Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngành Cao Su Điêu Đứng Vì Thị Trường Trung Quốc

Ngành Cao Su Điêu Đứng Vì Thị Trường Trung Quốc
Publish date: Thursday. August 28th, 2014

Đầu mối giảm thu mua, giá rớt mạnh, khiến doanh nghiệp và người trồng gặp khó khăn vì lâu nay lệ thuộc thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một công ty chuyên về trồng và xuất khẩu cao su ở TP HCM cho biết 6 tháng đầu năm nay giá cao su xuất khẩu liên tục giảm khiến đơn vị lỗ gần 200 tỷ đồng. Nếu năm ngoái giá mủ cao su ở mức 96 triệu đồng một tấn thì đến cuối tháng 8 năm nay chỉ còn 48 triệu đồng.

"Để duy trì, doanh nghiệp buộc phải lấy lợi nhuận từ lĩnh vực khác bù đắp", lãnh đạo trên bộc bạch.

6 tháng đầu năm công ty mới chỉ xuất được 830 tấn, giảm 51% so với cùng kỳ. Lâu nay 80% cao su của công ty xuất qua Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây thị trường này luôn đưa ra nhiều chính sách làm khó doanh nghiệp nhập khẩu, khiến lượng hàng bị siết chặt hơn.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gần đây không còn quan tâm đến việc ký hợp đồng kỳ hạn với đối tác Việt Nam, nên việc mua bán rất chập chờn.

Nhiều công ty cao su khác cũng giảm lãi mạnh. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Công ty cổ phần cao su Đồng Phú (Mã CK: DPR) cho thấy, 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế 74,8 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ 2013.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận thấp là giá cao su giảm gần 30% so với cùng kỳ. Mức bán bình quân quý II chỉ 39,3 triệu đồng một tấn, thấp hơn so với kế hoạch đề ra và giảm mạnh so với 2013 là 55,7 triệu đồng một tấn.

Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (TNC) chỉ đạt doanh thu 30,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 73,8 tỷ đồng. Nguồn thu từ mủ cao su nửa năm chỉ đạt 22,9 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng công ty, theo đó, chỉ đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 55,3% so với năm ngoái. Vì vậy, Hội đồng quản trị đơn vị này đã thông qua nghị quyết điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kế hoạch năm nay, doanh thu từ 119 tỷ đồng hạ xuống còn 93,3 tỷ đồng, lợi nhuận thay vì 27 tỷ đồng giảm còn 15 tỷ đồng.

Theo giải thích của lãnh đạo công ty, nguyên chính là thị trường biến động, giá giảm mạnh, TNC lại không ký được hợp đồng kỳ hạn với mức giá cố định với doanh nghiệp nhập khẩu.

Ít bấp bênh hơn các công ty trên, lại không quá phụ thuộc ở thị trường Trung Quốc, nhưng một số đơn vị khác cũng sụt giảm lãi 10-30% so với cùng kỳ.

Điển hình như Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (Mã CK: PHR), đơn vị trong nhóm đứng đầu về quy mô trồng và xuất khẩu cao su, nhưng 6 tháng đơn vị này cũng chỉ đạt 120 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, 2013, lợi nhuận của PHR đã giảm tới 40% so với 2012.

Hay Công ty cổ phần cao su Tây Ninh (Mã CK: TRC), 6 tháng đầu năm chỉ đạt 68 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 30% so với nửa năm ngoái.

Riêng Công ty cổ phần cao su Hòa Bình (Mã CK: HRC) là đơn vị duy nhất trong nhóm có lợi nhuận nửa đầu năm tăng trưởng 20% so với cùng kỳ là 30 tỷ đồng lãi sau thuế. Tuy nhiên, con số lợi nhuận trên lại từ hoạt động thanh lý vườn cây cao su, còn hoạt động chính lỗ thuần 490 triệu đồng do giá bán cao su và sản lượng khai thác đều giảm

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm là 451.000 tấn, đạt kim ngạch 828 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… đều giảm mạnh. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm trên 50%. Giá bán mủ cao su bình quân của các doanh nghiệp cũng chỉ dao động quanh mức 39-40 triệu đồng một tấn.

Trước khó khăn kéo dài này, người trồng cao su ở một số địa phương có thế mạnh đang rất khó khăn, nhiều hộ không cầm cự được đã phải chặt bỏ. Riêng tại Đắk Nông, tính đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ tổng cộng 359,39 ha cao su, nhiều nhất là ở các huyện Đắk Rlấp (212 ha), Đắk Song (83 ha), Tuy Đức (32 ha), Krông Nô (23,5 ha)… Nhiều hộ thậm chí chặt bỏ cả vườn cây mới 4-6 năm tuổi.


Related news

Thăm Vùng Rau Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Đầu Tiên Của Đà Nẵng Thăm Vùng Rau Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Đầu Tiên Của Đà Nẵng

Khác với vẻ tĩnh mịch của không gian ven sông Cẩm Lệ trước đấy, thì nay có thể dễ dàng bắt gặp ngay không khí nhộn nhịp, vui vẻ, với hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau của bà con nông dân nơi đây từ lúc tờ mờ sáng.

Monday. April 28th, 2014
Quýt Lỡ Vụ Hiệu Quả Kinh Tế Cao Quýt Lỡ Vụ Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Do ảnh hưởng của thời tiết, làm 6.000m2 quýt hồng của ông Lê Ngọc Bích ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung bị rụng gần hết. Bao nhiêu công sức, tiền của tập trung cho mùa quýt mới coi như đổ sông, đổ biển. Sau vụ quýt bị thất bại, ông Bích tìm cách để vớt vát lại. Ông mua màng phủ nông nghiệp che toàn bộ các gốc quýt đã bị rụng bông này nhằm tránh mưa và xử lý cho ra hoa tiếp.

Monday. April 28th, 2014
Mỗi Năm Thu Nhập 300 Triệu Đồng Từ Vườn Vú Sữa Lò Rèn Mỗi Năm Thu Nhập 300 Triệu Đồng Từ Vườn Vú Sữa Lò Rèn

Ông Võ Văn Nam, cư ngụ tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành - một trong những nơi được xem là "phát tích" của cây vú sữa Lò Rèn - thương hiệu cây ăn quả độc đáo của Tiền Giang đang được khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Monday. April 28th, 2014
Điện Biên Được Mùa Đào Điện Biên Được Mùa Đào

Vào những ngày này, bà con các xã Mường Phăng, Pa Khoang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đang thu hoạch đào Pháp trong niềm vui phấn khởi vì đào được mùa, được giá.

Monday. April 28th, 2014
Đồng Tháp Phát Triển Bền Vững Chuỗi Giá Trị Xoài Đồng Tháp Phát Triển Bền Vững Chuỗi Giá Trị Xoài

Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững chuỗi giá trị xoài”. Tham gia hội thảo có đại diện các doanh nghiệp thu mua và chế biến xoài từ Tiền Giang và TP.Hồ Chí Minh cùng với nông dân sản xuất và chủ vựa xoài trong tỉnh Đồng Tháp.

Monday. April 28th, 2014