Nhiều Loại Trái Cây Bị Nhiễm Sâu Bệnh
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện các tỉnh phía Nam có nhiều diện tích cây ăn trái như dừa, bưởi… đang đối diện với dịch bệnh đục trái. Đây là loại dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam bị cấm xuất rau, trái sang một số thị trường trong một thời gian dài.
Theo nghiên cứu của ông Lê Văn Vàng, Đại học Cần Thơ, sâu đục trái bưởi hiện nay đã có ở tất cả các tỉnh có trồng bưởi ở ĐBSCL với mức độ gây hại từ nhẹ (5%) đến nặng (có thể nhiễm 100% số trái trên vườn).
Bệnh xuất hiện lần đầu tại Hậu Giang vào năm 2011, đến đầu năm 2013 đã lan đến các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ với tổng diện tích hơn 13.160 héc ta, chiếm 48% diện tích trồng bưởi được Đại học Cần Thơ khảo sát.
Theo kết quả khảo sát của trường Đại học Cần Thơ, trái bưởi từ một tháng tuổi có thể đã bị nhiễm sâu và sâu sống trong trái cho đến ngày thu hoạch, trong mỗi trái thường có 3-5 con sâu, có trường hợp nặng mỗi trái có hơn 50 con. Hiện loài sâu này còn tấn công sang cây có múi như cam, chanh, quýt…
Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn trái miền Nam, khi phát hiện loài sâu đục trái bưởi tại Hậu Giang, các chuyên gia của viện đã tiến hành nghiên cứu định dạng loài gây hại và làm một số nghiên cứu về bệnh học và mọi việc dừng lại ở đó mà không thể nghiên cứu sâu hơn vì thiếu kinh phí.
Vì thế, theo ông Châu, để tránh được loài sâu đục trái gây hại thì cách tốt nhất là bao nilong cho trái từ khi mới hình thành đến khi thu hoạch.
Ông Châu cho biết, không chỉ sâu trên trái bưởi mà còn có sâu vòi voi hại trái dừa, bệnh đốm trắng trên thanh long, sâu đục củ khoai lang cũng bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam. Nhưng do thiếu kinh phí nên viện của ông không thể có những đề tài nghiên cứu sâu hơn về bệnh học cũng như cách phòng trừ bệnh.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), những mặt hàng trái cây có số lượng xuất khẩu lớn của Việt Nam là thanh long, dừa, bưởi, chôm chôm, xoài.
Lâu nay, theo thông lệ quốc tế, để được cấp giấy phép nhập khẩu vào một thị trường nào đó, trái cây Việt Nam phải chứng minh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải được chiếu xạ, hoặc xử lý nhiệt để loại bỏ sâu đục trái.
Chính vì không đảm bảo được yêu cầu này mà thanh long đã bị cấm xuất vào thị trường Đài Loan từ năm 2009 và mới được xuất khẩu trở lại.
Theo Vinafruit, trước đây có một doanh nghiệp tìm được hợp đồng xuất khẩu bưởi vào Chi Lê nhưng không thực hiện được hợp đồng vì phía Chi Lê lo ngại sâu đục trái nên không cho nhập.
Năm 2012, Hà Lan sau khi phát hiện một số rau nhập từ Việt Nam có sâu đục thân nên đã có lệnh nếu phát hiện liên tiếp 5 lô hàng sẽ cấm nhập rau, quả từ Việt Nam.
Vì thế, để tránh bị Hà Lan và có thể là cả châu Âu có lệnh cấm nhập rau quả của Việt Nam nên Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn buộc phải ngưng cấp giấy kiểm dịch thực vật cho những loại rau quả có khả năng nhiễm sâu đục thân cao vào thị trường Hà Lan.
Related news
Theo ước tính, mỗi năm ngành chè Việt Nam tự làm mình thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng và đang đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng. Sử dụng thuốc BVTV chưa an toàn là một trong những nguyên nhân mang tính cốt tử, ảnh hưởng lớn nhất đến thực trạng này.
Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản đã và đang được xã hội quan tâm, nhất là người tiêu dùng. Trong đó rau ăn lá, củ, rau gia vị là thế mạnh của tỉnh với sản lượng khá lớn, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu.
Duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, đây được xác định là thách thức lớn, đồng thời là giải pháp trọng tâm nhằm củng cố những giá trị bền vững giúp cam Cao Phong (Hòa Bình) phát triển trở thành một thương hiệu mạnh.
Trước tình hình khó khăn đầu ra của các loại hàng hóa nông sản, nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã chịu khó suy nghĩ, đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ hơn về thị trường để tổ chức sản xuất những mặt hàng mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, trồng cam xoàn là một thí dụ điển hình.