Thiếu Vốn Tái Canh Cà Phê
Những năm gần đây, người dân, các doanh nghiệp địa phương đã tiến hành tái canh vườn cà phê già cỗi nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì nó đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe và nguồn vốn đầu tư lớn.
Tây Nguyên là thủ phủ cà phê của cả nước với tổng diện tích trên 500.000ha, trong đó tỉnh Đắk Lắk có diện tích đứng đầu khu vực với trên 190.000ha. Tại Đắk Lắk hiện có 50.000ha cà phê đang bước vào giai đoạn già cỗi, hiệu quả kinh doanh thấp.
Tái canh còn ít
Gia đình ông Hoàng Văn Lâm (ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) có 2ha cà phê. Nhờ trồng loại cây này trong vài chục năm qua mà cuộc sống gia đình ông trở nên khá giả. Hiện một nửa diện tích cà phê của gia đình ông Lâm đã già cỗi, muốn nhổ bỏ trồng lại nhưng lại thiếu vốn đầu tư.
“Tôi có 1ha cà phê đã già cỗi cho năng suất chỉ còn 1,4 tấn/vụ, muốn phá để trồng lại nhưng chưa làm được vì tốn kém lắm. Chi phí trồng lại phải mất tới ít nhất 150 triệu đồng/ha, trong khi đó hơn 3 năm sau mới cho thu hoạch. Vì thế, gia đình tôi đang phải chờ vay ngân hàng với lãi suất thấp để trồng lại”
Bắt đầu trồng cà phê từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Đệ (ở xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) có 3ha cà phê. Cách đây 1 năm, gia đình ông nhổ bỏ hơn 1,5ha cà phê có độ tuổi gần 30 năm để trồng lại.
Mặc dù đã tốn kém khá nhiều chi phí và công chăm sóc, nhưng tỷ lệ cây sống chỉ đạt 20%, nên phải trồng xen các loại hoa màu để đỡ lãng phí đất. Theo ông Đệ, trong thời kỳ tái canh vườn cà phê cái khó khăn nhất là vốn. “Tái canh rất khó lên vì đất đã nhiễm bệnh rồi.
Trong khi đó, chi phí trồng lại tốn gấp đôi so với trồng mới. Chúng tôi mong ngân hàng cho vay vốn ưu đãi tái canh vườn cà phê với thời hạn trên 3 năm thì lúc đó cây cà phê mới cho thu hoạch và trả được nợ” - ông Đệ chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Báu (ở xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) có 2ha cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém nhưng vẫn không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư tái canh cà phê. Theo ông, khi tái canh theo đúng quy trình kỹ thuật, sau 3 - 4 năm mới cho thu hoạch trong khi không biết giá cà phê có ổn định trong tương lai hay không.
Do thiếu vốn, tổng diện tích cà phê được tái canh ở Tây Nguyên còn ít. Vào năm 2012, tỉnh Đắk Lắk tái canh được 2.644ha, đến năm 2013 tái canh được 3.643ha. Tại tỉnh Đắk Nông, có khoảng 24.658/117.000ha cần phải tái canh vì đã trên 20 năm tuổi. Nhưng trong 3 năm qua, tỉnh chỉ tái canh được hơn 2.000ha.
Còn ở Gia Lai, từ nay đến năm 2020 tỉnh phải tái canh khoảng 27.000ha cà phê, chiếm trên 30% tổng diện tích. Đến nay, Gia Lai cũng chỉ mới tái canh được hơn 2.000ha. Chỉ có tỉnh Lâm Đồng (diện tích cà phê đứng thứ 2 Tây Nguyên với khoảng 150.000ha) tái canh được nhiều nhất với diện tích cà phê tái canh hơn 8.500ha.
Chưa tiếp cận được vốn
Việc tái canh vườn cà phê là vấn đề cấp thiết để ngành cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững, nhưng hiện người dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để cải tạo vườn cà phê.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết: Ngân hàng NN-PTNT đã thông qua gói tín dụng 8.000 - 10.000 tỷ đồng trong chương trình tái canh cà phê để cho vay tái canh giai đoạn 2013 - 2015 tại các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng thực tế, số lượng vốn giải ngân còn hạn chế vì lãi suất vay còn cao và yêu cầu cho vay tái canh là phải thanh lý vườn cây trong 2 năm.
Còn theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, mức đầu tư tái canh đã tăng lên từ 100-150 triệu đồng/ha. Trong khi đó, Ngân hàng NN-PTNT chỉ tham gia cho vay tái canh tối đa 80%, phần còn lại là vốn tự có của các hộ dân, vì vậy dẫn đến việc các hộ dân thiếu vốn tái canh cà phê.
“Tái canh diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém hiệu quả là vấn đề cấp thiết, nhưng do người nông dân thiếu vốn nên chưa thay thế được. Trong khi đó, việc giải ngân vốn cho vay để tái canh còn chậm, không kịp thời, lãi suất cao và nông dân khó tiếp cận. Đề nghị Ngân hàng NN-PTNT nghiên cứu hạ lãi suất cho vay phù hợp, thủ tục vay thuận tiện để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn” - ông Bộ đề xuất.
Related news
Thuộc vùng “an toàn” không có dịch cúm gia cầm (CGC) H5N1, nhưng những con “đặc sản” như gà móng, gà Đông Tảo, gà chín cựa, chim trĩ… vẫn bị “vạ” oan khi giá liên tục giảm, khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Hàng ngày, vào thời điểm mà hầu hết mọi người đều đang ngon giấc thì có những người lao động phải tất bật sửa soạn hàng hóa từ giữa khuya để kịp phiên chợ sớm trong thành phố. Bất kể đêm sương gió lạnh, họ vẫn đều đặn thực hiện công việc của mình trước khi trời sáng.
Nắng nhiều cộng thêm có nước giúp cây trồng ở Bắc Bình phát triển ở thế tốt nhất có thể nhưng cũng đồng thời góp phần quyết định việc thiếu nước, khi nguồn nước ở các hồ thủy lợi đều tùy thuộc vào tình hình phát điện của thủy điện Đại Ninh...
Nuôi tôm sú - cua - cá kết hợp là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản phổ biến ở ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp và dịch bệnh phát sinh.
Các nhà khoa học thuộc viện Thuỷ điện và năng lượng tái tạo đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị tạo nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng mặt trời.