Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Liên kết sản xuất lúa giống cần chọn mặt gửi vàng

Liên kết sản xuất lúa giống cần chọn mặt gửi vàng
Publish date: Tuesday. June 9th, 2015

Nợ khó đòi

Vào cuối năm 2010, HTX Điện Minh II (Điện Bàn) có hợp đồng với Công ty CP Việt Tín (khu 13, phường Hải Tân, TP.Hải Dương) liên kết để sản xuất và thu mua hạt giống bắp lai LVN-10 trong vụ đông xuân 2010 - 2011 với diện tích 20ha, sản lượng là 20 tấn. Tổng số tiền mà công ty phải thanh toán cho HTX sau khi thu mua hạt giống gần 677 triệu đồng, trong đó HTX đã ứng trước gần 277 triệu đồng, công ty cam kết sẽ trả số tiền còn lại sau khi hoàn thành vụ mùa. “Thế nhưng khi đã thu mua và bán được sản phẩm do HTX cung cấp thì công ty không thanh toán số tiền còn lại cho chúng tôi như đã cam kết. Điều đáng nói là chính chúng tôi đã tìm đối tác cho công ty bán được sản phẩm ngay khi vừa thu mua, với mức chênh lệch hoàn toàn có lãi. Vậy nhưng cho đến nay họ vẫn còn nợ chúng tôi hơn 400 triệu đồng…” - ông Lâm Gia Tâm, Chủ nhiệm HTX Điện Minh II cho biết.

Theo ông Tâm, HTX đã 3 lần tìm tới TP.Hải Dương gặp lãnh đạo công ty để đòi nợ nhưng vẫn không có kết quả. Phía công ty cứ hứa hẹn sẽ trả nhưng cuối cùng, cho đến thời điểm hiện tại vẫn không hoàn trả số tiền trên. “Phía công ty bảo là do làm ăn thua lỗ nên không có khả năng chi trả. Điều này rất vô lý, không biết anh thua lỗ ở đâu, nhưng đối với sản phẩm của chúng tôi thì hoàn toàn không. Chính chúng tôi đã trực tiếp giúp họ tìm đối tác để bán sản phẩm có lời cho họ (giá HTX bán cho công ty là 24 nghìn đồng/kg bắp giống, bán ra với giá 26 nghìn đồng/kg, trong đó chi phí vận chuyển ra tới Hải Dương là do phía HTX chịu), vậy mà họ vẫn không chịu trả tiền. Ngay cả khi phía công ty xin được giảm 100 triệu đồng so với số tiền gốc ban đầu, HTX Điện Minh II cũng đã đồng ý, thế nhưng mọi việc đâu cũng vào đấy. HTX vẫn phải loay hoay tìm cách xoay xở với số tiền đã bị thất thoát” - ông Tâm nói thêm.

Cùng hoàn cảnh với HTX Điện Minh II, HTX Điện Hồng III cũng lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi bị Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ nông nghiệp Thái Bình nợ 425 triệu đồng. Năm 2012, HTX Điện Hồng III đã liên kết với công ty này sản xuất lúa giống trên 20ha ở địa phương. Sau khi đã nhận đủ số lượng lúa giống từ HTX thì công ty này… lặn mất tăm. Dù đã nhiều lần liên hệ để đòi nợ nhưng đại diện công ty đều tránh mặt. Điều đáng nói là khi đang nợ HTX Điện Hồng III hơn 400 triệu đồng chưa trả, công ty này lại tiếp tục liên kết với HTX Điện Hòa để sản xuất lúa giống mùa tiếp theo.

