Lạng Sơn phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
Niềm vui của người dân xã Tân Liên trong mùa thu hoạch rau xanh.
Hiện nay, diện tích rau xanh trên địa bàn tỉnh có hơn sáu nghìn héc-ta, với sản lượng hơn 70 nghìn tấn/năm.Trong đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã mở rộng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để đáp ứng nhu cầu liên kết hợp tác sản xuất rau theo một quy trình thống nhất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, từ năm 2007, Hợp tác xã Nà Chuông, Mai Pha (TP Lạng Sơn) được thành lập, đến nay, có 47 hộ dân với 88 xã viên tham gia trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau hơn tám năm thành lập, hợp tác xã đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng.
Chủ nhiệm hợp tác xã Nà Chuông Hoàng Văn Thịnh cho biết, từ khi hợp tác xã Nà Chuông được thành lập, luôn nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm ứng dụng khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ), phòng kinh tế, TP Lạng Sơn và Tổ chức phi chính phủ VECO, nhận tài trợ, giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng rau an toàn theo hướng VietGap.
Từ đó đến nay, hợp tác xã đã đưa vào trồng từ 15 - 20 loại rau các loại, chủ yếu các giống rau như: cải làn, cải hoa vàng, cải đắng, su hoà, bắp cải... trên diện tích gieo trồng hơn tám héc-ta. Bình quân mỗi vụ cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn rau các loại, đem lại thu nhập cho hộ gia đình xã viên mỗi vụ rau từ 15 triệu đồng trở lên.
Rau sạch Nà Chuông hiện không chỉ có các nhà hàng ở TP Lạng Sơn đặt mua mà còn có một số nhà hàng ở các địa phương như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng… ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau an toàn đòi hỏi yêu cầu khắt khe, phải theo đúng quy trình kỹ thuật, từ các tiêu chuẩn về đất, nước tưới, quy trình gieo trồng... Nhờ bám sát các yêu cầu đó, sản phẩm rau, củ của hợp tác xã luôn được thị trường ưa chuộng.
Những năm gần đây, hợp tác xã Nà Chuông luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm rau sạch, năng suất bình quân đạt khoảng 22 tấn/ha, tại thời điểm thu hoạch tính bình quân rau các loại 12.000 đồng/kg, thì một ha tổng thu đạt khoảng 264 triệu đồng/ha. Rau sạch Nà Chuông đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn.
Chủ nhiệm Hoàng Văn Thịnh bên luống cà chua đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.
Chị Hoàng Thị Lý, xã viên hợp tác xã Nà Chuông cho biết, trước đây, trồng rau chỉ đủ ăn chứ không nghĩ tới bán, nay được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau chăm sóc theo quy trình, năng suất, chất lượng đạt cao.
Cụ thể, trồng một sào rau cải làn, chỉ sau 47 ngày đã cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 5,9 triệu đồng/sào (tập quán cũ chỉ thu được 2 triệu đồng/sào); một sào su hào thu lãi 11,5 triệu đồng/sào (trong khi cách trồng cũ chỉ thu được hơn 3 triệu đồng/sào); cây cà chua trồng theo đúng quy trình kỹ thuật một sào năng suất đạt 3.000 kg/sào, với giá bán 6.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 5,7 triệu đồng/sào…
Anh Nguyễn Đức Việt, Chi Cục trưởng, Chi Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản khẳng định, hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng, quy hoạch vùng rau an toàn tại 39 điểm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong đó, năm nay, mở rộng diện tích gieo trồng hơn 3.220 ha, chủ yếu ở TP Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Việc xây dựng các mô hình trồng rau an toàn không chỉ đem lại lợi nhuận cao đối với người sản xuất mà còn giúp người dân làm quen với kỹ thuật sản xuất rau an toàn, giảm đáng kể công lao động, giảm chi phí vật tư (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe cho người sản xuất...
Cũng từ các mô hình này, đã tác động sâu sắc đến việc thay đổi tập quán canh tác, góp phần cho bà con các dân tộc quen dần sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất lượng rau an toàn ở nhiều nơi trong tỉnh vẫn còn buông lỏng. Hiện Chi cục đang tiếp tục hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau thực hiện đúng các quy trình để có thể cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhưng để được cấp giấy chứng nhận đòi hỏi phải có sự đầu tư khoa học kỹ thuật, kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất rau theo đúng tiêu chuẩn rau an toàn…
Anh Dương Văn Hiệp, hộ trồng rau ở thôn Nà Hán, Tân Liên (Cao Lộc) bộc bạch: Trồng rau sạch khó hơn trồng rau bình thường, do phải tuân thủ, thực hiện nghiêm ngặt 12 tiêu chuẩn theo VietGAP, từ khâu giống tới các quy trình chăm sóc, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, cây rau mới đáp ứng được tiêu chuẩn sạch.
Vì vậy, kinh phí đầu tư cũng nhiều hơn, do đó số gia đình trồng rau an toàn ở trong thôn không nhiều. Bên cạnh đó, do giá rau sạch bao giờ cũng cao hơn so với các loại rau trồng bình thường khác. Trong khi người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là rau an toàn hay không an toàn, cứ thấy rẻ là mua, do đó, rau sạch thường tiêu thụ chậm hơn...
Một số nguyên nhân nữa do đa phần bà con nông dân chưa nắm vững được yêu cầu kỹ thuật trồng rau an toàn, hệ thống thủy lợi trên địa bàn chưa bảo đảm, còn phụ thuộc vào tự nhiên.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quang Chinh nhận định, để khai thác thật sự có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhất là tiềm năng trong ngành nông nghiệp, cũng như để mở rộng và phát triển bền vững mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các ngành chức năng của tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện nhiều mô hình, mở các lớp chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, cần sự vào cuộc đồng bộ của bốn nhà, gồm: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.
Related news
Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) chuyên cung ứng và xuất khẩu trái thanh long với quy mô lớn, cho biết ngày 3-12 giá thanh long ruột đỏ tiếp tục đứng ở mức cao, dao động quanh mức 60.000 đồng/kg.
Được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ kinh phí nâng cấp hầm lạnh, dụng cụ giết mổ cá, thiết bị đánh bắt mới và hướng dẫn cách bảo quản chất lượng cá ngừ đại dương (CNĐD) theo kiểu Nhật Bản, 2 chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đã hoàn thành chuyến biển trở về, ngư dân phấn khởi.
“Khi nào nông dân nhận thức được về lợi ích và hiệu quả của mô hình trồng hoa sinh thái trên ruộng lúa, thì chừng đó người nông dân tự động tham gia trồng mà không cần khuyến cáo”. Ông Phạm Văn Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương (huyện Châu Thành) đã khẳng định một cách chắc chắn như vậy.
Trước đây người ta cứ nghĩ rươi sinh sản vô tính, kỳ thực ra, rươi sinh sản hữu tính, tức phải có con đực và con cái mới hoài thai được ra con non.
Mục tiêu được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về xuất khẩu (XK) do UBND tỉnh tổ chức gần đây, KNXK toàn tỉnh của năm 2014 dự kiến chỉ đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Như vậy, đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu đã vượt chỉ tiêu kế hoạch, trong khi còn đúng 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2014. Thủy sản và gạo, 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, tuy giá trị thực mang về có thể không tăng bằng những năm trước đây.