Mía tím cuối vụ, gian nan tiêu thụ
Cũng như nhiều gia đình khác tại thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, từ nhiều năm nay, cây mía tím là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Mấu Hồng Thái.
Thế nhưng năm nay, cũng chính loại cây trồng này đang khiến cả nhà ông vô cùng lo lắng.
Với diện tích lên đến 1,4ha, đến cuối vụ rồi mà ông Thái mới chỉ bán được 3 sào.
Ngày nào cha con ông cũng phải ra ruộng tỉa mầm, bóc bẹ mía để hạn chế cây ra bông, ảnh hưởng đến chất lượng mía.
Cả gia đình ông Thái đang mong có thương lái đến thu mua nốt diện tích mía còn lại để thu hồi vốn đầu tư lên đến 70 - 80 triệu đồng.
Nhưng ngặt nỗi có người mua trả giá chưa bằng nửa giá năm ngoái.
“Nếu năm ngoái có thể bán được 25 - 26 triệu đồng/sào thì năm nay bán 10 triệu đồng/sào không ai mua.
Mọi năm giờ này đã bán hết mía, nhưng năm nay thì còn nguyên”, ông Thái chia sẻ.
Cả hecta mía chưa bán được, gia đình ông Thái đang đối mặt với thua lỗ
Cạnh ruộng mía nhà ông Thái là hơn 2 sào mía của nhà bà Mấu Thị Thu Chuyên cũng đang trong tình trạng ế ẩm.
Từ đầu vụ đến giờ không có người nào đến hỏi mua nên gia đình bà đang phải đối mặt với vụ mía thua lỗ.
“Nguồn thu nhập chính của cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào ruộng mía này.
Nếu không bán được mía thì chúng tôi cũng không biết xoay xở ra sao để bù vào tiền vốn đầu tư; cuộc sống gia đình cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”, bà Chuyên bày tỏ.
Niên vụ 2014 - 2015, toàn huyện Khánh Sơn trồng khoảng 300ha mía tím.
Một số diện tích trồng lúa nước và cây hoa màu kém hiệu quả cũng được bà con chuyển sang trồng mía.
Thời điểm đầu vụ, giá bán cao, những ruộng mía trồng sớm, chăm sóc tốt, người dân bán từ 15 - 25 triệu đồng/sào.
Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 10 trở lại đây, việc tiêu thụ mía chững lại, giá bán giảm 30 - 50% so với đầu vụ, thậm chí những diện tích mía kém phát triển chỉ còn 4 - 5 triệu đồng/sào.
Một số hộ chuyển sang bán mía giống mong lấy lại ít vốn đầu tư.
Mặc dù đã cuối vụ, nhưng hiện nay, toàn huyện còn gần 50% diện tích mía chưa thu hoạch vì chưa có người thu mua.
Thị trấn Tô Hạp là một trong những địa phương trồng nhiều mía tím nhất huyện với diện tích 66ha.
Hiện nay, thị trấn còn khoảng 30% diện tích mía chưa thu hoạch được.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND thị trấn, hầu hết diện tích mía còn lại là do bà con xuống giống muộn, gặp thời tiết nắng hạn 3 - 4 tháng liền hồi đầu năm 2015, lại không có điều kiện chăm sóc nên kém phát triển, chất lượng thấp, càng khó tiêu thụ.
“Có nhiều hộ năm đầu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng mía, bây giờ không tiêu thụ được nên bị thua lỗ, nợ ngân hàng cũng không trả được, nhất là một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”, ông Thái nói.
Bên cạnh nguyên nhân chất lượng mía cuối vụ thấp, theo ông Cao Phạm Cưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, tình trạng mía tím Khánh Sơn ứ đọng trong những ngày vừa qua là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm.
Bởi vì mía tím là mặt hàng tươi sống, chủ yếu dùng để giải khát, phần lớn phục vụ những người đi biển hoặc tiêu thụ ở một số tỉnh miền Bắc, miền Nam nên khi bước vào mùa mưa thì nhu cầu sử dụng cũng không nhiều như trước.
Nếu như những năm trước, một số thương lái trong vùng còn xuất khẩu mía tím sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thì nay nước bạn cũng đã ngừng nhập mặt hàng nông sản này.
Mặt khác, một số địa phương trong nước hiện nay cũng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mía.
“Trước thực trạng cây mía tím rớt giá, khó tiêu thụ như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chuyển đổi những diện tích cây trồng khác sang trồng mía.
Các hộ cần tính toán khả năng chăm sóc và điều kiện tưới tiêu thì mới chuyển đổi và cũng không nên độc canh một loại cây trồng để phòng ngừa rủi ro”, ông Cưỡng nói.
Hiện tại đã là nửa cuối tháng 11, lẽ ra nông dân đã xuống giống và chăm sóc mía niên vụ 2015 - 2016.
Thu hoạch muộn thế này chắc chắn Khánh Sơn sẽ không thể xuống giống kịp vụ năm sau.
Related news
Có mặt tại cánh đồng xóm Làng Áng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) vào một buổi sáng mùa đông, mặc dù thời tiết rét đậm kèm sương mù dày đặc nhưng để đảm bảo tiến độ sản xuất vụ xuân, nông dân trong xóm vẫn tích cực ra đồng nạo vét kênh mương, cày ải, làm đất...
Để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nông dân, ngay từ đầu tháng 1, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư gồm: Trên 700 tấn phân bón các loại; 5,5 tấn lúa giống, trong đó, lúa lai 3,5 tấn với các giống chủ yếu là: Syn6, Nhị ưu 838, Bio 404… và trên 20 tấn ngô giống, 100% là giống ngô lai.
Ngày 22-1, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức trao Chứng nhận sản phẩm chè búp khô đạt tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho Hợp tác xã chè Tân Hương, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Hồng Thái (Tân Cương) và Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Nhà Thờ (Phúc Trìu).
Thông thường hàng năm, công tác chống hạn diễn ra chủ yếu ở vụ sản xuất hè thu nhưng năm qua do lượng mưa quá thấp nên ngay giữa mùa mưa mà hầu hết các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức nước thấp hơn trung bình nhiều năm trước. Bởi vậy, ngay từ vụ đông xuân 2014 – 2015, công tác chống hạn được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng cải tạo ruộng đồng, đầu tư thâm canh để không ngừng tăng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Diện tích cây lúa gieo trồng hàng năm của huyện đạt trên 13.500 ha, sản lượng bình quân trên 80.000 tấn, chủ yếu là các loại giống cho năng suất, chất lượng cao như: Khang Dân, HT1, HC95, Ma Lâm, PC6...