Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nâng Cao Thu Nhập Cho Hội Viên Cựu Chiến Binh

Mô Hình Nâng Cao Thu Nhập Cho Hội Viên Cựu Chiến Binh
Publish date: Saturday. December 27th, 2014

Trong chiến tranh, những anh lính "Bộ đội Cụ Hồ" luôn kiên trung, anh dũng. Trong thời bình, họ ra sức thi đua, chăm lo phát triển kinh tế vươn lên làm giàu bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường, mô hình nuôi thỏ của hội viên Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã đem lại kết quả phấn khởi.

Tin vui cho hội viên nuôi thỏ ở xã Mỹ Thành Nam là vào tháng 9/2014, Tổ hợp tác nuôi thỏ của Hội Cựu chiến binh chính thức được ra mắt và hoạt động theo quy ước của Tổ hợp tác quy định. Người tiên phong đi đầu, cũng là một trong những hộ nuôi thỏ có hiệu quả kinh tế cao, đó là hộ ông Nguyễn Văn Nhã, sinh năm 1954, cư ngụ ấp 5, xã Mỹ Thành Nam.
Ban đầu, với suy nghĩ tìm giống nuôi phù hợp địa phương và kinh tế gia đình, ông nuôi thử 4 con thỏ cỏ. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, ông quyết định đi tìm tòi, học hỏi những mô hình thực tế cũng như những thông tin trên báo, đài. Sau 3 năm, đàn thỏ nhà ông đã lên hơn 200 con, trong đó 25 con thỏ nái, mỗi tháng ông cung cấp cho thương lái từ 50 - 60 con thỏ thịt, với mức giá thương phẩm ổn định trên 60.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu lợi nhuận khoảng 30.000 đồng/kg.
Từ thực tiễn, ông Nhã cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho chăn nuôi thỏ không quá tốn kém, chuồng trại khá đơn giản, có thể tận dụng tre, gỗ để làm và có thể tự đóng chuồng. Mỗi khu nuôi thỏ ông đều giăng mùng lưới để phòng tránh muỗi và các loại côn trùng gây hại cho thỏ. Thông thường thỏ hay bị bệnh ghẻ và tiêu chảy. Tuy nhiên, đối với gia đình ông, sau khi thỏ sinh sản được 1 tháng, bắt đầu tách bầy là ông thực hiện tiêm phòng bệnh. Đối với thỏ mẹ, sau khi sinh sản khoảng 2,5 tháng thì tiêm kháng sinh. Sau khi sinh nuôi khoảng 3,5 tháng là thỏ bắt đầu phối giống.
Ông Nguyễn Văn Nhã chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi: "Sau thời gian thử chăn nuôi, tôi chọn giống thỏ cỏ để nhân rộng đàn vì tôi thấy nếu biết áp dụng các khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sử dụng đúng thuốc và phòng trừ kịp thời, vệ sinh chuồng trại đúng cách thì người chăn nuôi sẽ yên tâm vì thỏ sẽ mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định".
Ngoài hộ ông Nhã, hộ ông Lê Văn Tám hay ông Nguyễn Văn Rãnh cùng cư ngụ ấp 5 đều đã có thu nhập khá từ việc nuôi thỏ. Theo kinh nghiệm của những hộ chăn nuôi này, đối với giống thỏ cỏ, nếu cho ăn thức ăn công nghiệp, thông thường nuôi từ 3 - 3,5 tháng xuất chuồng, trọng lượng thỏ đạt từ 2,2 - 3,5 kg/con, nhưng nếu tăng cường rau, cỏ xanh sẽ giảm bớt chi phí thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi, trọng lượng vẫn đảm bảo.
Thời gian qua, để giúp hội viên, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu những cách chăn nuôi hay, cách phòng trị bệnh trên thỏ... Theo ông Phan Minh Diệu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh sản xuất giỏi xã Mỹ Thanh Nam, mô hình nuôi thỏ là mô hình phù hợp với hộ gia đình, giải quyết công việc trong thời gian nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập.
Ông Diệu cho biết: "Phát huy bản chất anh "Bộ đội Cụ Hồ" nên sau khi các anh trở về địa phương, đã cùng gia đình chăm lo phát triển kinh tế, tìm tòi những cái mới, cái hay vào sản xuất. Từ khi Tổ hợp tác nuôi thỏ được chính thức ra mắt, nguồn cung cho thị trường ngày càng tăng lên, góp phần mang lại nguồn thu đáng kể cho hội viên".
Từ mô hình chăn nuôi thỏ đã góp phần xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam sẽ hỗ trợ Tổ hợp tác mở rộng thị trường để giúp các thành viên trong tổ tăng đàn và nhân rộng mô hình.


Related news

Tập trung diệt rầy bảo vệ lúa vụ 3 Tập trung diệt rầy bảo vệ lúa vụ 3

Vụ mùa và vụ 3 năm nay, toàn huyện Phù Cát đã gieo sạ 3.350 ha lúa, đạt 93% diện tích kế hoạch; trong đó có hơn 2.650 ha lúa sạ vụ 3 và gần 700 ha lúa gieo khô. Bà con nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh, chăm sóc, bảo đảm nguồn nước tưới nên cây lúa phát triển khá tốt. Song đáng lo ngại là sâu bệnh đang phát sinh gây hại mạnh, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh với mật độ cao từ 3.000 đến 5.000 con/m2, cục bộ có nơi lên đến 10.000 - 20.000 con/m2, gây hại nặng trên lúa vụ 3 giai đoạn cuối đẻ nhánh.

Wednesday. September 9th, 2015
Chủ động ngăn chặn cúm gia cầm lây sang người Chủ động ngăn chặn cúm gia cầm lây sang người

Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đang bùng phát tại một số địa phương, gây nguy hiểm tới sức khỏe người dân, ngày 8.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu các địa phương có dịch cúm gia cầm tái phát chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người.

Wednesday. September 9th, 2015
Phát triển các sản phẩm từ cây chè Dung Phát triển các sản phẩm từ cây chè Dung

Được biết đến với nhiều công dụng trong giải nhiệt và hỗ trợ điều trị một số bệnh, vài cơ sở sản xuất trong tỉnh đã đầu tư nghiên cứu phát triển cây chè Dung thành sản phẩm trà, phục vụ người tiêu dùng.

Wednesday. September 9th, 2015
 Đồng bào Hrê đưa máy móc vào đồng ruộng Đồng bào Hrê đưa máy móc vào đồng ruộng

Đặc thù của ruộng vùng cao trong tỉnh là nhỏ hẹp, bậc thang, trước đây đồng bào Hrê thường dùng sức để làm đất xuống giống hay thu hoạch vụ mùa. Còn bây giờ, nhà nhà đều biết sử dụng máy móc vào đồng ruộng nên đã giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Wednesday. September 9th, 2015
Sốt cau ở xứ ngàn cau Sốt cau ở xứ ngàn cau

Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Nơi đây có những chuyện khá ly kỳ: Thương lái thu mua cau non rồi… đổ bỏ, chủ vườn dùng dây thép gai quấn quanh thân hay gắn dao lam vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian trộm cau.

Wednesday. September 9th, 2015