Thu Nhập Cao Từ Nuôi Ếch Giống Thái Lan

“Đây là mô hình đáp ứng được nhu cầu cải thiện cuộc sống của nhiều nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất và góp phần giải quyết việc làm. Đây cũng được xem là mô hình lý tưởng giúp nông dân vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống” – anh Trương Văn Ước (ngụ ấp Hòa Bình 3, xã Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) tâm đắc khi nói về nghề nuôi ếch đã giúp gia đình anh đổi đời.
Năm 2006, anh Ước thấy mô hình nuôi ếch giống Thái Lan chi phí đầu tư thấp và kỹ thuật nuôi đơn giản, mà hiệu quả kinh tế lại hấp dẫn nên anh quyết tâm học hỏi để phát triển mô hình này. Tận dụng khoảng sân trước nhà, anh xây dựng 6 chiếc vèo, diện tích 12m2, nuôi thử 60 cặp ếch bố mẹ để phối giống.
Ngay từ lần bán đầu tiên, anh Ước đã mê con ếch Thái Lan vì chỉ sau 40 ngày, lứa ếch giống gần 40.000 con đem về khoản lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Thấy mô hình làm ăn “có lý”, anh quyết định đầu tư tăng số lượng ếch bố mẹ để ép giống, đồng thời không ngừng nghiên cứu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm để cho ra những con ếch giống chất lượng cung ứng cho thị trường. Hiện nay, với 7 vèo nuôi ếch giống Thái Lan, diện tích khoảng 100m2, vụ ếch năm rồi, anh Ước xuất bán 4 đợt với số lượng 140-160 ngàn con ếch giống, sau khi trừ chi phí, thu lợi trên 100 triệu đồng.
Theo anh Ước, chỉ cần diện tích khoảng vài chục mét vuông là có thể tổ chức nuôi ếch, thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, không nên chủ quan cho rằng ếch dễ nuôi, mà không chăm sóc kỹ. Lúc đầu nuôi chưa có mầm bệnh nên ếch phát triển thuận lợi, nhưng chỉ vụ thứ 2 trở đi là ếch bắt đầu bị các loại dịch bệnh, như: Lở loét đỏ chân, sình bụng, mù mắt, quẹo cổ, thân có những đốm trắng tấn công.
Khi mắc các bệnh này, nếu không chữa trị kịp, ếch sẽ chết rất nhanh. Ngoài ra, nòng nọc cũng rất khó chăm sóc, nhất là vào mùa nghịch (tháng 7-10 âm lịch) nên tỷ lệ hao hụt của ếch rất cao.
Do đó, phải thường xuyên theo dõi, nắm được kỹ thuật cơ bản để tránh hao hụt, người nuôi khỏi bị lỗ. Để nuôi ếch đạt hiệu quả, người chưa có kinh nghiệm chỉ nên nuôi dưới 3.000 con mỗi vụ để tiện theo dõi, chăm sóc. Bên cạnh đó, việc làm vèo cũng rất quan trọng, tùy theo số lượng nuôi mà có diện tích lớn hay nhỏ, đặt khung tre phù hợp, lượng nước bên trong cao khoảng 1 tấc là đủ. Bên cạnh đó, cần xử lý nguồn nước thường xuyên, đảm bảo dinh dưỡng, tách ếch bệnh ra khỏi ếch khỏe, không sử dụng chung dụng cụ ếch bệnh với ếch khỏe, ếch chết phải chôn hoặc đốt…
Tự trau dồi kinh nghiệm, vận dụng kỹ thuật ương giống theo mùa thuận - nghịch một cách phù hợp, mấy năm qua, nhờ có mô hình nuôi ếch giống mà cuộc sống gia đình anh Trương Văn Ước luôn ổn định, có điều kiện chăm lo việc học cho các con. Luôn đặt chất lượng lên trên hết, suốt 8 năm qua, cứ có người lại đặt hàng mua ếch giống là anh tỉ mỉ từng khâu kỹ thuật để chăm sóc, cung ứng những con ếch giống khỏe mạnh nhất.
Related news

Trung tuần tháng 11-2014, phóng viên Báo An Giang đến vùng nuôi cá tra xã Hòa Lạc (Phú Tân) tìm hiểu việc ngư dân La Văn Hạp bị Công ty TNHH Phước Phát Lợi (tỉnh Vĩnh Long) lừa mua trên 110 tấn cá tra và quỵt nợ 1 tỷ 126 triệu đồng. Trớ trêu thay, ông Hạp lại bị phạt 9 tháng án tù treo (do ông Hạp ép Giám đốc DN trả nợ- như báo An Giang đã thông tin ngày 17-11), khiến dư luận xôn xao.

Sáng nay (19/11), tại tỉnh Sóc Trăng, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổng Cục thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam”. Đại diện các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của vùng ĐBSCL, các tỉnh ven biển, ngành, hội, các tổ chức Quốc tế có liên quan tham dự.

Hiện nay, diện tích chuyên NTTS ở các vùng triều trên địa bàn tỉnh là 18.050 ha, trong đó, nuôi nước ngọt 10.350 ha; nuôi nước mặn, lợ 7.700 ha. Để hoạt động NTTS của người dân đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ nuôi ngành thủy sản đã phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về các đối tượng nuôi, quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chi cục Nông - lâm sản và Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 20 cơ sở sản xuất khô được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận còn khá nhiều. Đơn vị đang tiếp tục hướng dẫn cơ sở hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định để việc sản xuất khô đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chỉ với những cột "chà" được làm bằng tre và lá dừa thả chìm dưới đáy biển ngư dân ở các xã bãi ngang ven biển Mộ Đức (Quảng ngãi) đã có thể dụ được cá, mực... vào trú ngụ để đánh bắt. Thả "chà" là một "sáng tạo đặc biệt" của những ngư dân vùng bãi ngang từ bao đời nay.