Mùa Quýt Đắng
Hiện nay, nông dân trồng quýt đường trên địa bàn huyện Long Mỹ đang bước vào thu hoạch quýt đường chính vụ. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp của những năm trước, vụ quýt năm nay, nhà vườn đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán liên tục sụt giảm, thương lái hạn chế thu mua, khả năng sẽ đối mặt với mùa quýt “đắng”.
Mấy ngày qua, ông Võ Văn Thắt, ở ấp 8, xã Long Trị đứng ngồi không yên vì 3 công quýt của gia đình (gần 1 tấn trái) đã đến ngày thu hoạch, nhưng việc kêu bán gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là do thương lái trả giá quá thấp.
Ông Thắt cho hay: “Hiện thương lái vào vườn xem quýt và chỉ ngã giá 17.000 đồng/kg, với giá này thì coi như không có lợi nhuận. Bởi, giá cả phân bón ngày càng tăng, nhất là tình hình dịch bệnh trên cây quýt ngày một nhiều nên đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Do đó, giá thu mua thấp gì cũng ở mức 20.000 đồng/kg thì nông dân mới tạm sống được, còn giá hiện tại thì rất khó bán”.
Cùng hoàn cảnh trên, khi 8 công quýt của anh Phạm Văn Phúc (nhà gần ông Thắt) đã chín vàng cây nhiều ngày qua nhưng vẫn chưa thể bán được. Anh Phúc cho biết: “Tôi trồng quýt gần 10 năm nay, chưa có vụ nào mà giá quýt giảm “chóng mặt” và khó bán như vụ này.
Cách nay khoảng 1 tháng, giá quýt còn dao động từ 35.000-38.000 đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi vì nghĩ rằng vào thời điểm này giá sẽ còn cao, nhưng ai ngờ lại giảm mạnh. Hiện chỉ mới vào đầu vụ mà giá đã giảm như thế này, thì đến lúc thu hoạch rộ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn”.
Do giá thấp và chưa thấy có lợi nhuận nên khoảng 5 tấn quýt của anh Phúc tuy đã chín, nhưng anh vẫn để trên cây và cố gắng neo thêm một thời gian nữa với hy vọng giá sẽ được cải thiện. “Trước tình hình bùng phát dịch bệnh trên cây quýt như hiện nay, để có được trái quýt để bán, nhà vườn phải đổ nhiều mồ hôi, công sức.
Đến ngày thu hoạch, mong bán được giá để phần nào bù đắp, nhưng ai ngờ giá quá thấp. Nhìn quýt chín trên cây nhưng không bán được thì thử hỏi ai mà không đau lòng. Nhưng cũng cố gắng chờ xem có lên được chút nào hay chút đó” - anh Phúc buồn bã cho biết thêm.
Qua khảo sát, hiện thương lái mua quýt loại 1 (tại vườn) chỉ có giá 16.000-17.000 đồng/kg, loại 2 từ 14.000-15.000 đồng/kg, giảm 8.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ, còn so với thời điểm cách nay khoảng 1 tháng thì giảm đến 15.000-20.000 đồng/kg.
Theo một số thương lái mua quýt trên địa bàn huyện Long Mỹ, nguyên nhân giá quýt giảm là do đang vào mùa thu hoạch quýt chính vụ ở nhiều nơi, nhất là vùng quýt đường ở Sa Đéc (Đồng Tháp), từ đó nguồn cung dồi dào dẫn đến tình trạng dội chợ.
Ngoài bị ép giá, hiện còn xuất hiện tình trạng thương lái mua theo hình thức lựa trái quýt, nghĩa là chỉ đồng ý mua những trái quýt loại 1 chứ không mua xô (mua cào bằng), đây là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Với cách mua này đã gây nhiều bức xúc cho người dân.
Theo nhiều nhà vườn trồng quýt tại xã Long Trị, mọi năm, thị trường đầu ra của trái quýt rất thuận lợi. Quýt chín bao nhiêu đều có thương lái mua xô hết bấy nhiêu, không có chuyện đặt điều kiện mua lựa như vụ này. Đặc biệt, thương lái nhiều nơi vào tận đây cạnh tranh mua quýt với lái địa phương, nhưng riêng năm nay, chỉ có lái địa phương nên không tránh khỏi tình trạng nhà vườn bị ép giá, đặt điều kiện trong quá trình thu mua.
