Người Nuôi Cá Bè Trên Sông Vàm Cỏ Đông Thiệt Hại Nặng Vì Nước Sông Ô Nhiễm
Sông Vàm Cỏ Đông lâu nay bị các cơ sở sản xuất chế biến mì, cao su nằm ven bờ tận dụng để xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường Tây Ninh đã tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm một số cơ sở có hành vi vi phạm nói trên.
Nhưng làm thế nào để chấm dứt hẳn tình trạng ô nhiễm nước sông Vàm Cỏ Đông hiện vẫn còn là bài toán khó. Bằng chứng là những tháng vừa qua, người nuôi cá bè và đánh bắt cá trên sông tiếp tục gặp thiệt hại, khó khăn vì cá chết.
Cá chết người cũng lao đao
Gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, ngụ tại ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành có 7 năm làm nghề nuôi cá bè. Gần như năm nào cá của bà Cúc cũng bị bệnh ghẻ lở, rồi chết dần. Nhưng chưa năm nào, cá lại chết nhiều như năm nay.
Trước kia, thả 6.000 con cá giống, đến vụ bà thu hoạch gần 2 tấn, lãi 80 triệu đồng. Năm nay, bà thả 2 bè, tổng cộng 35.000 con cá thác lác cườm, qua đợt ô nhiễm vừa qua, đàn cá của bà bị hao hụt nặng. Do tình trạng nước sông có lúc ô nhiễm đột ngột, nên người nuôi cá không kịp trở tay.
Sau một đêm thức dậy, thấy cá chết la liệt, gia đình bà Cúc chỉ còn biết cố gắng tìm cách vớt vát được con nào hay con đó. Số cá còn sống sót bà đem bán tống bán tháo với giá chỉ bằng 1/5 so giá mua bình thường, biết lỗ vẫn phải bán vì cá đã bị kém sức đề kháng khi sống trong nguồn nước ô nhiễm nên không thể để lâu. Số cá chết còn lại phải đổ bỏ vì không ai dám mua, có cho không cũng không ai nhận. Bà Cúc rầu rĩ: “Năm nay cá chết lỗ 100 triệu đồng. Nước vừa xử lý cũng bị ô nhiễm nữa, cá đi hết hoặc bị ghẻ, chết, không cứu được”.
Cùng xã Trí Bình, huyện Châu Thành có gia đình ông Nguyễn Văn Công, ngụ tại ấp Xóm Mới 1 cũng chuyên nghề nuôi cá bè trên sông Vàm hàng chục năm qua.
Ông Công cất nhà sát mé nước, vừa để ở vừa giữ bè cá. Dù luôn có mặt 24/24 giờ bên cạnh khu vực nuôi cá nhưng khi nước sông bị ô nhiễm, ông Công cũng chẳng biết xoay xở cách nào để cứu đàn cá. Cách đối phó chung của ông cũng như nhiều bà con nuôi cá tại ấp Xóm Mới 1 là… để mặc, tới đâu hay tới đó. Người nào tiếc xót quá, không đành bỏ thì ráng tìm cách vớt vát.
Nhưng cố lắm cũng không sao vớt cho kịp khi dòng nước ô nhiễm quá đột ngột. Chỉ khi nhìn thấy cá ngoi ngóp trên mặt nước hoặc nổi lềnh bềnh, mới biết nguồn nước đang có vấn đề. Lúc này, chỉ còn biết tìm cách cứu số cá chưa kịp chết đem đổ đại vào chỗ nào đó an toàn nhất, gần nhất, rồi tính tiếp. Thường khi nguồn nước đã ô nhiễm, có ít nhất 50% đàn cá chết ngay. Số còn lại cố cầm cự thêm được vài ngày rồi cũng sẽ chung số phận với đồng loại của chúng.
Nhiều năm trong nghề nên có kinh nghiệm, tranh thủ những lúc đàn cá còn ngắc ngoải, ông Công kêu lái đến mua cá và đồng ý bán với bất cứ giá nào, chỉ mong gỡ lại chút ít vốn đầu tư. Để chậm vài ngày, chẳng những không bán được, còn mất công mang cá đi đổ.
