Khá Lên Nhờ Ương Nuôi Cá Lóc Giống
Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi cá lóc mà anh Thái Văn Luông (39 tuổi, ngụ ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú - An Giang) đã khá lên. Có được sự thành công ban đầu, anh mua đất đầu tư mở rộng mô hình ương nuôi cá lóc giống cũng mang lại hiệu quả cao.
Về ấp Khánh Lợi hỏi nhà anh Luông thì hầu như ai cũng biết. Bởi, anh là nông dân nòi rất chịu làm ăn và ứng dụng hiệu quả mô hình ương nuôi cá lóc giống, giúp bà con nghèo trong xóm học hỏi để vươn lên trong cuộc sống. Ngồi bên ao cá lóc giống đang đến ngày xuất bán, anh tâm sự: “Quê gốc ở xã Hòa Lạc (Phú Tân), gia đình rất khó khăn nên tôi đi làm thuê mướn phụ tiếp gia đình. Lập gia đình xong, tôi về quê vợ thuê hầm đầu tư nuôi cá lóc thương phẩm.
Ban đầu, thị trường đầu ra của con cá lóc bấp bênh nên tôi lâm nợ…”. Quyết không bỏ nghề, anh Luông tiếp tục vay nóng vốn bên ngoài để đầu tư nuôi cá lóc giống. Sau 4 đến 5 tháng, anh xuất bán có lời, do đúng với thời điểm thị trường đầu ra của cá lóc khởi sắc. “Trước thời điểm tôi nuôi cá thì lượng cá đồng không còn nhiều, các cơ sở làm mắm ở Châu Đốc phải tìm đến nguồn nguyên liệu cá lóc nuôi nên cá được giá. Thấy vậy, tôi mua lưới về may mùng để đầu tư mở rộng diện tích nuôi.
Nào ngờ, khi cá lớn thì giá cả lại sụt giảm, do có nhiều người bỏ nuôi cá tra chuyển sang nuôi cá lóc dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Năm đó, bán xong đàn cá tôi lỗ cả trăm triệu đồng nên dự tính bỏ nghề. Tuy nhiên, sau đó thị trường cá lóc bất ngờ lên giá, vì nhiều cơ sở sản xuất khô trong và ngoài tỉnh hình thành rất cần nguồn nguyên liệu cá lóc. Thời điểm này, tôi không nuôi cá lóc thương phẩm mà chuyển sang ương nuôi cá lóc giống để cung ứng cho nông dân”, anh Luông kể.
Để nuôi cá giống, anh Luông mua 1 công đất vườn tạp, đào 30 cái vuông, mỗi vuông anh cho thả 1 cặp cá lóc bố mẹ. Cứ sau mỗi tháng ương, anh xúc cá con mỗi vuông khoảng 4kg, bán với giá 400.000 đồng/kg, bỏ chi phí kiếm lời gần 1 triệu đồng/vuông. Chỉ với một công đất đào vuông, mỗi tháng anh thu nhập ít nhất 25 triệu đồng. “Hồi ấy, dường như rất ít người ương nuôi cá lóc giống, ở xã Khánh Hòa chỉ có tôi là một trong những người đầu tiên ương nuôi thành công cá lóc giống.
Muốn ương cá lóc giống hiệu quả đòi hỏi phải học hỏi kinh nghiệm cộng với khéo léo thì mới làm giàu. Cũng có nhiều người chân ướt chân ráo thấy người ta làm được thì cứ làm theo nên bị thua lỗ hoài do chưa nắm vững kỹ thuật. Riêng tôi thì làm lâu năm nên biết được đặc tính và quá trình sinh sản của con cá lóc. Khi cá lóc bố mẹ cho sinh sản, khâu chăm sóc ban đầu thành công sẽ quyết định đến sự thành bại của nghề ương nuôi cá lóc”, anh Luông nói.
Anh Luông cho biết thêm: “Khi cá con mới sinh, tìm nguồn thức ăn rất khó. Ban đầu, chúng tôi phải đánh trứng gà so cho cá ăn. Sau khoảng tuần lễ, mới bắt đầu cho ăn trứng nước. Khi đàn cá chuyển sang màu đỏ tăng cường phối trộn cá biển xay nhuyễn và trứng nước để bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn cá. Sau khoảng 20 ngày, dùng lưới xúc tách đàn cá con khỏi cá bố mẹ đem vỗ béo đạt kích cỡ khoảng bằng đầu đũa ăn thì đem bán giống. Hiện nay, tôi đầu tư mua thêm 10 công đất gần đó và đào hàng trăm cái vuông để tăng lượng cá lóc bố mẹ. Mỗi tháng tôi xuất bán, kiếm lời hàng chục triệu đồng, có tháng lời hơn 100 triệu đồng, tùy thuộc vào thời điểm của thị trường”.
Thành công trong sản xuất, anh Thái Văn Luông nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật ương nuôi cá lóc giống cho mọi người. Không dừng lại ở đó, anh còn kiêm luôn cái nghề thu mua cá lóc giống ở địa phương đem phân phối cho những hộ chăn nuôi ở khắp các tỉnh, thành.
Related news
Một số ý kiến cho rằng nên phân cấp thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật cho Chủ tịch UBND huyện, xã nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh bởi công tác chống dịch mà chờ đến hết “quy trình hành chính” để đến với Chủ tịch tỉnh là quá chậm, dịch có thể bùng phát nhanh gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Những ngày này, về các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú tại xã Ninh Phú như: Hang Dơi, Tiên Du 1, Hội Phú Nam… đến đâu, chúng tôi cũng nghe nông dân than khi nói đến chuyện con tôm. Ông Võ Thanh Tuấn đến vùng Hang Dơi thuê khoảng 1ha để thả nuôi tôm thẻ chân trắng đã mấy năm nay.
Trong tháng 10, diện tích nuôi thả cá tra trên toàn tỉnh Đồng Tháp là 138ha, sản lượng thu hoạch 36 ngàn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Hiện giá cá tra ở mức 23.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá kích cỡ 0,7 - 0,8kg/con. Mức giá này tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm trước.
Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Tại tỉnh Cà Mau, tình trạng kinh doanh mặt hàng tôm có chứa tạp chất đã giảm đến 90% khi các công ty, xí nghiệp đồng loạt không thu mua các mặt hàng tôm chứa tạp chất.
Trong khi nhiều hộ nông dân còn đang loay hoay tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp thì không ít người đã tự tìm ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định cho gia đình. Mô hình trồng rong sụn kết hợp với nuôi cá ngựa của nông dân Lê Văn Hoàng, ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) là một hướng mới.