Mộc Châu (Sơn La) Sản Xuất Rau Sạch, An Toàn
Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện địa lý, những năm gần đây, thương hiệu rau an toàn bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu - Sơn La) đã hình thành và cung cấp ổn định cho thị trường trong tỉnh cùng một số siêu thị lớn tại Hà Nội, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Duyến, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau an toàn bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), phấn khởi: Ngày trước chúng tôi trồng rau nhiều, nhưng chưa kiểm soát được chất lượng; chưa có thị trường tiêu thụ, nên nhiều khi rau bị ế, không bán hết.
Năm 2012, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Sơn La hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, chúng tôi được hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, Chi cục còn giúp tìm kiếm thị trường tiêu thụ chính tại Hà Nội thông qua hệ thống siêu thị như siêu thị Minh Hoa, Fivimart, Co.opmart, OCean Mart, Unimart, Lesmart… Bây giờ rau trồng đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, không còn lo đầu ra như trước nữa.
Bản Tà Niết hiện có một Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn với 14 thành viên trồng 4,7 ha rau các loại. Thời gian qua, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La hướng dẫn các hộ trong Tổ lựa chọn đất canh tác, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống rau theo quy trình VietGAP và nhu cầu thị trường để trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói vận chuyển đi tiêu thụ theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La còn phối hợp với UBND huyện Mộc Châu và các đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận dạng sản phẩm và đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ xuất xứ địa lý sản phẩm “Rau an toàn Mộc Châu”. Từ tháng 11-2013, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn bản Ta Niết đã được Trung tâm Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản vùng I cấp Giấy chứng nhận VietGAP, nhờ đó mà thương hiệu “Rau an toàn Mộc Châu” đã được người tiêu dùng ưa chuộng lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày.
Cũng từ việc chủ động được đầu ra cho sản phẩm, giúp các hộ sản xuất có thu nhập cao và ổn định. Từ đầu năm đến nay, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn bản Ta Niết đã bán ra thị trường được hơn 220 tấn rau, quả các loại; thu hơn 1,3 tỷ đồng; trừ chi phí, bình quân 1ha trồng rau an toàn cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Hiện huyện Mộc Châu đã hỗ trợ thí điểm cho một số hộ dân làm nhà lưới để trồng rau trái vụ.
Cùng với đó, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La đã cử cán bộ chuyên trách giúp Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn bản Ta Niết bảo vệ thương hiệu rau an toàn của Mộc Châu bằng cách tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho tất cả các thành viên trong Tổ thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng theo tiêu chuẩn VietGAP; cấp mã số nông dân cho các hộ sản xuất, mỗi lô hàng xuất bán đều ghi mã số của từng hộ gia đình lên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc khi cần thiết, tránh tình trạng trà trộn giả danh rau an toàn, gắn với trách nhiệm chủ hàng trong trường hợp xảy ra chất lượng rau mất an toàn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, như: chủ lô hàng phải đền bù sức khỏe cho người tiêu dùng và chi phí hủy lô hàng; trường hợp nặng, hộ vi phạm sẽ bị loại ra khỏi Tổ hợp tác sản xuất và công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mộc Châu đang dần trở thành vùng sản xuất rau an toàn lớn ở miền Bắc, đặc biệt là các loại rau trái vụ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, các siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mô hình sản xuất rau an toàn bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Sơn La triển khai thí điểm và rút kinh nghiệm để nhân rộng; đồng thời sẽ xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gắn kết với bản Mai Tiên, xã Mường Bon (Mai Sơn) và Tổ 7, phường Chiềng Sinh (Thành phố).
Nguồn bài viết: http://www.baosonla.org.vn/News/?ID=9677&CatID=75
Related news
Lần đầu tiên nông dân trồng bưởi ở ĐBSCL hết sức phấn khởi khi được Cty Nguyễn Gia (Hà Nội) đứng ra cung cấp vật tư (khuôn), kỹ thuật, đồng thời bao tiêu 100% sản phẩm bưởi bàn tay Phật (còn gọi là bưởi lễ Cát Tường) để tung ra thị trường Tết Ất Mùi sắp tới.
Ngoài ra, đây cũng là nơi tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác Việt Nam và quốc tế mở rộng mối quan hệ hợp tác, nghiên cứu, thị trường buôn bán thủy sản, sản phẩm thủy sản, thuốc thú y thủy sản nhằm mục đích thúc đẩy ngành NTTS tăng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sinh thái. Hội nghị DAA9 sẽ còn tiếp tục đến hết ngày 28/11.
Thời điểm này cũng chứng kiến sự đột phá trong đổi mới tổ chức ngành hàng với sự ra đời của Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Ban này là hỗ trợ Bộ NN-PTNT trong nghiên cứu và đề xuất chính sách, điều phối việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, thông tin và đối thoại, xúc tiến thương mại…
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai An Giang, cho biết: Nhà máy tinh luyện dầu cá tra cao cấp của Tập đoàn vừa đi vào hoạt động, sản phẩm đã có mặt tại thị trường Việt Nam với công suất ban đầu 100 tấn/ngày. Đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới SX dầu thực phẩm từ mỡ cá tra, basa.
Nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chế biến nông, thủy sản ở ĐBSCL cho biết vẫn loay hoay tìm công nghệ thích hợp phát triển sản phẩm từ sơ chế đến tinh chế; bảo quản, đóng gói bao bì để nâng cao giá trị... hoặc có nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm nhưng chưa tìm được địa chỉ hỗ trợ.