Còn rất nhiều HTX trên địa bàn đang lâm vào cảnh tương tự, đặc biệt là vùng chuyên sản xuất lúa giống ở huyện Đại Lộc, Điện Bàn. Nguồn vốn đối với các HTX nông nghiệp vô cùng quan trọng, nhưng chỉ vì các công ty không chịu trả nợ, nhiều HTX đang phải loay hoay tìm cách tháo gỡ. “Công ty không chịu trả tiền cho mình nhưng mình vẫn phải trả tiền cho nông dân. Cũng may là nông dân họ hiểu nên không làm căng. Chính vì vậy, số tiền nợ chúng tôi cố gắng xoay xở để trả dần cho họ. Khổ nhất là những xã viên của HTX, vừa không có tiền vừa phải xoay xở để tìm cách trả nợ. HTX vốn đã khó nay lại càng khó hơn…” - ông Lâm Gia Tâm, Chủ nhiệm HTX Điện Minh II nói.

Nhiều HTX suy sụp rất nhanh sau khi bị nợ tiền sản xuất lúa giống, sản xuất bị đình trệ do không có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Phước Chính - Chủ nhiệm HTX Điện Hồng III cho biết, hoạt động của HTX bị ngưng trệ trong một thời gian do không đủ vốn. “Điều quan trọng là mình làm mất lòng tin của nông dân. Giờ mỗi lần liên kết sản xuất lúa giống là họ lại sợ, chỉ cho phép mình nợ trong khoảng 1 - 2 tuần là phải hoàn trả tiền” – ông Chính cho biết. Để có vốn tiếp tục hoạt động, nhiều HTX phải huy động xã viên góp vốn bằng cách thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng. “Đã đi vay thì phải chịu tiền lãi, phía công ty nợ tiền  cam kết với chúng tôi sẽ trả số tiền lãi đó, nhưng đó chỉ là nói chứ họ không chịu trả. Hợp đồng thì bao giờ cũng chặt chẽ, nhưng có làm theo đúng hợp đồng hay không mới quan trọng…” - ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Điện Thọ II cho biết.

Những HTX đang bị các công ty sản xuất lúa giống nợ tiền có “điểm yếu” chung là không biết cách nào để đòi được nợ. “Chúng tôi đã tiến hành khởi kiện ra tòa nhưng mọi việc đâu cũng lại vào đấy. Bởi xa quá, hơn nữa phải xử ở 2 nơi là Quảng Nam và nơi đơn vị công ty đang đóng trụ sở. Ở mình thì dễ thôi, nhưng khi tống đạt bản án ra ngoài đó thì phía công ty không chịu hợp tác, mời đến làm việc cũng không đến thì chịu chết…” - ông Nguyễn Phước Chính, Chủ nhiệm HTX Điện Hồng III, cho hay. Trong khi đó, một lãnh đạo của Liên minh HTX tỉnh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận những sự việc như trên, nhưng Liên minh HTX tỉnh cũng chỉ dừng lại ở mức độ tư vấn, hướng dẫn các HTX làm thủ tục để khiếu nại, khiếu kiện chứ không thể tham gia sâu, bởi khi đã làm hợp đồng hợp tác, trách nhiệm đã thuộc về HTX và đơn vị phối hợp.

Cần có sự chọn lọc

Hình thức liên kết sản xuất lúa giống giữa các công ty giống, HTX và nông dân trong những năm vừa qua đã góp phần làm đa dạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX. Tuy còn những rủi ro tiềm ẩn, nhưng đây vẫn là phương thức phổ biến, được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh triển khai. Ông Nguyễn Phước Chính - Chủ nhiệm HTX Điện Hồng III cho biết, hiện nay HTX vẫn đang liên kết sản xuất lúa giống với một số công ty. “Thật ra, đây là cách làm mà cả ba bên đều hưởng lợi ích: công ty, HTX và nông dân. Chẳng qua là xui, rủi, gặp phải công ty không làm đúng với cam kết, chây ỳ trả nợ nên HTX phải lâm vào cảnh khó khăn…” - ông Chính nói.

