Mô Hình Sản Xuất Chè Bảo Đảm Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm
Trên địa bàn Nghệ An việc sản xuất, chế biến chè công nghiệp đã có từ lâu. Nhưng để sản phẩm chè bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt hiệu quả cao thì việc xây dựng thực hiện mô hình sản xuất chè theo hướng VietGap như Dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ tại 2 huyện Thanh Chương và Anh Sơn cần được quan tâm nhân rộng…
Nghệ An là tỉnh có diện tích chè tương đối lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha, trong đó khoảng 5.200 ha chè kinh doanh, năng suất trung bình đạt 10,7 tấn/ha, có nơi thâm canh cao đạt 15 tấn/ha. Với diện tích và sản lượng lớn nhưng việc đầu tư phân bón còn thấp và chưa cân đối, việc kiểm soát chất lượng chưa được chú trọng đúng mức khiến năng suất chưa tương xứng với tiềm năng và sản phẩm sản xuất ra còn chưa đủ sức cạnh tranh. Một số sản phẩm chè khô Nghệ An còn có hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV cao vượt ngưỡng quy định. Qua điều tra khảo sát sản xuất chè tại 2 huyện Anh Sơn và Thanh Chương cho thấy: Phương thức canh tác còn tự phát, đầu tư phân bón chưa đúng mức, thuốc BVTV còn sử dụng tùy tiện, các hộ nông dân chưa được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về thâm canh cây chè, nhất là chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM nên năng suất chè mới đạt bình quân trên 11 tấn/ha, nguyên liệu chè chưa đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó việc áp dụng đồng bộ, phổ biến rộng rãi quy trình sản xuất chè theo hướng VietGap tại các vùng sản xuất chè Nghệ An là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Được sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh Nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ KHKT NN Thái An đã triển khai thực hiện hợp đồng tư vấn “Xây dựng mô hình sản xuất chè theo hướng Vietgap” trên 2 vùng trồng chè lớn là huyện Anh Sơn và huyện Thanh Chương, nhằm mục tiêu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất an toàn đến người trồng chè, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp xanh sạch, mang hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống cho nông dân.
Sau khi điều tra khảo sát, đơn vị tư vấn đã chọn 4 xã: Phúc Sơn và Long Sơn (Anh Sơn); Thanh Thủy và Thanh Thịnh (Thanh Chương) để triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè theo hướng ViệtGap, trên diện tích 6 ha. Đây là diện tích chè của các hộ dân đã được trồng bằng các giống chè cành PH1, LDP1, LDP2. Quá trình triển khai mặc dù gặp không ít khó khăn về thời tiết nắng nóng, hạn hán, nhưng đơn vị tư vấn đã phối hợp làm tốt các khâu công việc nên đã đem lại kết quả cao. Bên cạnh lựa chọn các hộ nông dân, ký cam kết thực hiện mô hình, tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP với các nội dung thiết thực như: sinh lý cây chè sau đốn, hái và các biện pháp canh tác tổng hợp & phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật hái chè và phương pháp bảo quản sau thu hoạch...
Đơn vị tư vấn còn cử cán bộ kỹ thuật, phối hợp cùng cán bộ khuyến nông các xã tham gia dự án tổ chức chỉ đạo và giám sát bón phân tại các hộ tham gia mô hình theo đúng quy trình kỹ thuật; tổ chức và giám sát các hộ xây dựng mô hình tuân thủ chặt chẽ quy trình. Định kỳ hàng tháng, từng thời kỳ sinh trưởng đơn vị đã theo dõi, kiểm tra; hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho chè. Tại các điểm thực hiện mô hình bà con được dự án cấp bón bình quân cho 1 ha: 4 tấn phân hữu cơ sinh học, 900 kg phân Ure, 600 kg phân Lân Supe, 350 kg phân Kaly, 30 lít chế phẩm sinh học, 20 lít thuốc BVTV sinh học, 600 kg vôi bột. Nhờ đó cây chè được đầu tư thâm canh đúng mức, chăm sóc chu đáo nên phát triển tốt không chỉ đạt năng suất sản lượng cao mà còn đảm bảo được các tiêu chí về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế vượt trội.
Qua tìm hiểu được biết, tất cả các điểm triển khai mô hình đất đai, nguồn nuớc tưới cho chè tại địa điểm triển khai mô hình không bị ô nhiễm nặng về sinh học, hoá học. Các chỉ tiêu về chất lượng đất trồng chè và nguồn nước tưới đã được kiểm tra, phân tích đúng theo quy định và có các biện pháp xử lý thích hợp. Năng suất các điểm tại các mô hình đều từ 19,5 – 20 tấn/ha, tăng 8-9 tấn/ha so với diện tích đối chứng. Đặc biệt chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm chủ yếu là chè loại 1, loại 2, hầu như không có chè loại 3. Giá bán trung bình chè loại 1 và loại 2 đạt từ 4.500 đồng/kg đến 5000 đồng/kg. Bình quân 1 ha sản xuất theo hướng Vietgap, người nông dân đạt doanh thu 87.750 ngàn đồng, trừ chi phí còn thu lãi thuần là 55.960.000 đồng, cao hơn so với đối chứng là 28.950.000 đồng.
Tuy nhiên nếu khắc phục được hạn chế về nguồn nước tưới thiếu chủ động tránh phụ thuộc vào thời tiết khí hậu; kéo các doanh nghiệp vào liên minh liên kết tập trung đầu tư xây dựng vùng chuyên canh sản xuất chè đáp ứng tiêu chuẩn Vietgap gắn với đăng ký để bảo hộ thương hiệu, chắc chắn giá bán cao hơn, sức cạnh tranh mạnh hơn và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sẽ lớn hơn hiện nay.
Tiếp xúc với người tham gia mô hình mọi người đều tự thấy, để đưa vùng phát triển bền vững cho hiệu quả cao không có con đường nào tốt hơn là phải đầu tư thâm canh theo quy trình VietGap. Vì thế sau khi kết thúc mô hình, nhiều hộ trồng chè trong vùng đã áp dụng các biện pháp thâm canh sản xuất chè bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Related news
Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh Thái Nguyên đang triển khai Dự án Xây dựng mô hình trồng Giảo cổ lam tại huyện Võ Nhai. Kinh phí hỗ trợ để thực hiện Dự án là trên 190 triệu đồng, được cấp từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Dự án sẽ kết thúc vào tháng 7-2016.
Ngày 11-8-2014 vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức cho phép sử dụng bốn giống bắp biến đổi gen (BĐG) làm thức ăn cho người và cho động vật tại Việt Nam nhưng việc cho trồng hay không là quyết định cuối cùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, cây rau pó xôi đã phát triển tốt trong khu vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Thi ở xã Lát, Lạc Dương (Lâm Đồng). Với diện tích hơn 1ha trồng trong nhà kính, mô hình trồng rau pó xôi sạch này đã mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Thi tiền tỷ mỗi năm.
Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.
Hàng trăm hộ nông dân ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã tự nguyện liên kết với nhau mở rộng diện tích trồng chuối để hình thành vùng SX tập trung.