Nhà vườn Phú Yên vào vụ hoa tết
Một nhà vườn ở phường 9 xuống giống hoa cúc chuẩn bị cho mùa hoa tết 2016
Rộn ràng vào mùa
Bình Kiến và phường 9 có diện tích trồng hoa, cây cảnh nhiều nhất tỉnh với hàng ngàn hộ dân tham gia. Trong đó, nhiều nông dân đang sở hữu vài trăm chậu đến gần 2.000 chậu mai, quất, cúc, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.
Ông Huỳnh Thúc Kháng ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, có hơn 10 năm trồng cúc, cho biết: “Mặc dù năm nay trời nắng nóng kéo dài, ít mưa nhưng bà con ở đây vẫn ồ ạt xuống giống cúc để kịp mùa hoa tết. Riêng gia đình tôi trồng 400 chậu cúc đại đóa và pha lê, đến giờ đã xuống giống được hơn phân nửa”.
Theo các nhà vườn trồng hoa ở phường 9 và Bình Kiến, hàng năm, từ rằm tháng bảy đến rằm tháng tám là họ xuống giống hoa cúc. Để tránh tình trạng hoa bị ảnh hưởng thời tiết nở sớm hoặc muộn, các nhà vườn đều phân chia thời gian xuống giống hoa khác nhau chứ không làm đồng loạt một lần.
Cũng như mọi năm, năm nay nhiều nhà vườn tranh thủ trồng thêm hoa tại các khu đất trống gần đường Hùng Vương (nằm ngoài Viễn thông Phú Yên) và FBS.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở khu phố Ninh Tịnh 6, phường 9, cho biết: “Cũng như năm ngoái, năm nay tôi trồng 500 chậu cúc đại đóa và pha lê ở khu đất gần đường Hùng Vương, hy vọng thời tiết sẽ thuận lợi để hoa nở đúng dịp tết”.
Theo ông Dũng, rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay ông đầu tư bài bản hơn để cúc phát triển tốt ngay trong tháng đầu tiên xuống giống. Như vậy sau này, cúc sẽ nở đều, đẹp hơn, dễ bán cho các thương lái mua đi các tỉnh Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận…
Bên cạnh việc xuống giống trồng cúc, các nhà vườn trồng mai, quất cũng đang khẩn trương cắt tỉa cành, bón phân cho cây.
Ông Nguyễn Minh ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, cho biết: “Gần một tháng qua, ngày nào tôi cũng ở vườn quất để bón phân, tưới nước, phun thuốc dưỡng cây, hoa cho 300 chậu quất của gia đình để quất đậu nhiều trái.
Đến giờ, quất đã ra trái bằng ngón tay trỏ và vẫn tiếp tục ra hoa”. Còn ông Nguyễn Phước Bình cũng ở thôn Liên Trì 2, chia sẻ: “Hơn nửa tháng nay, không chỉ gia đình tôi mà tất cả những nhà vườn trồng mai, quất trong xã đều tranh thủ cắt tỉa lại các nhánh cho tròn đều, nhiều nhà làm không kịp phải thuê thêm người”.
Lo thời tiết thất thường
Khi được hỏi làm sao để hoa nở đúng vào dịp tết, các nhà vườn đều cho rằng kinh nghiệm chưa phải là yếu tố quyết định mà thời tiết mới là quan trọng.
Ông Trần Mỹ Hưng ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, nói: “Tôi đã trồng quất hàng chục năm qua nhưng chưa có năm nào quất của gia đình lại không chịu nở hoa, kết trái như năm nay. Vào thời điểm này của những năm trước, quất của nhà tôi ra trái rất nhiều và cỡ bằng ngón tay, còn năm nay mặc dù quất phát triển rất tốt nhưng do nắng nóng kéo dài nên ít ra hoa, hoặc ra hoa nhưng ít đậu trái.
Vì thế, tôi phải tăng cường phun thuốc dưỡng hoa, trái thì mới giữ được trái trên cây.
Hiện gia đình có 250 chậu quất nhưng chắc tết này chỉ bán được 200 chậu thôi, còn lại phải dưỡng để dành mùa hoa tết năm sau”.
Ông Nguyễn Phước Bình ở thôn Liên Trì 2, người được xem là có thâm niên trong việc trồng mai và hiện sở hữu hơn 1.000 chậu mai từ 5 đến 16 năm tuổi, cho biết: "Trồng mai không khó nhưng chăm sóc rất vất vả, nhất là “canh” làm sao cho hoa nở đúng vào dịp tết thì mới bán được tiền.
Có những năm trời lạnh dài, nụ cứ “ngậm” miết mà không chịu nở nên trong hơn 1.000 chậu mai, tôi chỉ bán được từ 300 đến 400 chậu. Tuy nhiên, mai hơn cúc ở chỗ nếu không bán được thì dưỡng năm sau bán vẫn có giá, còn cúc thì phải nhổ bỏ”.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa Huỳnh Khắc Hiếu cho biết: “Trồng hoa, cây cảnh là một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập tương đối khá cho nhiều hộ nông dân ở các phường 9, Phú Lâm và các xã Bình Kiến, Hòa Kiến.
Hiện các nhà vườn bắt đầu vào vụ hoa tết, hy vọng rằng với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm của bà con cộng với việc hội nông dân thành phố vừa tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng hoa, chăm sóc cây cảnh cho hội viên, nông dân, bà con sẽ thắng lợi trong vụ hoa năm nay”.
Related news
Một loại chế phẩm vi sinh mới dùng để xử lý phế thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ đã được Viện Công nghệ môi trường (Viện KH - CN Việt Nam) đã nghiên cứu và sản xuất thành công
ĐBSCL đang u ám với mùa tôm năm 2012 bị dịch bệnh hoành hành gây thiệt hại lớn, PV Tiền Phong đi một vòng qua những nơi nuôi tôm nổi tiếng.
Nghề chăn nuôi heo đang đối mặt với nhiều rủi ro. Trong lúc khó khăn kéo dài, giá heo hơi tiếp tục lao dốc, người chăn nuôi đành chọn giải pháp giảm số lượng heo nhằm đảm bảo nguồn vốn...
Với 0,6 ha mặt nước nuôi cá giống và cá thịt, mỗi năm xuất bán hơn 24 tấn cá thương phẩm và hơn 2 triệu con cá giống, ông Hồ Bá Quang, ở tổ 18, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành triệu phú, với thu nhập hàng năm 700 triệu đồng
Trong những năm gần đây, tình trạng nông dân và doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản xảy ra phổ biến, trong đó người nông dân luôn chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân phải bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt, thậm chí bán cả lúa non để trang trải nợ nần. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là lời giải cho bài toán rối rắm này.