Liên Kết Phát Triển Cánh Đồng Lúa Thơm
Vào tháng 11, 12/2014, trên nhiều vùng trồng lúa thơm đặc sản ở các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và TX Ngã Năm (Sóc Trăng) bắt đầu gieo sạ vụ ĐX 2014-2015.
Diện tích lúa thơm tiếp tục mở rộng SX theo hướng hợp tác liên kết. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân SX trên cánh đồng lớn. Trong khi đó, gạo thơm có ưu thế trên thị trường.
Nền tảng phát triển
Trải qua 3 năm thực hiện Đề án "Phát triển lúa thơm đặc sản đến năm 2015", ông Huỳnh Ngọc Vân, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng khẳng định: "Sóc Trăng có ưu thế là vùng SX gạo thơm.
Nhằm nâng cao giá trị gạo đặc sản của tỉnh, nâng cao đời sống nông dân, nhiều địa phương không ngừng mở rộng vùng SX lúa thơm. Nếu như từ năm 2010 toàn tỉnh chỉ có hơn chục nghìn ha thì đến nay diện tích lúa đặc sản đã tăng trên 92.000/317.000 ha gieo trồng, vượt chỉ tiêu 40.000 ha so với kế hoạch đến năm 2015 của đề án.
Riêng tại các huyện thuộc vùng triển khai đề án, diện tích tăng lên gần 72.000 ha, vượt 21.000 ha so với kế hoạch đến năm 2015. Trong đó chiếm nhiều nhất là giống lúa thơm Sóc Trăng (ST) gần 31.000 ha, lúa Tài Nguyên trên 9.000 ha và giống lúa thơm RVT, các giống OM...
Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm, từ những năm đầu mới tái lập tỉnh lãnh đạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có tầm nhìn xa, định hướng cho ngành nông nghiệp của tỉnh tìm chọn những giống lúa thơm, ngon cơm thích nghi với thổ nhưỡng vùng nam sông Hậu và vùng ven biển. Năm 1993 chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ thị mua trữ 600 tấn lúa giống Khao Dawk Mali (KDM) để đầu tư vào vùng phèn mặn thuộc TX Vĩnh Châu.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, nguyên PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng nhớ lại: "Sau bao năm đầu tư thử nghiệm trồng lúa thơm, đặc biệt từ khi thực hiện nghị quyết Đại hội XII (2010 – 2015) của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã nêu ra chỉ tiêu cụ thể: “Ổn định sản lượng hằng năm ở mức 1,7 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 20%...”.
Quả thực, đề án phát triển SX lúa đặc sản thực hiện đến cuối năm 2014, vùng trồng lúa thơm toàn tỉnh mở rộng chiếm 24,7% tổng diện tích gieo trồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, nhóm cán bộ nông nghiệp của tỉnh nghiên cứu thành công bộ giống lúa thơm Sóc Trăng (ST), từng bước xác lập giá trị cao trên thị trường. Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo thơm Sóc Trăng” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ trên pham vị cả nước trong vòng 10 năm".
Từ giống tốt đến SX VietGAP
Quá trình triển khai đề án phát triển SX lúa đặc sản, Sở NN-PTNT chú trọng công tác nghiên cứu, chọn tạo, nhân các giống lúa đặc sản. Trung tâm giống của tỉnh hỗ trợ mạng lưới SX giống cấp xác nhận tại những vùng thuộc đề án; cung ứng trên 27,9 tấn giống nguyên chủng gồm các giống lúa ST5, OM4900, OM7347, OM9921, OM9915 hỗ trợ nhân giống trên diện tích 232,7 ha tại các huyện, thị trong vùng đề án.
Kết quả đề án đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các giống lúa đặc sản, lúa thơm chất lượng và quy trình kỹ thuật SX giống lúa, trang bị kiến thức SX lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng, ổn định và bền vững để người dân ứng dụng vào SX hiệu quả.
Tại các huyện trong vùng thực hiện đề án đã tổ chức 54 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng TBKT cho nông dân. Kết quả mô hình này góp phần tác động thay đổi nhận thức của nông dân trong quản lý dịch hại, góp phần nâng cao kỹ năng chuyên môn về quy trình canh tác lúa đặc sản, giám sát dịch hại trên đồng.
