Ngày hội xuống đồng

* Yên Bái cầm chắc 350 tỷ vụ đông
Như ngày hội, không chỉ người dân mà cả bí thư, chủ tịch tỉnh đều xắn quần xuống ruộng…
Cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn là nơi phát động ra quân SX vụ đông. Sau những ngày mưa sụt sùi, trời hôm nay nắng bừng lên, con đường chạy dọc qua cánh đồng Mường Lò cờ bay rợp trời, người dân các xã Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn… đổ về Bản Lọng, xã Phù Nham. Hôm nay là ngày chủ nhật, không chỉ người lớn mà còn có rất nhiều trẻ em và người già cũng đến tham dự.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà cùng lãnh đạo các sở, huyện, thị xã và thành phố cũng có mặt, điều đó khẳng định tỉnh Yên Bái rất coi trọng SX vụ đông.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch tỉnh Yên Bái (trái) đặt bầu ngô vào các hốc đất
Vụ này Yên Bái dự kiến gieo trồng 10.000 ha, bao gồm 6.000 ha ngô, trong đó ngô trên đất 2 lúa là 3.950 ha, đất soi bãi 2.050 ha, năng suất dự kiến 31 tạ/ha, sản lượng 18.600 tấn; khoai lang 1.300 ha, năng suất dự kiến 50 tạ/ha, sản lượng 6.500 tấn; rau đậu các loại 2.700 ha, năng suất dự kiến 120 tạ/ha. Giá trị thu nhập bình quân 35 triệu đ/ha, với 10.000 ha cây trồng vụ đông năm nay, Yên Bái cầm chắc 350 tỷ đồng.
Người dân các xã tham gia ngày hội xuống đồng làm vụ đông
Ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Kế hoạch tỉnh giao cho Trấn Yên gieo cấy 1.120 ha cây vụ đông, chúng tôi phấn đấu vượt 100 ha. Hiện đã giao kế hoạch cho các xã. Vụ đông năm nay xã nào cũng đăng ký vượt chỉ tiêu…".
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái:
"Yên Bái có 80% dân số sống bằng nghề nông, trong khi đó hiệu quả SX nông nghiệp trên một đơn vị diện tích hiện chưa cao.
Đưa cây vụ đông trên đất hai lúa phải là vụ SX chính, đây là mắt xích quan trọng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy tăng trưởng giá trị nông nghiệp theo yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…".
Huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ là hai địa phương làm vụ đông sớm nhất tỉnh. Từ 5/9 nhiều hộ đã xuống bầu ngô ở các chân ruộng hai vụ. Tới ngày 20/9 hơn 500 ha cây vụ đông của TX Nghĩa Lộ đã cơ bản xuống giống.
Ông Chu Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Nghĩa Lộ cho hay: "SX vụ đông đã trở thành truyền thống của người dân ở đây, chúng tôi có ngăn họ cũng không được.
Bởi cây vụ đông đã trở thành cây trồng truyền thống của người dân chúng tôi rồi. Không một thửa ruộng nào có thể trồng cây vụ đông mà bỏ hoang. Cây ngô vụ đông cho người dân nhiều thứ: Hạt phục vụ chăn nuôi, lá cho trâu bò ăn hoặc ném xuống ao nuôi cá, thân và lõi ngô làm củi đun…".
Ông Đinh Văn Tỉa ở bản Lọng, xã Phù Nham cho biết: "Gia đình tôi trồng hơn 1.000 m2 ngô đông, mỗi năm thu hơn 3 tạ. Ruộng ở đây xa nhà quá và hơi trũng, nếu ở gần thì gia đình tôi sẽ trồng cà chua hoặc rau màu. Những gia đình trồng cà chua thu nhập gấp 4 - 5 lần trồng ngô. Nhìn thấy họ trồng cà chua mà mình thèm bác ạ…".
Để khuyến khích người dân SX vụ đông, tỉnh Yên Bái đã trích ngân sách địa phương hỗ trợ 30% giá ngô lai trên đất hai vụ lúa. Tổng kinh phí hỗ trợ 1,79 tỷ đồng.
Các giống ngô lai có tiềm năng năng suất cao được hỗ trợ như NK4300, DK6919, B06, AG59, BioSeed9698, LVN885, LVN25, LVN99, SB099, NK66, NK67…
Sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh, huyện và xã đều xắn quần lội ruộng cùng người dân trồng ngô trên đất hai lúa. Không khí ngày hội xuống đồng trên cánh đồng Mường Lò thật sôi động và náo nhiệt.
Related news

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, bao gồm các hình thức nuôi như quảng canh trong hồ chứa thủy lợi, nuôi trong ao, nuôi thả lồng trong các hồ chứa, nuôi trong ao lót bạt và nuôi trong ruộng lúa

Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nổi tiếng về nghề làm bánh chưng truyền thống. Nhờ nghề này, Vĩnh Hòa đã trở thành làng giàu có bậc nhất huyện Yên Thành.

Khai thác dừa nước là một truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á khi mà một bộ phận khá lớn cư dân các vùng duyên hải Tây Thái Bình Dương lấy nước dừa làm nguồn thu nhập chính. Ở Philippines, 93% cồn và rượu được sản xuất chủ yếu từ dừa nước trong năm 1910, sản lượng lúc đó đã lên đến 90.000 lít (Gibbs, 1911). Giấm dừa nước là nguyên liệu tuyệt vời chế biến các món ăn hấp dẫn nơi các nhà hàng Thái Lan và Philippines

Năm 2012, Tiền Hải (Thái Bình) tổ chức nuôi trồng thủy - hải sản trên tổng diện tích 4.333 ha. Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, trong quý I các địa phương đã chuẩn bị tốt cho vụ nuôi trồng, tiến hành nạo vét kênh mương, cải tạo toàn bộ diện tích ao đầm, lấy nước và đảm bảo cung ứng đủ giống cho người nuôi đúng thời vụ.

Tuy nhiên, do phải bảo quản giống với thời gian dài (6-7 tháng), mặt khác hạt giống lạc lại có hàm lượng dầu cao dễ biến chất làm mất sức nẩy mầm dẫn đến nhiều khi thiếu giống, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch gieo trồng lạc xuân hàng năm. Từ kết quả đề tài "Nghiên cứu phát triển vụ lạc thu đông với các tỉnh phía Bắc" của Viện KHKTNN Việt Nam đến nay nhiều địa phương đã áp dụng thành công TBKT này nhằm chủ động cung cấp đủ giống lạc cho vụ lạc xuân.