Tạo dựng thương hiệu lúa, gạo Việt Nam
Từ vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những hạt gạo ngọt lành của Việt Nam đã đến với bạn bè thế giới.
Trên những cánh đồng lớn nơi đây, không chỉ có những nông dân tần tảo, mà còn có cả những nhà khoa học lăn xả, miệt mài nhằm tìm ra những giống mới có sản lượng cao và chất lượng tốt nhất, với ước mơ được "đặt tên" cho lúa gạo Việt Nam.
Nhưng để ước mơ trở thành hiện thực, còn nhiều việc phải làm.
Khi cán bộ… đi chân đất
Dẫn chúng tôi đi thăm đồng lúa thử nghiệm, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua không giấu nổi sung sướng: “Hôm nay nắng đẹp, đúng độ lúa đang thì, nhìn thấy mê nhà báo nhỉ!”. Những thửa lúa xanh mát, lóng lánh giữa nắng vàng. Làn da đen giòn mầu nắng gió, bàn tay chai sần đúng một “lão nông” miền tây thứ thiệt, nhưng ông Cua lại nguyên là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
Dừng lại trước một thửa ruộng của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ông Hồ Quang Cua hồ hởi khoe, đây là giống lúa ST20 từng được mệnh danh “Gạo ngon thương hiệu Việt” góp phần đưa thương hiệu gạo Sóc Trăng đến một bước tiến mới.
Gạo thơm ST20 có mùi dứa thơm đặc trưng và đậm. Để có hạt gạo ngon, mùi vị đậm đặc trưng như vậy, ông Cua và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu của mình đã mất rất nhiều thời gian và công sức.
Trong đó, TS Trần Tuấn Phương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) - cộng sự trong nhóm nghiên cứu, có công lớn trong việc lựa chọn phương pháp lai phức hợp nhiều lần. Vì thế, ngoài mùi thơm đặc trưng dứa, giống lúa ST20 còn chịu được phèn, mặn và khả năng kháng các loại sâu bệnh cao…
Từ Mỹ Xuyên, giống ST20 được nông dân các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An tin tưởng gieo trồng; nhiều doanh nghiệp biết tiếng tìm đến mua.
Nhờ vậy, gạo thơm ST20 được xuất bán ở nhiều nước, giá 1 tấn ở năm 2012 cao nhất đạt 930 - 950 USD, năm 2014 đạt 800 USD. Chả thế mà, có những nông dân tận Cà Mau, Kiên Giang lặn lội đến Sóc Trăng gặp ông Cua nhờ hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa ST20.
Giữa cuộc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông phải ngừng lại nghe điện thoại để giải đáp thắc mắc của nông dân. Một nông dân ở Thới Bình (Cà Mau) chia sẻ: “Năm đầu tiên gia đình tôi trồng ST20 nhưng thấy rất hiệu quả. Bà con nông dân phấn khởi lắm vì giống lúa này gieo trồng phát triển hơn các loại giống lúa khác, giá lại cao”.
Cũng nghiên cứu về các giống lúa chất lượng cao để đưa vào sản xuất với quy mô lớn, Viện Lúa ĐBSCL là một trong những cơ quan nghiên cứu trọng điểm của vùng. Nếu chỉ tính vấn đề giống, Viện đã đóng góp 30% vào sự gia tăng sản lượng lúa của vùng ĐBSCL.
Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch vừa dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng thử nghiệm lúa vừa chia sẻ: Với đặc thù thổ nhưỡng của vùng, các nhà khoa học luôn chú trọng đến các nghiên cứu về giống lúa chịu mặn.
Trước đây, Viện sử dụng phương pháp lai tạo truyền thống, xác định được 20 dòng lúa triển vọng chịu mặn từ 0,3% đến 0,5% cho vùng sản xuất ĐBSCL và 3 - 5 dòng lúa triển vọng chịu mặn cho vùng sản xuất các tỉnh phía bắc.
Hiện nay các nhà khoa học của Viện đang nghiên cứu đề tài ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống, chịu được mặn - hạn, thích nghi với điều kiện canh tác vùng lúa nhiễm mặn thuộc ĐBSCL với mục tiêu ứng dụng công nghệ phân tử (MAB), công nghệ điện di (SDS-PAGE) để tạo giống lúa chịu mặn có năng suất chất lượng cao, chống sâu bệnh, thích hợp với vùng ĐBSCL…
Tuy nhiên, chưa thỏa mãn về tiến bộ kỹ thuật, chất lượng giống lúa, mối quan tâm của những người làm công tác nghiên cứu về giống hiện nay là phẩm chất của giống. Năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn, phèn, mặn và chống, chịu sâu bệnh khá… nhưng hạt gạo phải ngon mẩy, đủ tiêu chuẩn để tham gia thị trường xuất khẩu.
Về kỹ thuật, các kỹ sư của Viện đang nghiên cứu phát triển những giống phù hợp với từng khu vực sinh thái, cũng như giảm tỷ lệ giống lúa phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, nhờ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng thương hiệu
Dù luôn trong “tốp 3” xuất khẩu gạo trong suốt hơn 1/4 thế kỷ, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo mạnh. Tuy số lượng xuất khẩu hằng năm lớn, nhưng thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đang gặp khó khăn dồn dập bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ... do chưa có thương hiệu.
Theo Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, trong suốt 2 - 3 thập niên vừa qua, vì nhiều lý do, nước ta chạy theo năng suất mà bỏ bê các giống cũ, lai tạo các giống mới ngắn ngày, thấp cây, chịu thâm canh, cho năng suất cao, nhưng chất lượng gạo thấp cho nên không có gạo đặc sản riêng.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đáng nói hơn cả, đề án ưu tiên lựa chọn 3 giống đặc sản tại vùng ĐBSCL để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia, bao gồm: giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.
