Bưởi da xanh Sông Xoài được chứng nhận VietGAP cơ hội để mở rộng thị trường
Người dân trồng bưởi kỳ vọng, chứng nhận VietGAP sẽ là cơ hội giúp bưởi da xanh Sông Xoài mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Huyện Tân Thành đang hình thành vùng chuyên canh trồng bưởi da xanh.
Trong ảnh: Chăm sóc bưởi da xanh tại một hộ nông dân ở xã Sông Xoài.
Theo ông Hồ Văn Kiệt, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, để làm cơ sở cho đợt cấp giấy chứng nhận VietGAP lần này, cách đây 2 năm, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sông Xoài”.
Theo đó, cán bộ Trung tâm đã trực tiếp hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về kho chứa phân, thuốc, nhà vệ sinh, nơi pha chế thuốc, tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất cho các hộ trồng bưởi.
Ban đầu, có 5 hộ được cấp kinh phí để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau đó, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, 7 hộ khác tự đầu tư kinh phí để sản xuất.
Ông Hồ Văn Kiệt cho biết thêm, hiện nay, một số nơi như hệ thống Siêu thị Co.op Mart BR-VT, các DN xuất khẩu nông sản đi Mỹ cũng đang làm việc với HTX để đưa sản phẩm bưởi da xanh Sông Xoài vào hệ thống siêu thị tiêu thụ và xuất khẩu đi nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay HTX chưa ký kết hợp đồng với DN nào do sản lượng còn ít và nhiều thương lái đến tận vườn thu mua với giá cả cao, ổn định.
Theo các nhà vườn trồng bưởi da xanh, hiệu quả lớn nhất khi sản xuất theo mô hình VietGAP là nông dân quen dần với hình thức ghi chép trong sản xuất, sử dụng phân, thuốc theo đúng thời gian, liều lượng nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm sau khi thu hoạch.
Hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh Sông Xoài đã đạt được 4 tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP đề ra gồm: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc an toàn; truy tìm nguồn gốc sản phẩm.
Ông Thạch Sam, xã viên HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cho biết: “Sau một năm trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP người nông dân được lợi rất nhiều; phân bón, thuốc trừ sâu đã giảm được 50% so với trước.
Vườn bưởi cũng được chăm sóc thường xuyên hơn, việc phun xịt thuốc, bón phân nhờ đó cũng theo quy định, không bừa bãi như trước.
Qua 1 năm áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất, chất lượng vườn bưởi của gia đình tôi được nâng lên rất nhiều”.
Bưởi da xanh được bà con nông dân xã Sông Xoài trồng từ năm 2002 với diện tích trồng nhỏ lẻ.
Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương mới quy hoạch vùng chuyên canh bưởi da xanh và diện tích được nâng lên.
Cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân tại địa phương đang tiếp tục phá vườn tạp chuyển sang trồng bưởi.
Toàn HTX hiện có 120ha với 90 hộ trồng, sản lượng bình quân từ 600 - 800 tấn/năm; trong đó bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 290 tấn.
Bưởi da xanh có chất lượng ngon, mẫu mã đẹp hơn so với các loại bưởi khác nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng và giá luôn ở mức cao, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; vào dịp Tết, giá dao động ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Bình quân 1ha, sau khi trừ chi phí, người nông dân trồng bưởi có lãi trên 600 triệu đồng.
HTX bưởi da xanh Sông Xoài đang tiếp tục nhân rộng mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng VietGAP trên toàn diện tích để xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng những đơn đặt hàng lớn trong tương lai.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Thành cho biết, trên địa bàn huyện Tân Thành hiện có 125ha bưởi da xanh (tăng 72ha so với năm 2014).
Bưởi da xanh hiện đang là cây trồng chủ lực được huyện Tân Thành khuyến khích phát triển.
Hiện nay, huyện đang xây dựng thương hiệu cho bưởi da xanh.
Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng mới và thâm canh 400ha bưởi theo quy trình VietGAP để từng bước đưa bưởi da xanh của địa phương vươn ra thị trường nước ngoài.
Xác định được hướng đi này, bên cạnh việc thành lập hợp tác xã bưởi da xanh, huyện Tân Thành còn xây dựng văn phòng làm việc và kho chứa, thiết kế logo, bảng hiệu;
Hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng bưởi đạt năng suất, chất lượng cao; đồng thời hỗ trợ vốn cho xã viên HTX mở rộng diện tích bưởi da xanh, nhằm tạo ra nguồn hàng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính như hệ thống siêu thị và thị trường nước ngoài.
Related news
Nhằm tìm các giống mì mới phù hợp với đất đai, thời tiết tại địa phương, cho năng suất cao. Trong năm 2015, ngành Nông nghiệp huyện Krông Pa (Gia Lai) đã chọn giống mì mới KM419 đưa vào trồng thử nghiệm tại 4 xã, thị trấn, gồm: Ia Mlah, Phú Cần, Chư Drăng và thị trấn Phú Túc.
Cách đây 5 năm, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ra đời ở ĐBSCL. Đến nay mô hình này lan tỏa ra nhiều địa phương và người ta chỉ còn gọi là “Cánh đồng lớn” vì đã qua giai đoạn làm “mẫu” 5 năm nhìn lại, mô hình này đã phơi bày nhiều trở ngại thách thức song cũng không thiếu điểm sáng.
Cây bắp lai giờ đây đã không còn xa lạ với người dân miền núi. Cây trồng này đã góp phần giúp người dân vùng cao “xóa sổ” nhiều vùng đất bỏ hoang, thay cho diện tích đất lúa kém hiệu quả, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, diện tích trồng mía trong tỉnh giảm dần từ 13.000 ha năm 2013 xuống còn 11.500 ha năm 2014. Nguyên nhân chính là do giá mía xuống thấp, nông dân chuyển từ mía sang trồng các loại cây khác.
Hơn 310 ha trồng đậu nành trên đất lúa ở tỉnh Vĩnh Long đã đem lại thu nhập cao gấp 1 - 2 lần so với SX 3 vụ lúa/năm.