Mở Cửa Bằng Dồn Điền Đổi Thửa

Phúc Thành (Yên Thành) là xã đầu tiên của Nghệ An thành công trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Đây là “cánh cửa” mở ra những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).
“Cuộc cách mạng đồng rộng”
Là xã bán sơn địa của huyện Yên Thành, trước đây ruộng đất của Phúc Thành rất manh mún, một hộ sử dụng nhiều thửa đất nằm rải rác ở nhiều cánh đồng. Bình quân mỗi hộ canh tác 5-10 thửa. Đây chính là rào cản cho tổ chức sản xuất tập trung, làm tăng chi phí công lao động, khó áp dụng cơ giới hóa, điều hành thủy lợi và quản lý đất đai.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác DĐĐT, năm 2000, xã Phúc Thành đã lên kế hoạch thực hiện công cuộc DĐĐT, song chưa làm đồng bộ. Đến năm 2010, khi được chọn làm xã thí điểm xây dựng NTM, Phúc Thành đã làm “cuộc cách mạng đồng ruộng” rầm rộ, nhanh chóng và hiệu quả. Ông Đinh Văn Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện DĐĐT, chỉnh trang ruộng đồng, xã chúng tôi đã hoàn thành 100% diện tích.
Mục tiêu cuối cùng là giảm số thửa trên mỗi đầu hộ từ 5 - 10 thửa xuống còn 1-2 thửa ruộng. Công cuộc chuyển đổi ruộng đất lần 2 ở Phúc Thành đã thành công ngoài mong đợi. Phúc Thành là xã đầu tiên chuyển đổi ruộng đất thành công của Nghệ An, nên rất nhiều huyện, thị trong và ngoài tỉnh đã về đây học tập”.
Từ thành công đó, Phúc Thành đã quy hoạch cánh đồng mẫu lớn hơn 40ha cho thu nhập 140 triệu đồng/ha/vụ. Xã cũng đã triển khai thực hiện mô hình làm nấm ở 9 tổ có 40 hộ tham gia, mô hình trồng cỏ ngọt 5ha...
Ông Nguyễn Văn Hà ở xóm 5 phấn khởi: “Dồn đổi ruộng rất thuận tiện cho việc đưa nước, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nông dân có điều kiện để tiến hành thâm canh, đảm bảo thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như cơ cấu cây trồng hàng hóa nhằm tăng nhanh hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Nhà tôi làm 6 sào, thu nhập tăng gấp 6 lần so với trước khi dồn đổi”.
Tạo đà phát triển
Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Dương cho biết, hiện trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM thì xã Phúc Thành đạt 15 tiêu chí. Đến cuối năm 2013, Phúc Thành phấn đấu đạt 17 tiêu chí và đến năm 2014 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí.
Sau thắng lợi công tác chuyển đổi ruộng đất, Phúc Thành đã phát động nhân dân hiến đất mở rộng hệ thống giao thông, làm nhà văn hóa, trạm y tế xã, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người dân. Xã tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Chợ An Mõ với số vốn 1,05 tỷ đồng, đền Đức Hoàng 0,45 tỷ đồng, bãi rác thải khu vực 267 triệu đồng, 14 phòng học của trường tiểu học với kinh phí 4,5 tỷ đồng... Tổng số vốn đầu tư xây dựng các công trình lên đến 40,9 tỷ đồng, trong đó vốn cấp trên hỗ trợ là 2 tỷ đồng, ngân sách xã là 4,067 tỷ đồng, còn lại do dân đóng góp.
Hiện nay Phúc Thành cũng phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ - thương mại. Các lĩnh vực này đã và đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng, tạo nguồn thu chủ yếu, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm người lao động, như 2 làng nghề tăm hương Phú Trà và Yên Ba.
Bên cạnh đó, xã đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, như đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Hiện có hơn 400 người đi làm việc ở các nước Đông Âu. Nhờ nguồn tiền của các lao động này gửi về mà đời sống của bà con cũng như cơ sở vật chất hạ tầng được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 23 triệu đồng/ năm.
Related news

Với 2 ha đất nuôi tôm sú chuyên canh gặp rũi ro liên tiếp, khó khăn hoàn khó khăn, anh chuyển sang thực hiện mô hình tôm-lúa, sử dụng giống mới, gieo sạ thưa, phân bón cân đối, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vụ lúa thu hoạch, anh cải tạo mương, phơi ao, bón vôi, chủ động rửa phèn, mặn

Giá cà phê, hồ tiêu, cao su ... thời gian qua liên tục biến động theo hướng tăng mạnh đã khiến người dân ở nhiều tỉnh Tây Nguyên đua nhau mở rộng diện tích, chuyển đổi cây trồng bất chấp khuyến cáo, quy hoạch

Ngư dân Phan Văn Dầu (52 tuổi, phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn) cho biết, vào khoảng 4h sáng nay, khi đi kiểm tra lưới cách bờ khoảng 100m thì bất ngờ phát hiện một con cá mập trắng vẫn còn sống mắc kẹt trong lưới. Ông Dầu đã phải hô gọi một số người quen trợ giúp để đưa cá vào bờ

Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đứng ra làm trung gian trong hợp đồng trồng cà tím giữa Công ty Duyên Hải và bà con nông dân ở Bưng Riềng. Hợp đồng 3 bên - 4 nhà (3 bên là người nông dân, người thu mua và đại diện địa phương, 4 nhà là nông dân, chính quyền, doanh nghiệp và nhà khoa học) đã được ký kết

Điều là một trong những cây trồng chủ lực của Bình Phước, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Tuy nhiên, giá đang giảm mạnh khiến hàng trăm hộ dân trồng điều lo lắng, băn khoăn không biết nên tiếp tục duy trì loại cây này hay chặt bỏ...