Nuôi Cá Theo Quy Trình VietGap

Với mục đích giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm quen với sản xuất sản phẩm sạch, từ nguồn vốn khuyến nông quốc gia, lần đầu tiên Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGap.
Hiệu quả thấy rõ
Ông Lê Đình Thi, hộ dân thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng sạch ở xã Quảng Lợi cho biết: “Gia đình tui nuôi cá từ nhiều năm nay, có hiệu quả nhưng chi phí cao hơn so với quy trình VietGap mới được Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư triển khai. Nuôi 1 hồ với diện tích hơn 3.000 m2, thả nuôi hơn 8.000 con, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Nuôi theo quy trình mới này cá ít bệnh, nhanh lớn, sản phẩm được nhiều người ưa thích”.
Nhằm tạo sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường, thời gian qua, Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư tỉnh xây dựng mô hình thí điểm nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap với quy mô 1ha, lợi nhuận mang lại gần 100 triệu đồng. Mô hình được thực hiện ở 3 địa phương là xã Quảng Lợi (Quảng Điền), Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) và Phong Sơn (Phong Điền).
Quá trình nuôi cá phát triển tốt, các hộ nuôi tuân thủ quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; trọng lượng trung bình đạt gần 0,5 kg/con, tỉ lệ sống 75%, năng suất 9 tấn/ha. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đực theo phương pháp mới này mặc dù hiệu quả kinh tế đem lại không cao như các mô hình khác nhưng đây là mô hình định hướng cho người dân sản xuất ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường.
Hướng đi phù hợp
Mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính đực theo hướng VietGap hiệu quả thấy rõ, bà con ngư dân và chính quyền các địa phương đồng tình ủng hộ cao. Người dân ý thức được nuôi theo hướng VietGap sẽ cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, do mô hình còn mới nên hộ thực hiện còn bỡ ngỡ, chưa thực sự nắm bắt rõ các tiêu chí của tiêu chuẩn VietGap; đặc biệt người dân chưa làm quen với việc ghi chép nhật ký, sổ sách hàng ngày.
Ông Châu Ngọc Phi, Trưởng phòng Thủy Sản (Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư) cho biết: “Quá trình nuôi theo hướng VietGap giúp người dân bỏ đi thói quen sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi phù hợp, giúp cả người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo cho sức khỏe. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nhân rộng mô hình, giúp bà con ngư dân quen dần với phương pháp sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Để áp dụng VietGap thành công trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi cá rô phi đơn tính nói riêng, đòi hỏi người dân phải tích cực chủ động nắm bắt thông tin, tìm hiểu kỹ thuật nhiều hơn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hướng dẫn, đào tạo, tuyên truyền các quy trình nuôi cá theo VietGap cho bà con ngư dân, nhân rộng các mô hình thành công để bà con áp dụng.
Vấn đề quan trọng nhất là phải hỗ trợ người dân tìm được đầu ra sản phẩm có tính ổn định, từ đó quy hoạch vùng nuôi cá tập trung để dễ quản lý; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng áp dụng VietGap trên quy mô vùng trong tương lai. Đây là một công việc đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, có sự chung sức của nhiều cơ quan ban ngành để giúp người dân yên tâm khi thực hiện sản xuất sản phẩm theo hướng VietGap.
VietGap là quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng an toàn sinh học, từ khâu kỹ thuật, cải tạo ao hồ, chăm sóc, phòng trị bệnh. Hộ nuôi phải tuân thủ các quy định của Nhà nước; cơ sở nuôi phải có hồ sơ đăng ký hoạt động sản xuất hợp lệ; truy xuất nguồn gốc thủy sản; thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học; cơ sở nuôi phải có hệ thống phân loại, tập kết và xử lý chất thải đúng quy định…
Related news

Mặc dù tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2008-2013 khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng có tới 32% chi cho lương và hoạt động bộ máy. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao…

Lượng khai thác ổn định là do hằng năm ngành Thủy sản thả bổ sung từ 800.000 đến 1 triệu con cá cho hồ Dầu Tiếng. Mặt khác, ngành thường xuyên thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông, kịp thời xử lý vi phạm nên sản lượng khai thác ổn định.

Đầu năm 2014, được sự hỗ trợ của UBND huyện Lạc Dương về hệ thống tưới tiêu, một DN chuyên kinh doanh hoa tươi hỗ trợ về giống và kỹ thuật, đơn vị này còn hứa là sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân, còn người dân thì bỏ đất, phân và công chăm sóc. UBND xã Đạ Sar đã lựa chọn một số gia đình để thực hiện dự án này với mong muốn sẽ truyền đạt kỹ thuật canh tác hoa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho đồng bào DTTS.

Theo dữ liệu mới nhất của Nielsen Scantrack được Seafish công bố, tính từ ngày 21/6/2013 đến 21/6/2014, doanh thu từ thuỷ sản của Anh tăng 2,6%, lên mức 3,17 tỷ GBP (tức 5,1 tỷ USD). Dù khối lượng giảm 3,8% xuống còn 344.000 tấn, nhưng giá trung bình tăng 6,7% lên 14,74 USD/kg.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho loại thường hiện ở mức 5.550 - 5.650 đ/kg, loại hạt dài 5750 - 5.850 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm hiện ở mức 7.150 - 7.250 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 8.600 - 8.700 đ/kg, gạo 15% tấm 8.100 - 8.200 đ/kg và gạo 25% tấm 7.650 - 7.750 đ/kg.