Làng Rau Điêu Đứng
Quảng Thành (huyện Quảng Điền) là vựa rau lớn nhất tỉnh Thừa Thiên- Huế với 500 hộ dân tham gia trồng rau, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động ở địa phương. Thế nhưng, vụ rau năm nay, hàng trăm hộ dân phải “méo mặt” chỉ vì rau được mùa, rớt giá…
Cho không ai lấy
Trồng rau xanh là một nghề truyền thống ở Quảng Thành. Ở vựa rau này, bình quân mỗi nhà thường trồng vài sào, rau Quảng Thanh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn theo tư thương đi ra các địa phương khác. Thế nhưng, từ Tết cổ truyền đến nay, làng rau đã bước vào vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ gia đình vẫn bỏ không, không thèm nhổ rau bán vì giá rau rớt thê thảm.
Có mặt tại ruộng rau nhà mình, ông Dương Thanh Hùng (thôn Thành Trung) ngậm ngùi: “Tui trồng rau đã nhiều năm mà từ trước đến nay chưa khi nào thấy rau rẻ như thế này. Những mùa vụ trước, 1kg xà lách, giá cao điểm bán 6.000 đ, giờ chỉ 500- 1.000 đ mà thôi. Tính ra tui trồng 2 sào rau các loại, không đủ công chăm sóc chứ chưa nói đến giống má, phân bón”.
Trước tình trạng thị trường rau ế ẩm, giá thấp, nhiều hộ dân cứ để rau già trên ruộng, không thèm nhổ. Những hộ còn lại thì nhổ, bán cho người nuôi lợn, nuôi cá lồng với giá chừng 500 đ/kg rau các loại. “Phải nhổ rau trồng lại bán cho kịp vụ sau, chứ cứ để thế này thì cũng phải bỏ”- ông Hùng, tiếc rẻ.
Ông Lê Quang Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, toàn xã có 65 ha rau các loại, trong đó có 2 ha trồng theo chương trình VietGap. Những năm trước, rau không rớt giá, doanh thu đạt 12,7 tỷ đ/năm. Với tình trạng giá rau bèo bọt như hiện nay, đời sống của bà con trồng rau hiện rất khó khăn.
Theo nhiều hộ dân, giá rau năm nay bèo bọt là do thời tiết thuận lợi, nhiều vùng khác cũng trồng được rau xanh để bán. Bên cạnh đó, rau nhiều vùng khác cũng đổ về Huế nên rau ở địa phương xuống giá thấp.
Bà Nguyễn Thị Thuận, một hộ trồng rau tính toán: “Một sào rau xà lách bình quân đầu tư trên dưới 100.000 đ tiền giống, phân bón và các thứ khác, cho thu hoạch chừng 2,5- 3 tạ rau. Với giá bán 500 đ/kg như hiện nay, chỉ riêng tiền công cán đã lỗ rồi. Mấy ngày nay kêu người tới nhổ rau cho, họ cũng không lấy, đành nhổ mang về cho lợn, cá ăn”.
Trong khi đó, các loại rau có giá trị kinh tế cao hơn như rau húng, rau thơm, vào thời điểm năm ngoái, giá 50-70.000 đ/kg năm nay giá chỉ 15-20.000 đ/kg nên những hộ trồng rau lỗ càng thêm lỗ.
Nguy cơ bỏ ruộng
Ông Trương Hữu Tấn- Chủ nhiệm HTX Kim Thành cho biết, vì trồng rau là nghề truyền thống lâu đời nên bà con không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng các loại cây khác được. Tuy nhiên, trước thực trạng giá rau xuống quá thấp, một số nơi bà con đã bỏ ruộng, không trồng rau nữa vì quá thua lỗ.
Không chỉ giá rau thấp mà nhiều nơi ở làng rau Quảng Thành không bán được, rau cứ để già làm giống hoặc đành nhổ vứt bỏ để xuống giống làm cho kịp vụ sau. “Giá rau ế ẩm, xuống thấp từ trong Tết đến nay, nếu mùa vụ sau rơi vào tình trạng như thế này thì quá khó khăn cho bà con nông dân chúng tôi”- ông Dương Thanh Hùng (thôn Thành Trung), một hộ dân than thở.
Trong khi đó, người trồng rau theo chương trình VietGap tại xã Quảng Thành cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi chi phí sản xuất lớn, đầu ra còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Đình Định- chủ cơ sở thu mua và cung ứng rau an toàn Hóa Châu cho biết: “Bình quân mỗi mùa vụ tui chỉ thu mua chừng 30-40% lượng rau toàn xã. Hiện cơ sở của tui cũng chỉ mới bỏ hàng cho một số siêu thị, nhà hàng ở thành phố mà thôi.
Trong khi chi phí sản xuất rau an toàn khá lớn, dẫn đến tính cạnh tranh không cao. Ví dụ nếu sử dụng thuốc trừ rầy theo công nghệ sinh học, 10.000 đ chỉ phun được 1 sào; trong khi thuốc trừ rầy thông thường, 15.000 đ phun được 5 sào rồi”.
Related news
Năm 2012-2013, thu nhập của tất cả 40 tổ viên đếu đạt từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Một số hộ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, như hộ ông Trương Văn Cát, Nguyễn Văn Thống, Phạm Văn Hiểu...
Không có đồng vốn giắt lưng đáng kể nhưng ông Đinh Văn Bài (xóm Đông, thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã làm nên “kỳ tích” nuôi ếch, ba ba, cá...
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, thực hiện dồn điền đổi thửa và đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại là hướng đi mới đang được huyện Đông Anh chú trọng.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, tình hình dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Trong tháng 10.2013, đã có hơn 32ha tôm nuôi công nghiệp và hơn 862ha tôm quảng canh bị bệnh với mức độ thiệt hại từ 17-55%.
Huyện Châu Đức phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hội ND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt.