Mô Hình Nuôi Cá Chình Có Hiệu Quả Tại Cà Mau

Vào ngày 27 tháng 4 năm 2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Đồng Tháp đã tổ chức cho gần 50 nông dân các huyện, thị, thành phố và cán bộ kỹ thuật trong Tỉnh tham quan và học hỏi mô hình nuôi cá chình có hiệu quả của ông Nguyễn Ngọc Chính, khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Cá chình là loài cá có thịt thơm ngon, được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cá chình thích nghi ở cả nước ngọt, lợ và mặn. Màu da cá chình đậm hay nhạt, hoặc trắng màu là tùy theo môi trường nước nuôi. Cá chình dễ nuôi, ít bệnh, có thể nuôi trong ao đất, hoặc bể xi măng. Nuôi cá chình cần gia cố bờ bao ao nuôi kỹ để tránh thất thoát lượng cá nuôi.
Theo ông Chính, nếu nuôi cá chình giống khoảng 100g, nuôi khoảng 6 tháng thì cá đạt cỡ 1 kg/con và sau 2 năm thì cá chình sẽ nặng từ 4 kg trở lên. Nếu không thất thoát thì vốn bỏ ra 1 có thể lời tới 4 lần. Năm đầu, ông Chính đã dùng lưới để bao bọc bờ ao, nhưng cá vẫn thoát đi, cho nên hiện nay ông đang dùng tôn dựng dọc bờ ao để tránh tình trạng thất thoát cá. Với diện tích nuôi 2.500m2, chi phí cá giống khoảng 70 triệu đồng (700 ngàn đồng/kg), sau thời gian nuôi 2 năm, thu hoạch được 900 kg, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/vụ nuôi. Mật độ nuôi 1 con cần 2,5 – 3m2, tiêu tốn thức ăn 09 - 10 kg/kg tăng trọng (sử dụng thức ăn tươi sống, thường là cá rô phi cắt lát). Theo ông Chính, cá chình là loài cá dễ nuôi, ít bệnh. Cá chình được cho ăn ngày 2 lần, sáng và chiều, sử dụng sàn để cho cá chình ăn, chứ không rải trực tiếp xuống ao và để lượng thức ăn vừa đủ từng độ tuổi của cá chình. Quan sát nếu thấy lượng thức ăn còn nhiều hay ít thì gia giảm thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí. Ông Chính xử lí nước trong ao, chứ không sang ao, thay nước ao 1 năm 1 lần vào khoảng tháng 8 và tháng 9, bơm nước trong ao ra còn khoảng 1/3 lượng nước và bơm nước mới vào. Hiện nay, một kí cá chình thịt có giá bán cho thương lái vào khoảng 420.000 đồng.
Nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, cá chình đang được nuôi rải rác ở trong Tỉnh. Đòi hỏi, phải có sự quy hoạch vùng nuôi, ổn định đầu ra cho người dân và nghiên cứu sinh sản nhân tạo con giống cá chình vì nguồn con giống không ổn định và giá thành lại khá cao, chủ yếu dựa vào nguồn con giống tự nhiên.
Related news

Nhiều tiểu thương cho biết do mưa bão nên nông dân thu hoạch không đồng đều dẫn đến nguồn cung rau có lá không ổn định khiến thị trường bán lẻ tăng giá. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng rau củ Đà Lạt cũng bị thiếu hụt và ảnh hưởng giá vận chuyển có xu hướng tăng đã khiến thị trường rau củ tiếp tục tăng giá nhẹ.

Những cơn mưa trong khoảng thời gian từ một tháng trở lại đây khiến người trồng mì trong tỉnh Tây Ninh phải một phen lao đao. Ruộng mì ngập nước, củ mì dần úng thối, có cây nhổ lên chỉ còn trơ bộ rễ.

Hành tím là đặc sản của Sóc Trăng, vụ năm nay xuống giống 6.200 ha, sản lượng 110.000 tấn, đều tăng so với vụ trước. Trong lúc, thị trường chưa mở rộng, kỹ thuật bảo quản vẫn lạc hậu nên đã hai tháng kết thúc mùa vụ, hành tồn đọng đang hư và nếu kéo dài sẽ phải đổ bỏ.

Nhờ chú trọng chọn giống chất lượng, cùng với việc xử lý đầm nuôi đúng quy trình kỹ thuật, tình hình dịch bệnh tôm nuôi ít diễn ra. Đặc biệt là giá tôm nguyên liệu trên thị trường ổn định đã giúp nông dân tăng thu nhập, tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã có nhiều hộ đầu tư trồng cây măng cụt, số hộ trồng loại cây này không ngừng tăng lên theo từng năm. Việc trồng ồ ạt làm cho giá thành giảm, các thương lái ép giá dẫn tới người trồng ít có lãi hoặc bị lỗ. Chính vì vậy cần có những cách làm hay, hiệu quả để đem lại kinh tế ổn định lâu dài cho nông dân.