Nho Ninh Thuận Ngày Càng Teo Tóp

Có mặt trên vùng duyên hải Nam Trung Bộ khô hạn từ hơn 100 năm trước, cây nho ở Ninh Thuận được ví như cây trồng “nữ hoàng”, giúp người dân miền gió cát thoát nghèo, thậm chí không ít người vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thực tế nho Ninh Thuận hiện chưa phát triển ngang tầm với danh hiệu độc tôn của nó.
Vào những năm hoàng kim của cây nho Ninh Thuận, người chuyên canh cây trồng này không ai không biết đến lão nông Ba Mọi, người đã đưa cây nho lên đỉnh cao với thương hiệu nho sạch nổi tiếng “Ba Mọi”.
Ông Ba Mọi tên thật là Nguyễn Văn Mọi, ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Cuối năm 2000, khi giống nho xanh NH01-48 được Trung tâm Nghiên cứu cây bông Nha Hố (hiện nay là Viện Nghiên cứu bông Nha Hố; Ninh Thuận) lai tạo thành công, ông Ba Mọi đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 ruộng của gia đình với kỹ thuật canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
Ông Ba Mọi thành công với thành quả: 1 kg nho xanh NH01-48 bán tại vườn với giá 13.000-15.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần nho đỏ Red Cardinal truyền thống đang được trồng đại trà. Với 1.000 m2, qua vụ đầu, ông thu được 0,7 tấn, sau đó tăng lên 1,2 tấn ở vụ thứ hai, rồi 1,5 tấn ổn định ở vụ thứ ba. Tết Nguyên đán năm 2003, lão nông Ba Mọi đưa sản phẩm nho sạch vào bày bán tại các siêu thị ở TP HCM.
Tại thị trường TP HCM, nho an toàn mang thương hiệu “Ba Mọi” được chấp nhận với giá bán trên 20.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với nho xanh nhập từ Thái Lan, Mỹ. Đến nay, thương hiệu nho của lão nông Ba Mọi vẫn giữ vững chỗ đứng trên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, rất hiếm người làm được như ông Ba Mọi. Nhiều nông dân ở Ninh Thuận từng hơn chục năm gắn bó với nghề trồng nho nay không khỏi ngỡ ngàng khi cây trồng được mệnh danh là “nữ hoàng” có ngày lại suy thoái trầm trọng.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, từ diện tích gần 2.300 ha, hiện diện tích nho đỏ toàn tỉnh giảm còn chưa đến 750 ha với năng suất bình quân chưa đến 25 tấn/ha/năm (giảm rất nhiều lần so với trước đây).
Ông Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho rằng hiện cơ cấu giống ở Ninh Thuận còn đơn điệu; kỹ thuật canh tác của nông dân chưa hợp lý; khai thác nhiều vụ/năm để tăng lợi nhuận là những nguyên nhân chính làm suy thoái cây nho.
Tại hội thảo “Định hướng phát triển cây nho Ninh Thuận” do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuối tuần qua, ông Ngô Xuân Trinh, chuyên gia Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng tỉnh Ninh Thuận cần nhanh chóng thành lập trung tâm nghiên cứu về nho để xây dựng tập đoàn giống nho. Quan trọng nhất là khuyến cáo nông dân giảm “bóc lột” sức khỏe của cây nho.
Còn Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông Nha Hố, ông Lê Trọng Tình, khuyến cáo để phát triển cây nho Ninh Thuận, cần lai tạo thêm nhiều bộ giống mới chứ không chỉ duy trì một giống như hiện nay. Đồng thời phải gấp rút nghiên cứu chuyển dịch giống nho, từ chỗ chỉ trồng nho ăn trái sang mở rộng diện tích trồng nho rượu để có thể phát triển một cách bền vững.
Về chất lượng trái nho Ninh Thuận sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, ông Trần Mạnh Xuyến, Giám đốc hệ thống đại lý sản phẩm nông nghiệp Bác Tôm (Hà Nội), cho rằng chỉ dẫn địa lý là cái mác bảo đảm chất lượng trái nho khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay là sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, người trồng nho không áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất nên trái nho không đạt tiêu chuẩn. “Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cần có giải pháp kiểm soát chất lượng trái nho tươi của bà con nông dân để thương hiệu nho Ninh Thuận không bị lụi tàn” - ông Xuyến đề xuất.
Related news

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, kết quả kiểm tra môi trường nước và bệnh trên tôm nuôi gần đây cho thấy, vi khuẩn Vibrio có mặt ở hầu hết các mẫu nước sông và mẫu nước ao nuôi, khi hàm lượng oxy trong ao thấp, tôm sẽ ăn ít hoặc ăn chậm dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao, tích tụ khí độc…

Cùng với các loại cây có múi giá trị kinh tế cao như sầu riêng hạt lép, cam sành..., hiện nay, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) giá tăng mức kỷ lục, được nhà vườn chăm sóc chu đáo để nâng cao mức sống gia đình từ lợi thế của loại trái cây này.

Ông Nguyễn Văn Cường (50 tuổi) ở thôn 5, xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk) là người rất đam mê nghề nuôi thuỷ sản. Trước đây, gia đình chỉ quen nuôi các loại cá thông thường, nhưng thời gian gần đây, ông mạnh dạn nuôi cá lăng đuôi đỏ là loại đặc sản của địa phương và đã cho thu nhập khá.

2 năm trở lại đây, các vùng đìa nuôi tôm, cá tại xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) trở nên hiu hắt bởi liên tiếp nhiều vụ nuôi nông dân thua lỗ nặng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa vào sản xuất những giống cây mới đem lại cho lợi nhuận kinh tế cao, hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của bà con nông dân nói riêng và người sản xuất nói chung.