Vụ cá chết mới đây đã làm ông thua lỗ 20 triệu đồng. Ông nói như than: “Tình trạng ô nhiễm diễn ra đã 15 năm nay rồi, nước dơ không tắm rửa, giặc quần áo gì được. Mưa xuống nước có hơi sạch hơn chút, chứ bình thường nước ô nhiễm, dân ở đây dễ bị đau bệnh, lại gặp khó khăn trong nghề nuôi cá. Cá bột giống mới đem về thả xuống cũng bị chết do nước ô nhiễm”.
Cách khu vực nuôi cá nhà ông Công không xa là bè nuôi cá của ông Trương Mã Phong, ngụ cùng xã Trí Bình. Khác với ông Công chỉ nuôi cá thác lác cườm, ông Phong nuôi cá hồng vện- một loại cá đắt tiền. Việc nuôi cá hồng vện trên sông Vàm Cỏ Đông được xem là đánh cược với rủi ro, vì loại cá này một khi chúng bị chết là người nuôi lao đao, không ít trường hợp rơi vào cảnh nợ nần triền miên nhiều năm liền, bởi chi phí đầu tư mua con giống, công chăm sóc cá hồng vện cao gấp hàng chục lần các loại cá thông thường.
Dù biết thế nhưng người nuôi cá vẫn đành chịu bởi không biết đối phó cách nào. Có người nuôi ý tưởng đưa cá hồng vện lên bờ, đào ao để nuôi nhưng nếu nuôi theo cách này, chẳng những cá chậm phát triển mà nguy cơ chết cũng cao. Chưa kể cá hồng vện nuôi trong ao giá trị thấp hơn cá nuôi bè trên sông.
Ông Phong kể lại một kỷ niệm cũ không vui vẻ chút nào trong nghề nuôi cá hồng vện: “Tôi nhớ năm 2006, bạn tôi là anh Nguyễn Văn Lền có 2 bè cá hồng vện. Đêm đó nước xác mì xả xuống, cả bè cá mấy trăm con của ảnh chết ráo. Còn tôi cũng bị chết 126 con, thiệt hại 800 triệu đồng. Tôi phải mua tấm tăng đùm cá dưới sông, bơm nước giếng, bơm ô xy vào để chống ô nhiễm”.
Chào thua... ô nhiễm !
Người nuôi cá bè trên địa bàn huyện Châu Thành lâu nay rất bức xúc về tình trạng nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông ngày càng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của họ.
Theo số liệu cung cấp của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông có 27 điểm xả thải, nhiều nhất là các cơ sở chế biến khoai mì, mủ cao su, số còn lại là chế biến cồn, chế biến đường, thuộc da. Đáng chú ý có 2 công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đang hoạt động, có nguồn nước xả thải xuống sông.
Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt và nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất bún ở khu vực thị trấn Châu Thành thoát ra cống Kiểu rồi chảy ra sông cũng góp phần làm ô nhiễm thêm nguồn nước. Biết là phải đối mặt với thực trạng trên nhưng nhiều người vẫn phải tiếp tục nuôi cá, vì ngoài công việc này ra, họ không biết làm gì khác để mưu sinh.
Cũng có người đối phó bằng cách chuyển từ nuôi cá thác lác cườm sang nuôi cá điêu hồng hoặc một số loại cá khác có khả năng chịu đựng nguồn nước ô nhiễm cao hơn, nhưng rồi qua mỗi vụ thu hoạch cá, tính đi tính lại, vẫn thấy thu không đủ bù chi, cuối cùng cũng đành chào thua.
Ông Nguyễn Văn Cung cũng là một người nuôi cá bè ở huyện Châu Thành nói với vẻ chán nản: “Nuôi cá lóc, cá điêu hồng cũng thế- đều chết cả đống. Đề nghị chính quyền giải quyết ba cái vụ xác mì làm ô nhiễm nước sông. Nuôi cá mà cứ bị chết hoài, giờ ai dám nuôi?”.
Hằng năm, thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đều phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, kể cả tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn những cơ sở chưa chấp hành nghiêm các quyết định xử lý, vẫn cứ lén lút xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.
Hậu quả là mỗi năm, vào một số thời điểm, nước sông từ khu vực cầu Bến Sỏi đến cầu Gò Chai thuộc địa phận huyện Châu Thành vẫn cứ bị ô nhiễm nặng, dòng nước đen ngòm, gây nên hiện tượng cá chết cả một khúc sông và lục bình phát triển đặc kín quanh năm, cản trở hoạt động giao thông đường thuỷ.
