Làm Cột Leo Cho Cây Thanh Long
Cột đỡ chết
Được dùng nhiều ở Bình Thuận, là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước ta hiện nay. Cột được làm bằng những loại gỗ tốt, chịu được mưa nắng, lâu mục, như cây căm xe, cây cẩm liên, cây sao đen...
Cây cột đỡ có đường kính khoảng 25-30cm, chiều dài khoảng 2,5m để sau khi chôn xuống đất chiều cao còn khoảng 2m. Trên đầu mỗi cột đỡ đóng một cái khung gỗ để làm giàn, khi thanh long phát triển đến đầu cột giàn này sẽ phân nhánh đều ra các phía và rủ xuống, làm cho cây có dạng như hình cái nấm. Có nhiều cách làm giàn tùy theo vật liệu có sẵn và thói quen của mỗi địa phương.
- Giàn thả lồng: Là kiểu giàn tốt nhất, song hơi tốn nhiều gỗ. Giàn gồm 6 thanh gỗ 3x3cm, dài 50-60cm, hai thanh gỗ đầu được đóng kẹp vào đầu cột hình chữ nhật, bốn thanh còn lại được đóng thành một cái khung vuông đặt lên trên hai thanh gỗ kia tạo thành một khung lồng.
- Giàn hình chữ thập: Dùng hai thanh gỗ bắt chéo hình chữ thập trên đầu cột đỡ, kiểu giàn này ít tốn gỗ hơn so với kiểu giàn thả lồng, song cũng thích hợp để thanh long phân bố đều nhánh trên đầu cột.
- Giàn hình chữ I: Dùng một thanh gỗ đóng trên đầu cột đỡ, đây là kiều giàn tốn ít gỗ nhất, nhưng có nhược điểm là các nhánh phân bố không đều ra các hướng trên đầu cột đỡ.
Do cây cột đỡ bằng gỗ ngày càng hiếm, gần đây bà con trồng thanh long có xu hướng đổ cột trụ bê tông cốt thép làm giàn đỡ. Cây trụ có thân hình vuông mỗi cạnh 15cm, chiều dài 2,5m, trên đầu trụ để sẵn có 2 lỗ thông có đường kính 1,5-2,0cm vuông góc với nhau, để sau này đút hai thanh sắt có đường kính tương tự, dài 50-60cm xuyên qua 2 lỗ tạo thành hình chữ thập. Loại trụ đỡ bê tông hiện được làm rất nhiều ở các vùng chuyên canh thanh long ở miền Đông Nam Bộ.
Cột đỡ sống
Loại cột đỡ sống được làm nhiều ở các vùng trồng thanh long của các tỉnh Tiền Giang và Long An. Bà con thường trồng cây vông nem, cây còng (còn gọi là cây me tây) để làm cây cột đỡ. Cây cột đỡ sống có ưu điểm là đỡ tốn kém tiền của, thanh long bám chắc chắn (do cây sống phân nhánh nhiều), song nhược điểm là cây cột đỡ sống sẽ tranh giành nước, dinh dưỡng và ánh sáng với cây thanh long, từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thanh long, làm giảm năng suất và phẩm chất quả thanh long. Cây cột đỡ sống cũng sinh trưởng phát triển như cây thanh long nên tốn công xén tỉa cây, mặt khác trong quá trình sống, cây cột đỡ cũng cao to dần lên khiến giàn thanh long cũng cao theo, gây khó khăn cho chăm sóc sau này. Ngoài ra khi chăm sóc cho thanh long, chúng ta cũng phải tốn công chăm sóc cho cây cột đỡ.
Related news
Trong chương trình phát triển cây ăn quả các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung, Phủ Quỳ (Nghệ An) nói riêng, Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Phủ Quỳ, đã đưa giống thanh long ruột đỏ trồng thực nghiệm trên đất Phủ Quỳ từ năm 2001...
Sau thời gian nghiên cứu, chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng.
Cây thanh long có nguồn gốc nhiệt đới, chịu hạn giỏi, nhưng không chịu được giá lạnh. Chúng dễ sống, dễ trồng, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau như đất xám bạc màu (Bình Thuận), đất phèn (ĐBSCL), đất đỏ (Long Khánh, Đồng Nai)….
Việc áp dụng phương pháp chấm thuốc VSL-1 kích thích thanh long ra trái nghịch vụ đã được nhiều nhà vườn ở Bình Thuận thực hiện thành công.
Những ngày này xuống Châu Thành - Long An và Chợ Gạo - Tiền Giang, thủ phủ trồng thanh long ở ĐBSCL đều gặp các chủ vườn với nét mặt rầu rĩ, hoang mang vì một loại nấm bệnh lạ tấn công mà mức độ được ví không khác gì nấm Corynespora gây ra bệnh vàng rụng lá trên cây cao su từng bùng phát ở Đông Nam bộ vào năm 2011.