Hiện nay, trước áp lực quýt ngày một chín, nếu không sớm thu hoạch thì trái bị rụng, lúc này sẽ khó bán hơn. Ngoài ra, nước lũ đang về, để bảo vệ cây quýt, bên cạnh việc túc trực bơm nước thì cũng cần phải giảm lượng trái trên cây. Do đó, nhiều nhà vườn đã chọn phương án thu hoạch từ từ trong khi chờ giá lên và dùng xe Honda chở đi bỏ mối ở một số chợ lớn như: Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau,…
Ông Võ Văn Thắt thông tin: “Để hạn chế tình trạng quýt bị rụng trái vì quá chín, gia đình tôi đã 2 lần dùng xe Honda chở quýt sang bỏ mối tại một số điểm ở chợ Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (mỗi lần khoảng 150kg), với giá bán 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có thể áp dụng ở những hộ có sản lượng ít, còn về lâu về dài vẫn cần có biện pháp hữu hiệu hơn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Trị Nguyễn Thanh Sang cho biết: Thời gian qua, việc làm thế nào để ổn định đầu ra cho cây quýt đường luôn được các cấp, các ngành của tỉnh và địa phương quan tâm, trong đó đã xây dựng thành công nhãn hiệu quýt đường Long Trị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, nên tình trạng nông dân phải bán quýt trôi nổi và bị thương lái ép giá còn diễn ra, đặc biệt trong vụ quýt này. Hiện trên địa bàn xã đã xây dựng được HTX quýt đường, nhưng chỉ có ở khâu hỗ trợ kỹ thuật và bơm tát.
Hướng tới, địa phương sẽ mở rộng hoạt động của HTX là tổ chức thu mua quýt cho bà con và tiến hành đóng nhãn mác nhằm tìm thị trường đầu ra ổn định và giúp bà con an tâm sản xuất. Nhưng cái khó trong lúc này là HTX đang thiếu nguồn vốn để thực hiện nên rất cần sự quan tâm của các ngành.
Hiện nay, quýt đường Long Trị tuy đã được chứng nhận nhãn hiệu, nhưng việc nông dân chở quýt đi bán dạo hoặc bỏ mối tại các chợ mà không xây dựng được điểm thu mua riêng tại địa phương, đồng thời, thị trường đầu ra đang có dấu hiệu khó khăn, bị thương lái ép giá,… thì nhãn hiệu quýt đường Long Trị liệu có phát huy được hiệu quả. Đây thật sự là vấn đề cần được các ngành chức năng quan tâm và tìm lời giải trong thời gian tới, nếu muốn giữ ổn định vùng quýt đường Long Trị, một trong 10 nông sản chủ lực của tỉnh…
Related news
Nếu tôm cá nuôi không bị bệnh, tất nhiên người nuôi sẽ không sử dụng thuốc để điều trị thì các sản phẩm thủy sản sẽ có cơ hội đáp ứng được yêu cầu về “ An toàn-Chất lượng”.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, qua các xét nghiệm mẫu bùn và mẫu nghêu tại khu vực biển xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho thấy, đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở khẳng định nghêu chết là do bệnh. Do vậy khả năng lớn nhất là độ mặn tăng đột ngột đi kèm với gió chướng thổi mạnh trước và trong thời gian xảy ra hiện tượng nghêu chết.
Còn cá linh nghịch mùa thì lại trở thành hàng đặc sản quý hiếm, có tiền cũng chưa chắc mua được. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, ông Nhãn đã tận dụng 2 ha mặt nước để nuôi cá linh từ năm 2007 đến nay, mỗi năm cá linh của ông nuôi trong ao đều thắng đậm, bán được giá cao mà vẫn không đủ hàng để cung cấp cho thị trường.
Vừa qua, Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) khảo sát các điểm nuôi cá tra thương phẩm và cơ sở sản xuất cá tra bột trên địa bàn huyện để làm cơ sở quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.
Trong tháng 2/2014, nông dân đã thả nuôi vụ tôm mới trên diện tích hơn 30.620ha. Trong đó, nuôi tôm sú công nghiệp - bán công nghiệp hơn 1.030ha, còn lại là thả nuôi với các hình thức khác như: quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp, nuôi tôm thẻ chân trắng...