Chăn nuôi an toàn dịch bệnh cần có lộ trình phù hợp
Những bất cập...
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Đắk Lắk có sự chuyển biến tích cực về quy mô và cơ cấu đàn, đã hình thành nên một số vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa như gà siêu trứng, vỗ béo bò, sản xuất con giống. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đạt trên 36.000 con trâu, 185.000 con bò và hơn 9,5 triệu con gia cầm.
Trên cơ sở các đề án, quy hoạch phát triển chăn nuôi và các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các dự án chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, với 12 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, đang tiến hành lập và thực hiện dự án quy mô đàn hơn 100 nghìn con bò chuyên thịt, sữa và gần 20 nghìn con lợn nái hậu bị, sinh sản.
Tuy nhiên, nhiều dịch bệnh nguy hiểm cũng thường xuyên đe dọa, có thể bùng phát gây thiệt hại cho người chăn nuôi như lở mồm long móng, cúm gia cầm, heo tai xanh…
Từ đầu năm đến nay, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 xã Ea Lê và Ia T’mốt (huyện Ea Súp), với tổng số gia cầm bị tiêu hủy 6.619 con; bệnh lở mồm long móng cũng xảy ra trên địa bàn thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột làm 50 con heo và 73 con bò bị bệnh, trong đó phải tiêu hủy 26 con heo; một số bệnh khác xảy ra rải rác trên đàn gia súc, gia cầm đã được hướng dẫn điều trị kịp thời.
Đáng lo ngại là tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh chưa đạt yêu cầu, kể cả đối với vắc-xin lở mồm long móng được Nhà nước cấp 100%. Hiện toàn tỉnh mới có 229.420 con gia cầm được tiêm phòng cúm A/H5N1 có giám sát của trạm thú y và 350.200 liều do người dân tự mua về tiêm (chưa tính các trang trại lớn chăn nuôi công nghiệp tự tiêm).
Đối với bệnh lở mồm long móng, toàn tỉnh tiêm được 168.352 liều, đạt 78% kế hoạch; có 13/15 huyện, thị xã, thành phố đạt kế hoạch, còn 2 huyện không đạt là M’Đrắk (60,2%), Ea Súp (50%).
Theo Chi cục Thú y, mặc dù so với năm 2014, năm nay các địa phương thực hiện tốt hơn nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu đề ra là trên 80% tổng đàn được tiêm phòng, do đó nguy cơ xảy ra dịch lở mồm long móng trong các tháng cuối năm là rất cao. Riêng bệnh heo tai xanh không bắt buột tiêm phòng nên chỉ một số trang trại, gia trại có ý thức tốt về phòng dịch mới thực hiện tiêm cho đàn heo, còn lại hầu hết các hộ chăn nuôi không tiêm do giá thành cao.
Nguyên nhân của những bất cập trên là do một số địa phương còn lơ là về công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi chưa cao, còn phó mặc cho các cơ quan chuyên môn; công tác tuyên truyền còn hạn chế; người chăn nuôi thì có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Trang trại nuôi vịt giống của hộ Lê Văn Vẹn, thôn 5, xã Ea Hu (huyện Cư Kuin).
Đẩy mạnh xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Đắk Lắk hiện có rất nhiều hộ sống bằng nghề chăn nuôi và nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng nên việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh luôn là điều kiện tất yếu, bảo đảm cho sản phẩm chăn nuôi đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt điều đó, trước hết phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của người dân cùng sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền.
Đơn cử tại huyện Cư Kuin, hiện có 9.780 con trâu, bò, 45.000 con heo, 407.000 con gia cầm, với 60 trang trại chăn nuôi, trong đó có 50 trang trại liên kết với các doanh nghiệp và 2 trang trại vịt được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh nên công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện rất tốt.
Tại trang trại nuôi vịt của ông Lê Văn Vẹn (thôn 5, xã Ea Hu) có 5.000 con vịt bố mẹ, chuyên cung cấp vịt giống, trứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, là cơ sở đầu tiên trong tỉnh được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh dịch bệnh vào năm 2012.
Ông Vẹn cho biết, khi được vận động xây dựng trang trại an toàn dịch bệnh gia đình rất đồng tình và để đạt được điều này, trang trại của ông phải đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở vật chất, nhất là những quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh như nguồn gốc con giống, cách thức quản lý, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm tra xét nghiệm định kỳ như lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra sự lưu hành của vi rút, kháng thể, mức độ bệnh; nguồn thực ăn cũng phải bảo đảm…
Nhờ vậy mà cơ sở chăn nuôi của ông tránh được các đợt dịch bệnh và được người tiêu dùng tin cậy khi đặt mua con giống.
Theo ông Ngô Đức Lợi, Phó trưởng Trạm Thú y huyện, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, một phần nhờ ý thức phòng, chống dịch bệnh của đa số người chăn nuôi được nâng lên. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thực hiện tiêm phòng không triệt để nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là khó tránh khỏi.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm do thiếu sự hợp tác của người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ trong công tác tiêm phòng. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cần được thực hiện không chỉ ở trang trại mà phải bao gồm cả nông hộ.
Trứng vịt được đưa vào lò ấp tại trang trại của anh Lê Văn Vẹn.
Hiện toàn tỉnh có 16 trang trại được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, 28 trang trại được Chi cục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Việc xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên đàn gia súc, gia cầm ở quy mô nông hộ cũng đã được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, nhưng để ngành chăn nuôi địa phương phát triển vững chắc hơn, thiết nghĩ Đắk Lắk cần có lộ trình xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm không để bệnh xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Related news
Liên quan đến vụ "Dụ dân dùng chất cấm bắt giun", đối tượng người Trung Quốc Gan DeQiang đã bị xử phạt hành chính 16 triệu đồng, và trục xuất khỏi khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị.
Mưa kèm theo giông gió mạnh có thể làm quả sầu riêng bị rụng non, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất.
Lấy sức dân làm gốc, phát triển nông nghiệp làm “bàn đạp”, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, phong trào xây dựng NTM ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) phát triển mạnh mẽ. Dự kiến 6 xã điểm của huyện sẽ về đích trước hẹn.
Sau bão, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình hối hả ra đồng, khẩn trương thu hoạch, kiểm tra mức độ hư hại và tìm cách xử lý.
Sau ba năm rơi vào thảm cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”, bất ngờ năm nay cau quả lại được giá khiến nông dân ở huyện Tiên Phước rất đỗi mừng vui.