Trồng Ớt Hàng Hóa
Ớt là cây trồng truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trước đây, có thời kỳ ớt được trồng nhiều để xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, một thời gian dài ớt xuống giá nên sản phẩm ớt không còn trở thành hàng hóa. Những năm gần đây, trên thị trường sản phẩm ớt được giá nên người dân đã quan tâm trồng trở lại loại cây này.
Ớt là loại cây tương đối dễ trồng, ít sâu bệnh. Ở địa bàn Quảng Trị chủ yếu trồng từ đầu tháng 12, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10. Điều kiện khí hậu Quảng Trị có giờ nắng cao nên chất lượng ớt tốt hơn nhiều vùng khác trong nước. Có nhiều giống ớt đã được trồng nhưng loại ớt bán được giá nhất trên thị trường là ớt hiểm lai, ớt chỉ thiên.
Năm 2013, được sự hỗ trợ của nguồn vốn ứng dụng khoa học công nghệ, phường Đông Thanh, Đông Hà phối hợp với Công ty Trang Nông (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình trồng ớt chỉ thiên từ 0,3 ha lên 1,3 ha với 22 hộ tham gia. Phòng Kinh tế thành phố Đông Hà đã tổ chức tập huấn cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật từ khi làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch.
Ưu điểm của giống ớt chỉ thiên là sinh trưởng nhanh, quả nhiều, màu sắc đẹp và chất lượng ngon hơn giống ớt khác. Trồng loại ớt này ít tốn công chăm sóc nên tiết kiệm được chi phí. Thời gian thu hoạch lâu hơn các giống ớt khác, kéo dài 6 tháng nên đưa lại giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Hồ Sĩ Minh trồng 1 sào ớt với 1.000 cây giống. Ông Minh tuân thủ đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chọn đất tơi xốp, nhiều mùn, không chua, thoát nước tốt, đất cày bừa kỹ, không có nguồn sâu bệnh. Ông lên mặt luống rộng 80- 100 cm, cao 20- 30 cm, bón lót phân chuồng ủ hoai mục (không bón lót phân urê trong khi làm bầu cây giống).
Xử lý hạt giống tốt, xuống giống ươm bầu đầu tháng 12/2013, trồng vào tháng 1/2014, sau trồng 15 ngày bơm thuốc kích thích ra rễ, phun phân bón qua lá và thuốc trừ bệnh. Sau 90 ngày là thu hoạch lứa đầu tiên. Hiện nay, đang giữa vụ thu hoạch ớt, ước tính mỗi cây ớt của gia đình ông Minh cho thu hoạch đến hết vụ khoảng 1 kg trái.
Năng suất bình quân mỗi sào 1 tấn ớt tươi. Nhờ ớt chỉ thiên có chất lượng tốt, có độ cay cao, thơm nên bán được giá khoảng 20.000 đồng/kg, mỗi sào trồng ớt chỉ thiên trồng tại phường Đông Thanh, cho thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/vụ, cao gấp 4 lần so với những giống ớt khác trồng tại địa phương.
Đông Thanh là phường chuyên canh rau màu của Đông Hà, hàng năm cung cấp cho thành phố một lượng lớn rau xanh, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Toàn phường có khoảng 60 ha chuyên sản xuất các loại rau màu, trong đó có 10 ha ớt. Hiện phường Đông Thanh đã tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch hệ thống tưới tiêu và đường điện phục vụ sản xuất được 20 ha đất rau màu. Đây là điều kiện tốt để phường mở rộng diện tích đất trồng ớt, cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất rau màu của phường.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại cây trồng khác, việc mở rộng diện tích trồng ớt phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cho người trồng ớt có lãi, phải dựa trên nhu cầu thị trường và dự báo nhu cầu tiêu thụ ớt của người tiêu dùng, tránh tình trạng trồng ít thì được giá, trồng nhiều thì rớt giá. Phát triển ớt phải dựa theo quy hoạch phát triển nông nghiệp chung của phường.
Để mô hình ớt chỉ thiên phát triển tốt, hiện thành phố Đông Hà chỉ đạo phường Đông Thanh tiếp tục nhân rộng diện tích theo quy hoạch, đồng thời thực hiện hỗ trợ cho nông dân một số cơ sở vật chất để ứng dụng kỹ thuật canh tác mới như màng lưới che phủ, vật tư phân bón..., tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp để thu mua, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Related news
Huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vừa phát hiện 2 ổ dịch bệnh lở mồm long móng với hơn 20 con bò bị nhiễm bệnh. Hiện các ổ dịch đã được khoanh vùng, không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Giống bò Barahman đỏ có trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn bò vàng song thời gian sinh trưởng lại như nhau.
Mô hình luân canh lúa- tôm sú đã và đang phát triển trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở đất Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) khá lâu. Hiện nay do thoái hoá giống, năng suất lúa không được cao và luôn bị sâu bệnh tấn công nhất là bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.679 ha, trong đó gieo thẳng đạt 28.662 ha, chiếm 35,5% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 7.000 ha so với vụ xuân năm 2013.
Khác với không khí tất bật, hồ hởi trong những ngày thu hoạch rộ của những năm trước, vụ hành 2014 nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt nguy cơ trắng tay vì sự tấn công của sâu bệnh hại hành.