên giới.
Gặp chúng tôi trong lúc chân vẫn còn run run vì sương. Không dám vào sân bóng mà chỉ đứng xa xa nhìn, bởi chị không đủ tự tin bước vào nơi đông người, nhạc, loa rộn rã và ai cũng ăn mặc đẹp còn chị thì tuềnh toàng trong bộ quần áo cũ. Thế nhưng gương mặt chị lúc nào cũng tươi rói nụ cười.
Cũng giống như chị, 124 hộ đến nhận bò đều như vậy, ai cũng run run, hồi hộp nhưng không giấu nổi niềm vui. Như cảm thông với hộ nghèo nơi biên giới, đoàn công tác của Tập đoàn Viễn thông Quân đội phải động viên, chia sẻ để họ vào vị trí nhận bò. Chị Nguyễn Thị Anh Thơ, Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết, ngay từ đêm qua anh em cán bộ đã chuẩn bị cho 124 con bò sẽ tặng tại xã Tam Gia.
Càng chu đáo trang trọng bao nhiêu thì càng để lại ấn tượng cho nhân dân bấy nhiêu. Và đấy cũng chính là động lực để nhân dân vươn lên. Khác với tâm trạng của chị Tựa, anh Phương Văn Phúc, thôn Co Lượt đã bốc thăm bò từ hôm trước, thế nhưng anh cứ mân mê tờ giấy như không tin ở mắt mình. Anh hỏi: “Thế người ta cho bò thật à”? Câu hỏi của anh làm mọi người xung quanh cười ồ.
Cũng phải thôi bởi với người dân nghèo biên giới họ rất công bằng, bò chưa về chuồng hẳn họ chưa yên tâm. Nhưng với lần này con bò tặng đã là hiện thực, chỉ cần đổi lại là bà con chăm bò cho tốt để đàn bò thực sự phát triển tạo chìa khóa xóa nghèo nơi biên giới mà thôi.
Niềm vui như vỡ òa khi con bò số 3 được trao tận tay anh Phúc, anh xúc động cầm không vững sợi thừng. Con bò vàng, lông mượt óng, khỏe mạnh giờ đã trở thành của anh, đó là hiện thực, từ đây nó nhen lên ước mơ thoát nghèo. Giống như anh, nhận bò mà nhiều người ứa nước mắt, họ im lặng rồi lại cười, trong mắt họ vừa vui, vừa lo âu vừa căng thẳng như sẽ phải gánh một trách nhiệm lớn lao hơn.
Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, 124 con bò đã được trao hết. Trên khắp những con đường uốn lượn quanh các thôn bản biên giới từng tốp người dắt bò về nhà râm ran trò chuyện mang theo cả niềm vui lan tỏa trên khắp vùng biên.
Và ước mơ thoát nghèo
Theo chân chị Hoàng Thị Vạn, chúng tôi về tận thôn tận cùng biên giới Nà Căng. Thôn có 38 hộ thì có 19 hộ được nhận bò. Nhóm chị Vạn có 4 hộ. Khác với niềm vui ở bãi giao bò, giờ đây họ đi những bước chân thật chậm. Nói như thanh minh chị Vạn rằng: “Sợ bò mệt nên phải đi chậm các chú ạ”. Cứ thế những con bò bước chầm chậm nện móng lộp cộp xuống con đường mới. Những chú bò lông vàng mượt in lên nền cỏ lau trắng như những bó lúa di động tạo nên một sắc màu rất gần gũi thân thương.
Rồi chị Vạn hỏi tôi: “Bò này nếu nuôi tốt thì mấy năm đẻ hả chú”. “Không lâu đâu, tầm hơn năm là cùng” tôi trả lời. Câu trả lời của tôi trở thành đề tài tranh luận cho cả bốn hộ dắt bò, người thì bảo phải hai năm, người thì nói một năm, câu chuyện cứ thế râm ran suốt quãng đường. Hôm nay thôn Nà Căng trở nên đông vui như hội, niềm vui lan sang cả biên giới khi những anh em họ hàng phía nước láng giềng Trung Quốc.
Thấy người thân của mình dắt bò về họ cũng sang chia vui. Tiếng Tày Nùng, tiếng Bắc Kinh, Quan Thoại cứ í a í ới chúc mừng nhau. Tạt vào ngôi nhà đầu thôn của anh Nông Văn Pọc - người mù cả hai mắt do một lần làm nương vướng mìn. Nghe tiếng chân bò dù anh không nhìn thấy, nhưng anh đã chạy ra ôm con bò như người thân lâu ngày mới gặp. Rồi anh nói nhỏ với vợ: “Xuống miếu làng thắp nén hương, báo thổ công nhà có bạn mới”. Nói rồi nước mắt anh trào ra, nước mắt của anh, một người khiếm thị hình như đục và không nhiều.
Theo trưởng thôn Vi Văn Cường, ở thôn vật nuôi ít, đồng cỏ lại nhiều, lần này có bò là cơ hội để bà con thoát nghèo. Theo tính toán của anh Cường trong vòng vài năm nữa thôi số bò sẽ được nhân lên gấp đôi và độ chục năm nữa nơi đây sẽ thành trang trại bò.
Thế nhưng điều ấy chưa quan trọng bằng bà con biết cách chăn thả, học tập kỹ thuật để làm giàu. Ngồi giữa thôn biên giới nghe anh trưởng thôn rành rẽ từng lời khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong khó khăn mà người dân nghĩ được thế, làm như thế thì chẳng bao lâu nữa nơi đây sẽ thoát nghèo bằng chính những con bò giống hôm nay. Vâng sẽ không lâu nữa!
Nguồn bài viết: http://baolangson.vn/tin-bai/Kinh-te/san-sang-cho-dai-hoi-the-duc-the-thao-tinh-lang-son-lan-vii-nam-2014/30-29-73113
Related news
Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.
Cũng do gia cảnh khó khăn, học đến cấp 3, Đồng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Năm 2.000, Đồng lập gia đình, khi “ra riêng” được bố mẹ cho 1 sào đất (1.000 m2) để làm nông. Ban đầu, anh tiếp tục gắn bó với cây rau, nhưng giá rau bấp bênh nên cuộc sống không ổn định. Không chấp nhận tình cảnh này, Đồng đi khắp các nhà vườn ở địa phương để tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp.
Chỉ chừng 2 năm qua do nước lũ đầu nguồn không đổ về nhiều, phần do nhiều người bắt ốc và biết tận thu nguồn lợi này làm mồi nuôi cá đồng, tôm sú nên ốc ít dần.
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nông Cống đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công nhiều chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc phát triển các mô hình chăn nuôi kết hợp, tạo việc làm và ổn định đời sống nhân dân.
Qua đó, các hội viên áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trong gia đình. Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, HND xã đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, đến từng gia đình hội viên hướng dẫn, giúp đỡ nông dân làm kinh tế, cùng vươn lên làm giàu.