Làm giàu từ cây công nghiệp
Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, huyện Hướng Hoá đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đa dạng, hiệu quả và phù hợp với đặc thù khí hậu của từng vùng. Nếu như trước đây thị trấn Khe Sanh được coi là “vương quốc” của cây cà phê mít thì giờ đây cây cà phê catimor đã thay thế cà phê mít trên vùng đất Tà Cơn, Khe Sanh, vươn ra tận Hướng Tân, Hướng Phùng và vào sâu tận Ba Tầng. Huyện Hướng Hóa đã tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây sắn ở các xã vùng Lìa. Đặc biệt từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hoá đi vào hoạt động, nhân dân vùng Lìa và các xã trong huyện đã đẩy mạnh phong trào trồng sắn cao sản, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Có thể khẳng định rằng, sắn là cây trồng không chỉ giúp nông dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo ra nguồn thu nhập lớn giúp thoát nghèo vươn lên làm giàu, hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Đến nay toàn huyện có 4.400 ha sắn, với sản lượng hàng năm gần 60.000 tấn sắn củ tươi. Nhiều hộ gia đình đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã giàu lên nhờ cây sắn như hộ Ắm Vang ở A Xing, Ắm Lý ở A Túc, Kôn Vinh, Pả Hên ở A Dơi, Pả Dỏ ở xã Thanh... là những hộ gia đình có từ 5 đến 7 ha sắn, mỗi năm cung cấp cho nhà máy trên 200 tấn sắn nguyên liệu.
Với lợi thế về thời tiết, khí hậu và nguồn đất đỏ dồi dào, Hướng Hoá đã tập trung phát triển cây cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối, xoài, dứa. Đến nay toàn huyện có hơn 4.900 ha cà phê, diện tích thu hoạch khoảng 4.000 ha, doanh thu ước đạt trên 200 tỷ đồng. Cây sắn 4.400 ha, doanh thu đạt 130 tỷ đồng. Cây chuối 2.212 ha, doanh thu đạt 150 tỷ đồng. Cây cao su 803 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 200 ha, hồ tiêu 192 ha; cây ăn quả 2.770 ha. Các địa phương trong huyện đã tập trung đầu tư chuyên canh các cây trồng chủ lực như cây cà phê ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Ba Tầng; phát triển diện tích cây ăn quả, nhất là cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Lộc, Thuận.
Phong trào trồng cây cao su kết hợp trồng sắn nguyên liệu ở 8 xã vùng Lìa. Riêng ở xã Tân Long có đến 700 ha trên tổng số khoảng 2.212 ha chuối của toàn huyện. Bởi đây là cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác ở địa phương, lại bán được giá nên nông dân Tân Long tích cực mở rộng diện tích. Những năm qua chuối Hướng Hóa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang về một nguồn thu nhập cho người dân hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh hai loại cây trồng quan trọng là cà phê và sắn, chuối đã trở thành cây trồng chủ lực tạo sự chuyển biến đáng kể trong cơ cấu cây trồng ở huyện miền núi vùng cao này. Điều quan trọng là cây chuối đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Chỉ tính riêng nông dân xã Tân Long mỗi năm thu về trên dưới 60 tỷ đồng từ 700 ha chuối. Vì thế, chuối được coi là “cây làm giàu” cho nhiều hộ gia đình như Ngô Dương Phước, Đoàn Văn Trang, Võ Hoành, Nguyễn Trị (Tân Long) mỗi năm thu từ 700- 900 triệu đồng từ chuối.
Với những định hướng đúng đắn về đa dạng hóa cây trồng, Hướng Hoá đã phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ nguồn thu nhập ổn định, bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người đã xóa đói, giảm nghèo, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hộ khá giàu ngày càng tăng. Ngoài những cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, huyện quan tâm phát triển một số loại cây trồng mới như mắc-ca. Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích cây ngô lai, sắn, chuối, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, xây dựng vùng nông sản sạch để tăng giá trị nông sản hàng hóa. Bởi đối với Hướng Hóa bây giờ không dừng lại ở mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà phải quyết tâm giúp người dân làm giàu một cách bền vững bằng việc thâm canh các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao ngay trên mảnh đất màu mỡ giàu tiềm năng này.
Related news
Khoảng một triệu người ở châu Á kiếm sống từ nuôi tôm. Tại Việt Nam, xuất khẩu tôm đem lại 2,4 tỷ USD trong năm 2011 – tương đương hơn một phần sáu tổng giá trị sản lượng tôm ở châu Á cùng năm đó.
Sáng 29.11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp bàn, tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, tự phát tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì.
Các nhà quản lý và chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ứng dụng công nghệ cao mới giúp phát triển ngành công nghiệp bò sữa ở Việt Nam.
Đầu tháng 10-2013, tổng đàn bò toàn tỉnh có trên 82.800 con, tăng trên 3.470 con so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số lượng đàn bò tăng nhanh theo mô hình “2b” vẫn là các xã, thị trấn vùng cù lao Giêng và cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới), với trên 21.260 con, vượt 28,8% kế hoạch và tăng 23% so năm 2012.
Khoảng dăm năm trở lại đây, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, số người tham gia bắt chuột ngoài đồng ngày một nhiều. Có thể gọi họ là những “dũng sỹ” bảo vệ mùa màng bội thu, cho dù chưa hẳn ai cũng ý thức được đầy đủ rằng cần phải diệt chuột vì chúng là “chuyên gia” cắn phá cây trồng.