Những định hướng trong xây dựng thương hiệu gạo nói trên khiến những nhà nghiên cứu, các kỹ sư ở Viện Lúa ĐBSCL hồ hởi, vui mừng. Hơn 30 năm gắn bó với đồng ruộng, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và các cộng sự đã lai tạo ra hơn 10 giống lúa thơm nổi tiếng, trở thành sản vật của địa phương mang thương hiệu “lúa thơm Sóc Trăng”.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay ở ĐBSCL là ai cũng có thể làm giống và bán lẫn lộn, khiến cho giống lúa thơm nhanh bị thoái hóa, cản trở việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao phẩm chất và giá trị.
Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có bộ tiêu chuẩn về lúa thơm cho nên càng không kiểm soát được chất lượng giống. Vì vậy, ông Cua cho rằng, muốn xây dựng được thương hiệu gạo cho Việt Nam, cần có nghiên cứu giống cải tiến và hội tụ các đặc điểm: thấp và vừa cây, chu kỳ không quá dài, kháng sâu bệnh để có sản phẩm an toàn cũng như bảo đảm cho môi trường canh tác.
Đặc biệt, hình thức của gạo phải trắng, sáng, dài và có khẩu vị riêng của lúa đặc sản. Điều quan trọng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà”, trong đó doanh nghiệp đứng ra cùng địa phương tổ chức lại hoạt động sản xuất của nông dân để tạo thành vùng nguyên liệu lớn; bảo đảm quy trình kỹ thuật, được đào tạo theo quy trình GAP sản xuất lúa nguyên liệu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch cho rằng, để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, trước hết cần nghiên cứu để có một bộ tiêu chuẩn chung. Bên cạnh đó, cần có một bộ phận kiểm tra bộ tiêu chuẩn; gạo muốn xuất khẩu phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mới được nhận thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, vấn đề “tác quyền” ở miền nam gặp nhiều khó khăn, bất cập, “mạnh ai nấy làm”. Vì vậy, gạo phải sản xuất từ giống có bản quyền tác giả, truy xuất được nguồn gốc và chống nạn “ăn cắp chất xám”.
Tham gia chương trình tạo giống lúa quốc gia nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, Viện Lúa ĐBSCL đang tập trung nghiên cứu, lai tạo giống, cải tạo đất trồng cho địa phương. Từ năm 2012, các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu vật liệu khởi đầu chọn tạo giống lúa đặc sản, với mục tiêu chọn tạo, phát triển 2 giống lúa thơm, ngắn ngày, năng suất tối thiểu 5 - 7 tấn/ha, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Viện đã khảo nghiệm quốc gia 6 giống lúa OM, chọn dòng phân ly các thế hệ hơn 6 nghìn dòng, so sánh năng suất sơ khởi 130 dòng triển vọng, đánh giá phẩm chất trên 100 dòng giống triển vọng, đánh giá mùi thơm, phân tích SSR gene thơm, gene giống chịu mặn, kháng rầy nâu và đạo ôn của các dòng, giống…
Đến nay, Viện đang xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa thơm mới tại Cần Thơ, Sóc Trăng.
Sau 37 năm, Viện Lúa ĐBSCL đã đưa ra sản xuất 153 giống lúa, ngân hàng gen với 2.273 mẫu giống được sưu tập, bảo quản, đánh giá sẵn sàng cung cấp vật liệu cho các chương trình lai tạo. Tất cả các giống trên đều cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, chống, chịu sâu bệnh hại chính, thích nghi rộng.
Kết quả điều tra của Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm giống cây trồng T.Ư cho thấy, trong số 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước, Viện Lúa ĐBSCL đã đóng góp tới một nửa.
Tại ĐBSCL, trong 10 giống chủ lực được trồng phổ biến và có diện tích gieo trồng cao nhất đã có 8 giống do Viện chọn tạo, chiếm hơn 70% diện tích gieo trồng…
Có thể thấy, để tạo dựng được thương hiệu lúa gạo không phải công việc một sớm, một chiều. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu ở ĐBSCL vẫn đang miệt mài tìm tòi, chọn tạo ra những giống lúa đặc trưng để trong thời gian không xa định hình thương hiệu cho lúa, gạo Việt.
Related news
Những ngày này, hàng trăm hộ nông dân huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đang bắt tay vào thu hoạch vụ cam chính. Năm nay, cam Vinh được mùa. Tuy nhiên, hầu hết các hộ trồng cam phải tự tìm đầu ra, nguồn tiêu thụ khá bấp bênh...
Cứ đến tháng 9, 10 âm lịch, ngư dân đưa tàu lên bờ tu sửa cho chuyến biển mới vào cuối năm. Biển động, tàu nằm bờ “làm nước”, tiền của cứ thế “đội nón” ra đi. Bao nhiêu âu lo bủa quanh xóm làng nghề biển trong mùa... ra tiền.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo cả năm 2015 của Việt Nam có thể đạt xấp xỉ 8 triệu tấn, và tình hình xuất khẩu gạo còn tương đối khả quan trong những tháng đầu năm 2016.
Doanh nghiệp và người chăn nuôi “bắt tay” để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cắt giảm khâu trung gian, nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm “sạch”, chất lượng, giá hợp lý nhất… Đó là mô hình về chuỗi liên kết đang được Hà Nội thực hiện.
Tiếp nối cuộc trao đổi trước, trong cuộc trao đổi này, TS Đặng Kim Sơn đề xuất phải ưu tiên dành đất đai, thu nhập cho nông dân, khuyến khích nông dân giỏi ở lại sản xuất...