Hiệu Quả Kinh Tế Từ Trồng Chuối Cấy Mô

Mặc dù giá trị kinh tế không cao như nuôi thuỷ sản nhưng cây chuối ở Cà Mau có diện tích lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, với khoảng 5.000 ha, tập trung nhiều ở 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình.
Năng suất trung bình 10,5 tấn/ha và sản lượng là 44,5 ngàn tấn/năm. Trong vài năm trở lại đây, chuối trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân ở Cà Mau.
Trước đây, người dân trồng chuối với mục đích để ăn là chính vì giá trị kinh tế thấp. Những năm gần đây, khi Công ty Vinamit (Bình Dương) lập trạm thu mua chuối xiêm tại ấp 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời thì cây chuối được nâng lên về mặt kinh tế, nông dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.
“Nâng hạng” cây chuối
Trước nhu cầu phát triển và tiềm năng kinh tế của cây chuối, Cục Thống kê Cà Mau phối hợp với Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng vườn chuối trong tỉnh.
Theo đó, quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020, diện tích trồng chuối của tỉnh sẽ đạt 6.000 ha, năng suất 17 tấn/ha/năm và sản lượng là 86.000 tấn/năm.
Theo PGS.TS Lê Văn Bé, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, đã hơn 1 năm trồng thử nghiệm cây chuối già theo hình thức cấy mô. Chuối già này có thời gian phát triển nhanh, trái lớn, vỏ mỏng, năng suất cao gấp 3 lần giống chuối địa phương.
Được sự hỗ trợ của Trường Đại học Cần Thơ, hộ ông Lê Thanh Yên, ấp 1, xã Trần Hợi trồng 200 cây chuối theo hình thức cấy mô với giống chuối già hương. Sau thời gian thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, chuối sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
Ông Yên cho biết, trong quá trình trồng ông còn tiến hành đào rãnh để bảo đảm quá trình tưới tiêu cũng như thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, khi chuối cho trái, ông còn dùng bọc ni-lông để bao trái.
Do đó, trái chuối có vỏ bóng láng, sạch đẹp, giữ được màu vàng tươi nên thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Được biết, sản phẩm được bán với giá gần 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng chuối thu được khoản lợi nhuận khá cao.
Ông Ngô Văn Cải, ấp 4, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, trồng 150 cây chuối già hương, chuối già Philippines và chuối xiêm. Sau thời gian chăm sóc gần 1 năm, hiện vườn chuối đang phát triển tốt và cho trái. Bình quân mỗi cây chuối cho năng suất từ 30-40 kg, nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hướng mở cho nông dân
Trong khi đầu tư sản xuất các mô hình nuôi cá, trồng tràm thâm canh, sản xuất lúa cần có vốn nhiều, rủi ro cao thì việc tận dụng bờ liếp, vườn tạp để trồng chuối chi phí thấp lại cho giá trị kinh tế khá cao, ít rủi ro nên nông dân dễ áp dụng.
Chuối là một trong những loại cây dễ trồng, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở Cà Mau. Tuy nhiên, hiện nay đa số nông dân đều trồng với quy mô nhỏ lẻ, nên việc đầu tư chăm sóc và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất chưa được quan tâm.
Vì vậy, hiệu quả kinh tế giống cây trồng này mang lại chưa cao, do năng suất còn thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn.
Trước thực tế đó, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng suất của một số giống chuối cấy mô tại tỉnh Cà Mau” được thực hiện sẽ mở ra hướng làm kinh tế mới cho nông dân./.
Related news

Ngày 27/5, ông Lê Hoàng Ngọc, Chủ tịch UBND xã An Chấn (Phú Yên) cho biết, hơn 17,8 triệu con ốc hương của 14 hộ dân trong xã thả nuôi từ 2 đến 7 tháng tuổi tại khu vực Hòn Chùa đã bị chết, ước thiệt hại 1,2 tỉ đồng.

Theo Sở Công Thương An Giang, giá thu mua cá tra trên thị trường toàn tỉnh liên tục giảm đã kéo theo giá cá tra bột, cá tra giống giảm theo.

Theo định hướng phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT thì mục tiêu là thì tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 70% hiện nay lên 95%; đối với khâu gieo trồng, chăm bón từ 25% lên 70%; khâu chế biến từ 30% lên 80%.

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ đã xây dựng được 3 điểm thí nghiệm bón bã bùn sấy khô với diện tích thực hiện khoảng 5.000m2/điểm.

Nông dân các tỉnh Bắc miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đang thu hoạch bắp (ngô) vụ xuân năm 2012 với diện tích hơn 10.000 ha được xem là đượ mùa nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, giá bắp bán tại vườn chỉ bằng 1/2 so với vụ trước khiến nông dân thiệt hại nhiều tỷ đồng.