Nấm Bệnh Hành Cây Ca Cao Ở Đồng Nai
Vài năm trở lại đây, phong trào trồng cây ca cao diễn ra khá rầm rộ ở nhiều huyện trong tỉnh Đồng Nai. Có những chủ vườn phá cả vườn điều, vườn cây ăn trái, cà phê… để dành đất cho cây ca cao “dụng võ”. Thế nhưng đến thời kỳ khai thác, cây lại bị nấm phytophthora “hành”.
Phytophthora là loại nấm có khả năng phát tán và sức hủy hoại mạnh, đã làm sụp đổ biết bao nhiêu vườn tiêu với bệnh chết nhanh, chết chậm và làm “chết đứng” khá nhiều những vườn cây ăn trái, đặc biệt là bưởi và sầu riêng với tên bệnh xì mủ trên thân và rễ. Ngay cả những vườn cây công nghiệp lâu năm, như: điều, cao su cũng bị làm cho khốn đốn, và đến nay thì những vườn ca cao đang “chịu trận”.
* Có trái nhưng không thu hoạch được
Nhắc đến cây ca cao, ông Nguyễn Văn Lập ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán) lắc đầu ngao ngán. Ông vừa phải chặt bỏ 0,7 hécta ca cao ở năm thứ 5 trồng xen trong vườn chôm chôm. “Nghe nói ca cao trồng xen trong tán cây ăn trái rất được, tôi mua về trồng để lỡ chôm chôm có mất mùa thì còn có ca cao, nhưng rồi thất bại”, ông Lập nói. Vườn ca cao được chăm bón tốt nhưng trái ra đến đâu hư tới đó. Hai năm trời, lượng trái mà ông thu hoạch không đủ chi phí đầu tư. Ông Lập cho biết, nhiều người khác cũng bị tình trạng này, song đến nay vẫn không trị được, ông đành chặt bỏ ca cao để tập trung chăm sóc cho chôm chôm.
Cũng ở xã Túc Trưng, ông Nguyễn Văn Bảo đang hồi hộp với vườn ca cao 1 hécta đã trồng được 6 năm của mình. Vườn ca cao của ông Bảo cũng được trồng xen trong điều. Khi năng suất cây điều thấp, ông đã chặt bỏ điều để tạo điều kiện cho ca cao phát triển tốt, nhưng từ đầu năm 2011 tới nay, ông ngậm ngùi nhìn trái ca cao bị thối, hái đổ đi đầy vườn. Ông Bảo chia sẻ: “Nóng ruột quá, tôi đến nơi cung cấp giống (công ty ở TX.Long Khánh) để hỏi về bệnh này và được giải thích là bệnh bã trà, về nhà đi mua thuốc trị hoài cũng không hết. Mới đây, tôi đi mua hết gần 5 triệu đồng tiền thuốc Agrifos về xịt. Trong vòng 45 ngày tôi xịt tới 3 đợt, hiện tại trái non ra không còn thấy bị nấm nữa, hy vọng sẽ thoát được”.
Không chỉ ở Túc Trưng (huyện Định Quán) mà những huyện khác, như: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú… nhiều nhà vườn cũng đang bối rối trước tình trạng ca cao bị nấm phytophthora hoành hành gây thất thu. Ông Đặng Trường Khanh, Phó giám đốc Công ty ca cao Trọng Đức ở huyện Định Quán cũng cho biết, chỉ riêng diện tích ca cao do doanh nghiệp đầu tư hiện nay bị giảm tới vài trăm hécta do người dân chặt bỏ. “Năm 2013, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn cho vấn đề kỹ thuật để giúp nhà vườn ổn định được với cây ca cao. Hiện nay cây ca cao đang bị “mất uy tín” do nấm phytophthora gây nên”, ông Khanh nói.
* “Sống chung” với nấm
Thạc sĩ Trần Thị Phương Chi, cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, nấm phytophthora có thể phát tán qua đường nước chảy và phát triển khá mạnh vào mùa mưa khi độ ẩm cao. Trong tỉnh, diện tích trồng cây cao su, điều và cây ăn trái nhiều nên khả năng phát tán loại nấm này rất lớn, chính vì vậy phải chấp nhận “sống chung” với chúng và dùng những biện pháp phòng, chống để ngăn chặn. Thạc sĩ Chi cũng đưa ra một số phương pháp cơ bản buộc các chủ vườn ca cao phải thực hiện, như: vườn ca cao xử lý không cho đọng nước; tán cây cắt tỉa thoáng không để rậm rạp, làm tăng độ ẩm vì sẽ là cơ hội cho loại nấm này phát triển. Ngoài ra, những cành, trái bị bệnh phải được cắt bỏ gom ra khỏi vườn; cây bị nhiễm bệnh dùng một số loại thuốc chuyên trị nấm phytophthora bán trên thị trường để xử lý (chích vào cây hoặc quét lên những chỗ bị thương của cây); sử dụng nấm trichoderma để khống chế; xịt thuốc phòng định kỳ thường xuyên.
Cùng quan điểm đó, ông Khanh cũng cho rằng, việc chăm sóc ca cao không đơn giản như nhiều người nghĩ, ngay cả việc bón phân cũng phải hợp lý. Nếu chủ vườn bón phân có nhiều đạm quá cũng là cơ hội cho loại nấm này phát triển. Do là trồng xen canh dưới các tán cây nên việc phòng chống nấm phytophthora trong các vườn ca cao lại càng đòi hỏi chủ vườn phải nắm bắt tốt kỹ thuật.
Diện tích cây ca cao hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 2 ngàn hécta, được trồng nhiều ở các huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TX.Long Khánh.
Related news
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng, hiện toàn huyện có 73 hộ nuôi động vật hoang dã với tổng số 14 loài, tổng đàn 5.137 con. Trong đó, loài động vật hoang dã được nuôi nhiều nhất ở Dầu Tiếng là cá sấu với 2.385 con.
Theo Sở Công thương: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang xuất khẩu 66,7 ngàn tấn cá tra, đạt kim ngạch 156,2 triệu USD, bằng 88,9% về trị giá so cùng kỳ. Giá xuất khẩu cá tra bình quân 2.443 USD/tấn, cao hơn cùng kỳ khoảng 30 USD/tấn.
Điều đáng mừng là năm nay, bà con thu hoạch lúa đến đâu, thương lái mua hết đến đó. Nhiều diện tích lúa được thương lái bỏ tiền đặt cọc trước nhiều ngày.
Vụ ớt năm nay nông dân Kbang được mùa, bội thu, khắp hai bên đường đi vào huyện, đâu đâu cũng thấy nhiều hộ nông dân phơi ớt đỏ rực. Nhưng đối lập với màu đỏ vui tươi của ớt được mùa, là không khí không mấy vui của nông dân Kbang, bởi điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay.
Năm 2014, tổng diện tích dưa hấu trên địa bàn huyện Bát Xát khoảng 60 ha. Trong đó, dưa hấu được trồng nhiều nhất ở các xã: Phìn Ngan (30 ha), Quang Kim (20 ha), diện tích còn lại được trồng rải rác ở các xã: Bản Qua, Cốc San, Toòng Sành. Năm nay, cây dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 12 tấn/ha, tổng sản lượng dưa hấu toàn huyện đạt khoảng 720 tấn.