Có cùng nhận định, ông Lâm Gia Tâm - Chủ nhiệm HTX Điện Minh II cho rằng, việc liên kết sản xuất lúa, hoa màu với các công ty sản xuất giống mang lại nhiều lợi ích cho HTX và nông dân. Khi lâm vào cảnh nợ nần do bị trốn nợ, HTX cũng từng bước xoay xở, trong đó liên kết sản xuất giống vẫn là phương án tối ưu. “Dù rằng đã từng bị nợ một số tiền lớn, nhưng phải thừa nhận đây là cách làm mang lại hiệu quả cao cho HTX. Giờ HTX phải có sự chọn lọc kỹ rồi mới quyết định có liên kết hay không. Cũng may, người dân vẫn ủng hộ HTX, khác là họ chỉ cho mình nợ tiền từ 1 - 2 tuần mà thôi…” - ông Tâm cho biết.

Để việc liên kết sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả ổn định, theo ông Lê Hữu Ái - Giám đốc HTX Điện Thọ I, cần phải tỉnh táo để chọn lọc những công ty nào có năng lực tài chính ổn định để phối hợp sản xuất. Khi đã liên kết thì cần phải có chữ tín với nhau để làm ăn lâu dài. Còn theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các HTX cần làm hợp đồng chặt chẽ, để sau này nếu có sự việc xảy ra thì nhờ tới luật pháp can thiệp. Sở NN&PTNT không thể can thiệp sâu vào chuyện này. Nếu doanh nghiệp cứ chây ỳ không trả nợ thì phải đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh tình trạng công ty đó chuyển sang nơi khác làm ăn. Đối với HTX cần phải chọn những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có thương hiệu, làm ăn bài bản để liên kết.


Related news

Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm Giống Lúa Chịu Mặn Ở Thái Bình Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm Giống Lúa Chịu Mặn Ở Thái Bình

Sáng ngày 28/5, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Thái Bình phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID, UBND xã Nam Cường tổ chức hội thảo đánh giá mô hình thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải.

Wednesday. May 29th, 2013
Hiệu Quả Mô Nuôi Hình Tôm Hùm Lồng Ở Cửa Biển Sa Huỳnh Ở Quảng Ngãi Hiệu Quả Mô Nuôi Hình Tôm Hùm Lồng Ở Cửa Biển Sa Huỳnh Ở Quảng Ngãi

Năm 2012, TT Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi giao cho Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ trực tiếp thực hiện mô hình nuôi tôm hùm lồng tại hộ ông Đỗ Văn Được, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, với qui mô 3 lồng nuôi (tổng thể tích 15 m3).

Sunday. December 9th, 2012
Nuôi Cá Theo Quy Trình VietGap Nuôi Cá Theo Quy Trình VietGap

Với mục đích giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm quen với sản xuất sản phẩm sạch, từ nguồn vốn khuyến nông quốc gia, lần đầu tiên Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGap.

Thursday. June 13th, 2013
Bão Tan, Rừng Cao Su Bão Tan, Rừng Cao Su "Khóc"

Sau bão số 10, chúng tôi có mặt tại vườn cao su của Nông trường Cao su 1 thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đóng trên địa bàn xã Kỳ Hợp (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Cả vườn cây cao su bạt ngàn mới mấy hôm còn reo với gió ngàn và chăm chỉ tích nhựa sống cho đời nay trở thành rừng cây đổ nát...

Thursday. October 3rd, 2013
Heo Hơi Tăng Giá Mạnh Ở Hậu Giang Heo Hơi Tăng Giá Mạnh Ở Hậu Giang

Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có tổng đàn heo khoảng 13.100 con. Sau thời gian dài heo hơi giảm giá mạnh xuống còn 33.000 - 34.000 đồng/kg, mấy ngày qua giá heo trên địa bàn huyện tăng trở lại, lên mức 37.000 - 38.000 đồng/kg (tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg). Mức giá này người chăn nuôi vẫn chưa có lời nhiều.

Thursday. May 30th, 2013