Lợi Nhuận Cao Từ Nuôi Ếch

Nhờ chịu khó, ham học hỏi, anh Lê Thành Đô, ở ấp 8, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi ếch thịt và ếch giống.
Sống trong gia đình có truyền thống trồng lúa, kinh tế khó khăn, ngoài việc lo đồng áng, hàng ngày anh Đô còn chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Từ năm 2006, anh được tham quan mô hình nuôi ếch ở huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), anh nhận thấy ếch là loài dễ nuôi, giá bán ổn định… nên mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang nuôi ếch.
Không có vốn, anh phải cố 8 công đất ruộng để đầu tư cho mô hình này. Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn khi số lượng nuôi lần đầu tiên chết gần hết. Thế nhưng, qua nhiều lần nuôi, anh rút kinh nghiệm và đi đến thành công.
Hiện tại, anh có 11 hồ khoảng 200m2, trong đó có 2 hồ nuôi ếch thương phẩm với diện tích 36m2, thả 2.000 con mỗi đợt. Theo anh Đô, thời gian sinh trưởng từ 2 - 3 tháng thì ếch sẽ bán được, trọng lượng đạt từ 4 - 5 con/kg, giá bán từ 27.000 - 30.000 đồng/kg. Thức ăn chủ yếu của ếch là ốc, cá tạp, thức ăn công nghiệp nên cũng rất dễ mua, thậm chí tận dụng thời gian nhàn rỗi đi bắt ốc, đặt dớn cá để giảm chi phí. Bình quân, sau mỗi đợt nuôi ếch thịt, anh thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng và mỗi năm nuôi từ 3 - 4 vụ.
Hiện nay, không dừng lại ở việc nuôi ếch thịt, mà anh Đô còn thực hiện mô hình nuôi ếch giống. Nhận thấy thị trường bán con giống đang hút hàng nên anh đã nhân giống để bán cho bà con trong xóm và các tỉnh lân cận.
So về lợi ích kinh tế, thì ếch giống đem lại thu nhập cao hơn ếch thịt, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật. Theo anh Đô, thời gian nuôi ếch con thành ếch mẹ phải mất 12 tháng. Hiện anh có khoảng 600 con ếch bố mẹ, trung bình bán ra khoảng 150.000 ếch con/năm, giá bán từ 800 - 1.000 đồng/con, cho lợi nhuận hàng chục triệu đồng.
Anh Đô cho biết, đầu ra ếch thương phẩm và ếch giống tương đối ổn định, chủ yếu cung cấp cho các đầu mối trong khu vực và thị trường ở TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, anh dự định không mở rộng thêm diện tích, mà chỉ tập trung vào việc ương ếch giống để cung cấp cho thị trường.
Sau bao năm chịu khó, miệt mài với mô hình, bây giờ anh Đô đã xây dựng được căn nhà khang trang, chuộc lại đất đã cầm cố. Ông Mai Hoàng Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 8, cho biết: “Chi hội hiện có 20 hội viên, anh Đô cũng là thành viên trong chi hội. Hiện trong chi hội đã có 4 - 5 người nuôi ếch thương phẩm.
Sắp tới, chi hội sẽ vận động hội viên với khoảng 10 người nuôi theo mô hình này để góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Vì đầu ra của ếch thịt và ếch giống nhiều năm nay tương đối ổn định nên vấn đề tiêu thụ chưa lo ngại. Nhưng không vì thế mà chi hội phát triển đại trà, chỉ khuyến cáo và áp dụng đối với những hộ đủ điều kiện để tránh tình trạng cung vượt cầu”.
Theo ông Sơn, nghề nuôi ếch ở Vĩnh Trung đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, chưa thật sự bền vững. Người nuôi còn thiếu kỹ thuật, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, vì thế rất cần các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để mô hình mang lại hiệu quả cao hơn.
Related news

Mấy năm gần đây, tại Việt Nam, nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang lấn át tôm sú và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong XK. Việc người dân dần chuyển sang nuôi TTCT phải chăng là xu hướng tất yếu.

Hiện nay, nhờ các nỗ lực trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại, rau an toàn VietGAP của Tổ hợp tác rau an toàn Long Thuận, thị xã Gò Công (Tiền Giang) đã chiếm lĩnh thị trường, được nhiều đơn vị kinh tế như: HTX nông nghiệp Phú Lộc (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Lực Điền... bao tiêu. Đây là một tin vui không chỉ riêng đối với tổ viên Tổ hợp tác mà còn thiết thực thúc đẩy phong trào trồng rau an toàn Viet GAP tại Tiền Giang.

Ngày 9/5, tại Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam hợp tác cùng chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) do Tiến sĩ KL. Heong và Tiến sĩ Monina M. Escalada phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức sơ kết Chương trình “Công nghệ sinh thái và bảo tồn ong mật, thụ phấn tăng năng suất cây trồng” lần đầu tiên tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL.

Sau đợt trúng giá thanh long trước Tết Nguyên đán 2013, nay người dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An tiếp tục hưởng lợi khi thanh long nghịch mùa đang có giá rất cao.

Những năm qua, khi cây tràm liên tục rớt giá thì cành, ngọn và gốc đang mang lại thu nhập khá cao cho một bộ phận không nhỏ người dân trong các lâm phần.