Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Gà Trên Đệm Lót Sinh Học Ở Bến Tre

Nuôi gà trên đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm: hạn chế mùi hôi, ô nhiễm môi trường, các bệnh về đường ruột và hô hấp trên gà, hạn chế lây truyền dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc… Phú Mỹ là xã điển hình của huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đã thử nghiệm hiệu quả và đang nhân rộng mô hình này.
Phương pháp nuôi gà trên đệm lót sinh học đã được áp dụng trên địa bàn xã Phú Mỹ cách nay vài năm và được người chăn nuôi khá tâm đắc. Ông Phạm Minh Dũng - khuyến nông viên xã cho biết, ban đầu, Chi cục Di dân phát triển vùng kinh tế mới (nay là Chi cục Phát triển nông thôn) tỉnh hỗ trợ 20 hộ nghèo trên địa bàn xã 2.000 con gà giống để các hộ chăn nuôi thoát nghèo. Cùng với hỗ trợ gà giống, Chi cục đã hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư đệm lót sinh học và kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót. Thành phần đệm lót gồm: men balaza N01 ủ với loại cám to. Độ dày đệm lót mỏng. Đệm lót có tác dụng phân hủy phân gà tại chỗ, lượng phân gà thải ra môi trường giảm ít nhất trên 50%, chống lại một số bệnh ký sinh trùng, tiêu hóa tốt và hạn chế mùi hôi. Thay đệm lót từ 2 lần trở lên trong một lứa nuôi, tùy theo mật độ nuôi ít hay nhiều. Từ hiệu quả của mô hình, hầu hết các hộ áp dụng mô hình đã thoát nghèo và đến nay vẫn duy trì phương pháp chăn nuôi gà trên đệm lót, đồng thời phát triển số lượng đàn.
Bà Bồ Thị Loan cho biết, trước đây, nhà chỉ có một công đất, hai vợ chồng bà phải đi làm mướn đó đây để kiếm tiền sinh sống. Từ khi được hỗ trợ chăn nuôi gà theo hướng này, bà đã giảm lo toan về kinh tế gia đình. Bà nói: Tận dụng diện tích đất 1.000m2 để chăn nuôi gà, thu nhập ổn định hơn và đỡ phải đi làm mướn khi tuổi cao. Đàn gà nuôi an toàn trước các bệnh thông thường lẫn các loại bệnh nguy hiểm và hạn chế mùi hôi. Năm 2012, bà Loan thoát nghèo và phát triển đàn gà nuôi từ 100 con ban đầu lên 600 con.
Cách đây một năm, ông Trần Văn Triều, tổ 9, ấp Phú Bình được Trạm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí mua men balaza N01 để làm đệm lót sinh học cho gà. Sau thời gian áp dụng, ông Triều cho biết, am tường về kỹ thuật chăm sóc gà, chú trọng việc tiêm phòng đúng quy định và kết hợp với đệm lót sinh học sẽ giúp người nuôi đảm bảo an toàn về dịch bệnh trên đàn gà, hạn chế hao hụt và đảm bảo môi trường trong chăn nuôi.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, đầu năm 2013, Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức nhân rộng mô hình tại 2 xã: Phú Mỹ và Tân Phú Tây; đồng thời hoàn thiện kỹ thuật tạo đệm lót. Ông Phạm Minh Dũng cho biết: lần này, cách tạo đệm lót được hoàn thiện hơn, với thành phần gồm: trấu, cám to và men balaza N01. Độ dày từ 20 đến 40cm trở lên. Với kỹ thuật mới, người chăn nuôi không cần phải thay đệm lót nhiều lần như trước. Hộ ông Triều cũng đã tiếp cận cách làm mới, ông nói: Mật độ 2.000 con gà, diện tích vườn thả nuôi là 2.000m2, trong đó diện tích chuồng khoảng 50m2, tôi sử dụng 4kg men, 25 bao trấu và 28kg cám to.
Ngoài những hộ nuôi áp dụng theo mô hình của ngành nông nghiệp huyện, người dân Phú Mỹ còn truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho nhau. Riêng tổ 9, ấp Phú Bình đã có 90% hộ chăn nuôi gà thả vườn. Trong đó, nhiều hộ nuôi gà trên đệm lót sinh học. Anh Huỳnh Quốc Luận cho biết, chỉ riêng cửa hàng thuốc thú y của anh, đã có khoảng 100 hộ chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 đến 2.000 con đến đây tìm hiểu và mua men balaza N01.
Để có được hiệu quả tốt nhất, theo ông Phạm Minh Dũng, bà con cần tạo đệm lót đúng cách, đồng thời vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc đàn gà đúng theo hướng dẫn của nhân viên thú y xã.
Related news

Dù không có diện tích để canh tác hay trồng trọt nhưng người tiêu dùng vẫn có cơ hội sở hữu vài cây xoài, thậm chí cả vườn xoài đặc sản ở huyện Cao Lãnh thông qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Đây là ý tưởng độc đáo của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh với mong muốn mang sản phẩm của mình đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.

Sức hút từ khởi nghiệp nông nghiệp đã khiến chàng trai 8x Phạm Văn Dũng từ bỏ vị trí công chức nhà nước về quê ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (Điện Biên) lập trang trại trồng cây, nuôi con đặc sản.

Xây nhà 600 triệu nhưng chủ yếu để nuôi chim, gia đình Tú (Thanh Hóa) bị hàng xóm nghĩ là "thần kinh". Ít năm sau, chàng trai trẻ đã kiếm được cả trăm triệu từ mô hình của mình.

Dù mới nuôi chim trĩ đỏ nhưng anh Trương Thừa Vũ (30 tuổi) ở thôn 5, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã có thu nhập khá cao.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa – tôm vùng ĐBSCL do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức mới đây, nhiều đại biểu nhận định, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm là mô hình sản xuất “thông minh”, bền vững.