Song song đó, đề án triển khai các mô hình SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ giá lúa giống 50%, 15% phân bón và thuốc BVTV theo định mức kỹ thuật; tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo quy trình “1 phải 5 giảm”, hướng dẫn ghi chép sổ tay trong SX… và ký hợp đồng với DN tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, đề án còn triển khai các mô hình SX sinh thái, sinh học trên diện rộng nhằm giúp giảm nguy cơ từ sử dụng thuốc BVTV, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, tạo ra sản phẩm an toàn, hướng đến mô hình SX nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Lúa thơm đặc sản giá trị cao
Đến dự tổng kết hoạt động SX nông nghiệp của tỉnh năm 2013, nhận định từ thực tiễn hoạt động SX nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Võ Minh Chiến chỉ đạo: “Làm kế hoạch SX nông nghiệp bây giờ, không phải lúc nào cũng chạy theo năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, cái chính là trên cùng một diện tích đó thu nhập của nông dân năm sau phải cao hơn năm trước. Có như vậy chúng ta mới đạt được mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân”.
Đề án phát triển lúa đặc sản triển khai chính là thể hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và gần đây là Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp.
Có ý kiến cho rằng để xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo thơm đặc sản cần có sự quản lý chặt chẽ quy trình SX: Kiểm soát giống thuần, đặc biệt là công tác kiểm định, kiểm nghiệm hạt giống và xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng để các DN tự kiểm soát trong quá trình SX chế biến gạo thơm.
Từ những giống lúa thơm đặc sản đưa vào SX, cùng với áp dụng các quy trình SX tiên tiến, thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giúp nông dân gia tăng lợi tức từ vài triệu lên cả chục triệu đồng trên mỗi héc ta mà vẫn giữ được ổn định về sản lượng.
Theo chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo, trong tình hình SX lúa ở ĐBSCL hiện còn gặp khó, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, PSG.TS. Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả SX lúa, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, SX theo chuỗi giá trị.
Trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu ở mỗi tỉnh phù hợp, có thể theo 5 nhóm vùng nguyên liệu phù hợp với yêu cầu của thị trường như canh tác giống lúa Jasmine 85; các giống lúa cho gạo trắng hạt dài chất lượng cao; các giống lúa đặc sản có chất lượng rất cao, đặc sản theo chỉ dẫn địa lý của địa phương gồm nhóm giống ST, Nàng thơm Chợ Đào, Tài Nguyên, Một Bụi Đỏ, VD20, Nàng Hoa…; các giống nếp và giống lúa hạt tròn (Japonica) và các giống lúa chất lượng trung bình - thấp.
Con đường từ nghiên cứu đến hình thành vùng SX lúa thơm đặc sản ở tỉnh Sóc Trăng đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên mối quan tâm nhất của các cán bộ nông nghiệp trực tiếp thực hiện đề án phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng là làm thế nào giữ vững giá trị gạo thơm, trong khi khâu hậu cần sau thu hoạch không theo kịp đà phát triển SX.
Các DN chuyển từ mua gạo sang mua lúa chưa kịp đồng tư đồng bộ trang thiết bị sấy, kho bảo quản dạt yêu cầu nên làm giảm chất lượng như mất mùi thơm, mất nhựa, ẩm vàng... Đó là một trong những nguyên do khiến cho giá gạo bị giảm giá.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/lien-ket-phat-trien-canh-dong-lua-thom-post136195.html
Related news
Hôm qua 10/4, tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã diễn ra Lễ khánh thành Trung tâm Phát triển Ca cao tại Bình Phước.
VN tự hào là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có thương hiệu cà phê ngoại nào hoạt động tại thị trường nội địa lấy cà phê Việt sử dụng trong chuỗi của mình.
Từ đầu năm đến đầu tháng 4-2014, trên địa bàn tỉnhThanh Hóa đã xảy ra 9 ổ dịch thủy sản của tôm sú, tôm thẻ chân trắng và ngao Bến Tre. Trong đó, 225,8 ha tôm sú tại xã Hoằng Phụ, Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), Quảng Phú (TP Thanh Hóa), Đa Lộc (Hậu Lộc)... bị bệnh đốm trắng; 8,5 ha tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh tại xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia); ngao nuôi Bến Tre chết rải rác ở 155 ha nuôi tại các xã Hải Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương).
Trước tình hình này, UBND xã Hòn Nghệ đã thông báo cho Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Kiên Lương, các ngành chức năng để tìm hiểu nguyên nhân chính xác cá chết. Song song đó, UBND xã hướng dẫn bà con bằng mọi biện pháp tạo ôxy cho cá hoặc di dời lồng bè đến những nơi có dòng nước chảy để cứu số cá nuôi còn lại.
Tôm hùm có giá trị xuất khẩu, kinh tế cao. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó việc nuôi tôm thương phẩm lại thiếu tính bền vững.