Có một thực tế là khi cá bè chết, người dân thường cấp báo cho các nơi, hoặc Sở Tài Nguyên - Môi trường, hoặc chính quyền địa phương. Nhưng qua vài lần cơ quan chức năng có động thái xuống kiểm tra, lẫy mẫu nước, một thời gian sau nước sông Vàm Cỏ Đông vẫn ô nhiễm như cũ, cá tiếp tục chết như cũ.
Nhiều người nuôi cá không muốn báo cơ quan chức năng nữa mà lo tập trung vào việc “tự cứu mình”. Việc này, khiến cho các cơ sở xả thải tiếp tục tái diễn vi phạm, cơ quan chức năng quản lý môi trường thì mất đi nguồn tin báo quan trọng, công tác nắm tình hình ô nhiễm môi trường phần nào bị hạn chế.
“Trong kiểm tra môi trường có quy định rõ, cấp sở làm gì, cấp tỉnh làm gì. Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị phân cấp quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh- cấp huyện, cấp xã làm gì. Phải làm tốt phân cấp, tránh sự chồng lấn giữa các cơ quan chức năng với nhau, cũng như giữa cấp tỉnh và cấp huyện”- ông Trần Minh Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết.
Dân chài cũng khổ
Theo người dân chuyên sống bằng nghề cá tại huyện Châu Thành, cách đây hơn 10 năm, khúc sông Vàm Cỏ Đông ngang qua khu vực xã Trí Bình, cá hồng vện từ Campuchia còn kéo về kiếm ăn nhưng hiện nay, chúng đã vắng bóng hẳn. Không phải do cá bị đánh bắt nhiều mà thưa đi, nguyên nhân chính cũng là do nguồn nước sông ô nhiễm.
Người nuôi cá bè lúc nào cũng phập phồng chuyện nước sông bị ô nhiễm đã đành, những người làm nghề đánh bắt cá trên sông cũng chẳng sung sướng gì. Bởi họ cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong công việc mưu sinh của mình.
Số cá đánh bắt được nay đã giảm hơn một nửa so với trước kia mà lại phải đi xa hơn mới có cá. Thường dân chài phải ngủ lại qua đêm trên ghe, rất vất vả. Cực khổ vậy nhưng số tiền họ kiếm được mỗi ngày cũng chỉ trên dưới 100.000 đồng, may lắm mới có một ngày trúng lớn được 300.000 đồng, trong khi công sức và thời gian bỏ ra cao gấp đôi so với trước. Muốn đổi nghề lên bờ làm ăn cũng không phải điều đơn giản đối với những con người gần như cả đời gắn bó cùng sông nước.
Related news
Là địa phương đứng thứ 3 của tỉnh về diện tích trồng chè với sản lượng khoảng 32 nghìn tấn/năm, cộng với sự hình thành phương thức sản xuất chè từ rất sớm, huyện Đồng Hỷ đã trở thành một trong những “cái nôi” của mảnh đất “Đệ nhất danh Trà”. Để xứng đáng với “tiếng thơm” đó, người làm chè Đồng Hỷ không ngừng nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng cây chè và các sản phẩm trà, góp phần làm nên thương hiệu chung cho ngành Chè Thái Nguyên.
Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê cũng như sự thành bại của người trồng cà phê sau một năm vất vả chăm sóc, bảo vệ. Nhưng hiện vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi nước tưới phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, hiện nay là thời điểm sâu bệnh gây hại trên cây điều phát triển mạnh. Các loại sâu hại phổ biến là: Sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi, bệnh thán thư... gây hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chỉ tính từ ngày 22 đến ngày 28-10, diện tích bị bọ xít muỗi gây hại trên cây điều trong tỉnh là 108 ha, trong đó mức độ nhẹ 98 ha, trung bình 10 ha (tăng 9 ha so với kỳ trước). Do vậy, nông dân cần chú ý bọ đục chồi trong thời gian tới.
Mía và sắn là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Ngành Nông nghiệp của huyện đang tiến hành đưa các bộ giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt là cây sắn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.
Với nhiều nông dân không có đất sản xuất, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân như những chú ong miệt mài tìm mật bằng cách thuê vườn cao su non chưa khép tán để trồng hoa màu.