Mô hình trồng cà tím cho thu nhập khá
Xuất thân từ một gia đình khó khăn về kinh tế, đất ít không vốn sản xuất, sau nhiều năm vất vả mưu sinh bằng nghề đi cày thuê, cuốc mướn anh Nguyễn Văn Mười tích góp vốn và mạnh dạng thuê 5 công đất ruộng lên liếp trồng màu. Nhiều năm qua cũng nhờ phát triển nhiều loại cây màu mà cuộc sống gia đình anh Mười đã trở nên khấm khá.
Trên cánh đồng rộng lớn với 5 công đất trồng cà tím hiện tại đang cho thu hoạch cao, phấn khởi với thành quả bước đầu của mô hình đem lại anh Mười nói: “Chỉ mới đầu vụ một tháng nay thôi mà tôi đã thu hoạch gần 3,5 tấn cà bán được giá 4.000-4.500 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập trên 15 triệu đồng.
Phấn khởi lắm bởi cà tím mùa này trúng đậm, trái tốt bán cho thương lái rất chuộng hàng”. Với mức thu nhập này theo anh Mười ước tính đối với 5 công cà tím trên sau mùa vụ sẽ thu hoạch năng suất trung bình 40-50 tấn cà, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Trồng cà tím không khó, dễ trồng hơn so với các lại rau màu khác bởi cây cà tím có đặc tính chịu đựng và sống được ở những vùng đất kém dinh dưỡng mà vẫn cho năng suất cao. Thông thường, đất trồng cà phải được lên liếp cao chừng 20-25cm, mỗi liếp nên trồng thành hai hàng cà với khoảng cách và mật độ thích hợp.
Trồng cà không cần nhiều công chăm bón nhưng vốn là cây ưa ẩm nên trồng cà thường cực công tưới tiêu hàng ngày mới cung cấp đủ lượng nước cho cây phát triển và đậu trái. Vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, mỗi ngày anh Mười phải cực công tưới tới 3 lần vào các buổi: sáng, trưa, chiều mới đáp ứng đủ nước và ẩm cho cây cà phát triển và cho trái.
Anh Mười chia sẻ, giống cà tím được anh chuyên canh trồng là giống cà truyền thống của địa phương, vỏ tím sậm, trái dài, ruột trắng xanh được thị trường rất ưa chuộng. Cà tím có thể trồng được quanh năm, vào mùa mưa trồng cà tím đỡ công tưới, cây phát triển tốt nhưng sâu bệnh phát triển nhiều trong đó sâu đục trái là loại dịch hại đáng quan tâm nhất.
Cho nên thường vào mùa mưa người trồng cà cần phải thường xuyên chăm sóc phòng trừ loại sâu đục trái này bằng cách phun thuốc khi phát hiện vườn cà bị sâu tấn công. Đồng thời kết hợp vệ sinh, dọn dẹp sạch cỏ dại xung quanh để hạn chế sâu bọ sinh sản và phát triển gây hại trên cà, khi phát hiện bệnh sớm để có thuốc phòng trị kịp thời.
Về cách bón phân với 5 công đất trồng cà cứ cách 10 ngày là anh Mười bón phân một lần với liều lượng gồm 30kg hỗn hợp phân NPK (20-20-15), phân Urê và Kali. Cây cà tím trồng sau 2 tháng là bắt đầu thu hoạch.
Sau mỗi kì thu hoạch trái cần tỉa bớt nhánh, lá già để cây tập trung dinh dưỡng cho đợt ra bông tiếp theo. Nhờ áp dụng các biện pháp kĩ thuật trên, thành công với mô hình trồng cà tím anh Mười vui vẻ khoe: “Vụ này thu hoạch cà tím rộ, mỗi ngày tôi hái chừng 200kg trái, hái xong thương lái tới tận ruộng để cân không phải mang đi đâu cả. Giá bán vẫn duy trì ở mức ổn định từ 4.000-4.500 đồng/kg.
Trồng cà tím nếu chăm sóc kĩ thì cà có thể duy trì thu hoạch trái trong suốt từ 4-5 tháng liền, năng suất luôn ổn định. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục duy trì luân canh trồng cây cà tím để cải thiện kinh tế gia đình”.
Qua mô hình của anh Mười cho thấy, hiện cà tím là cây trồng hiệu quả góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. Mặt khác, việc tái canh cây cà tím trên vùng đất bạc màu là một lựa chọn an toàn cho việc phát triển kinh tế của người trồng màu. Đây còn là một biện pháp tái canh cây màu mang tính bền vững trên những vùng đất kém dinh dưỡng mà vẫn cho năng suất cao.
Related news
Dưới đây là một số kỹ thuật trồng cây cà tím cơ bản, người nội trợ có thể áp dụng để tự trồng thực phẩm sạch cho gia đình bằng cách tận dụng không gian trống và thời gian rảnh.
Cà tím là một loại rau ăn thông dụng được trồng để lấy quả lớn có màu tím hay trắng, mọc rủ xuống. Cà tím (danh pháp hai phần: Solanum melongena) là một loài cây thuộc họ Cà với quả cùng tên gọi, nói chung được sử dụng làm một loại rau trong ẩm thực.
Cà tím là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe vừa có thể tô đẹp thêm cho khu vườn nên được rất nhiều người trồng tại nhà.