Lo Lắng Giá Điều
Do thị trường trầm lắng nên giá nhân điều XK đang liên tục giảm, ảnh hưởng lớn đến giá điều thô.
Sản lượng điều thô tăng cao, thị trường nhân điều trầm lắng, giá XK giảm ..., đó là những vấn đề đang gây lo ngại cho sản xuất, kinh doanh điều năm nay, và đã được đưa ra thảo luận trong buổi "Hội thảo Sản xuất kinh doanh điều 2014" do Hiệp hội Điều Việt Nam và CLB Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp TP HCM phối hợp tổ chức vào ngày 19/4, tại TP HCM.
Tuy chưa có thông báo chính thức của Bộ NN-PTNT về sản lượng điều thô niên vụ 2013-2014, nhưng theo đánh giá từ khảo sát thực tế của các DN điều, vụ điều này sản lượng tăng mạnh. Ông Nguyễn Minh Họa, GĐ Cty TNHH BIMICO (Tây Ninh) nhận định, năm nay, sản lượng điều có thể tăng 15%, đưa tổng sản lượng lên ở mức 500-550 ngàn tấn.
Do thị trường trầm lắng nên giá nhân điều XK đang liên tục giảm, ảnh hưởng lớn đến giá điều thô. Hiện tại, giá điều thô ở Bình Phước chỉ còn 22.500-23.000 đ/kg, giảm 4.000-5.000 đ/kg so với đầu vụ, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của người trồng điều.
Ông Tạ Quang Huyên, GĐ Cty TNHH Hoàng Sơn 1, đưa ra mức tăng cao hơn, có thể tới 25%. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) khẳng định, năm nay không thể nói là điều không trúng mùa.
Điều Việt Nam trúng mùa, thì điều trên thế giới, nhất là tại khu vực châu Phi, cũng đang được dự báo là tăng mạnh về sản lượng. Ông Nguyễn Minh Họa chia sẻ: “Hầu hết các nước trồng điều trên thế giới đều nằm trên đường xích đạo, do đó có khí hậu gần giống nhau. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy khi nào điều Việt Nam, Campuchia được mùa, thì hầu hết các nước trồng điều lớn cũng vậy.
Ở Campuchia, sản lượng điều niên vụ này có thể tăng 10-15%. Do đó, năm nay, sản lượng điều thô toàn cầu có thể cũng sẽ tăng và xấp xỉ mức 3 triệu tấn”.
Nguồn cung điều thô trên thế giới đang có dấu hiệu tăng nhanh, nhất là tại châu Phi, do nhiều diện tích bắt đầu cho thu hoạch mới. Nhiều nước ở châu lục này cũng đang đẩy mạnh trồng điều. Như ở Bờ Biển Ngà, trước đây chỉ có 3 tỉnh trồng điều, nay đã tăng lên thành 11 tỉnh và sắp tới toàn bộ 14 tỉnh của nước này đều sẽ trồng điều. Vì thế, trước đây, mỗi khi Việt Nam chuẩn bị hết mùa thu hoạch điều, giá điều thô sẽ tăng lên, nhưng năm nay giá lại không tăng.
Trong khi đó, nhu cầu NK nhân điều trên thế giới đang khá trầm lắng. Ông Họa cho biết, quý 3 và quý 4 năm ngoái, các nhà NK đã mua khá nhiều nhân điều của Việt Nam. Do đó, chưa năm nào mà XK nhân điều của nước ta trong những tháng cuối năm (quý 3 và quý 4) lại nhiều như cuối năm 2013.
Do đã mua quá nhiều, đến nay, nhiều hệ thống siêu thị ở nước ngoài vẫn chưa tiêu thụ hết các sản phẩm từ nhân điều, nên họ chưa đặt hàng mới với các nhà chiên, rang nhân điều. Thành ra các nhà chiên, rang cũng chưa thể đặt hàng với các nhà NK. Bởi vậy, xu hướng chung của các nhà NK hiện nay là cần tới đâu thì nhập tới đó, không mua nhiều dự trữ như trước nữa. Vì thế, quý 1 vừa rồi, giao dịch khá thưa thớt.
Đặc biệt trong quãng thời gian từ nay đến hết tháng 5, thậm chí là hết tháng 6, XK điều sẽ ở trong tình trạng trầm lắng. Trước hết là ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc. Ông Tạ Quang Huyên cho hay, trong quý 1 vừa rồi, Trung Quốc vẫn NK nhiều điều từ Việt Nam vì thiếu tồn trữ trước đó. Nhưng từ nay đến hết tháng 6, thị trường Trung Quốc gần như không có nhu cầu NK mặt hàng nhân điều cao cấp.
Còn theo ông Nguyễn Minh Họa, thị trường Trung Quốc đang lắng hẳn xuống, trước hết là do tỷ giá giữa đồng NDT với đồng dollar Mỹ hiện đang gây bất lợi cho nhà NK. Bên cạnh đó, việc đột ngột siết tải trọng xe tải, khiến cho mỗi xe chở từ Nam bộ lên biên giới, trước đây chất được 1.200 thùng nhân điều, giờ chỉ còn một nửa, trong khi giá cước cho mỗi xe vẫn y như cũ.
Giá nhân điều mà các DN Việt Nam chào bán tới khách hàng Trung Quốc cũng liên tục giảm, hôm sau đã thấp hơn hôm trước, càng khiến cho trong tháng 4 và 5, giao dịch mua bán điều sẽ chậm hẳn lại. Ít nhất phải tới cuối tháng 5, tình hình giao dịch điều mới sôi động.
Related news
Sáng ngày 15-1, ông Lê Sơn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho - Tiền Giang) cho biết, với việc đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thủy sản mới, GODACO dự kiến xuất khẩu đạt 80 triệu USD trong năm 2014.
Năm 1990 là năm đầu tiên các doanh nghiệp chế biến thủy sản tỉnh được xuất khẩu trực tiếp và đạt được 31 triệu USD. Cho đến nay, sau 23 năm phấn đấu, ngành thủy sản tỉnh tự hào với chỉ tiêu xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Năm 2013 là do nguồn cung của một số nước trên thế giới bị sụt giảm vì dịch bệnh, đẩy giá tôm liên tục tăng cao.
Cũng như những năm trước, xuất khẩu thuỷ sản năm 2013 tiếp tục được dự báo sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong quý I, II của năm 2013 gần như giậm chân tại chỗ.
Chiều 16/1, đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chủ trì cuộc họp báo chuẩn bị tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam 2014 tại Phú Yên.
Theo dự báo của VASEP, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt 6,9 tỉ USD, trong đó tôm xuất khẩu đạt 3 tỉ USD; cá tra 1,6 tỉ USD và hải sản khoảng 2,2 tỉ USD.